Nghệ nhân ưu tú Sần Cháng cho biết, sau những năm học ở trường làng, ông tiếp tục học bổ túc cấp 3 ở Lào Cai, rồi là sinh viên Trường Đại học Văn hoá Hà Nội. Những năm sinh viên, với tính cần cù chăm học, ông đã tích luỹ được nhiều vốn kiến thức lý luận cơ bản về lĩnh vực văn hoá dân tộc nói chung và dân tộc Giáy nói riêng. Sau khi tốt nghiệp, ông đã kinh qua nhiều lĩnh vực công tác, nhưng ông vẫn luôn hướng về quê hương, cội nguồn. Với ông, ngoài việc lãnh đạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa - thể thao của tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình là đưa văn hóa, nghệ thuật đến với đồng bào các dân tộc trong tỉnh, thì việc lưu truyền phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp ông cha để lại và tình cảm quê hương là niềm trăn trở và luôn hối thúc trong ông.

Theo ông Cháng, năm 2003, sau khi được nghỉ hưu, ông mới thực sự có điều kiện, có thời gian lặn lội đi khắp các bản làng đồng bào dân tộc Giáy, cùng ăn, cùng ở và cùng trò chuyện với những nghệ nhân cao tuổi để tìm hiểu, khai thác, sưu tầm những phong tục, tập quán văn hóa người Giáy như: Các bài dân ca, phong tục cưới xin, ma chay, lễ hội và các món ẩm thực truyền thống…

Nghệ nhân ưu tú Sần Cháng sinh năm 1943 tại xã Tả Van, vùng đất quanh năm sương mù bao phủ ở huyện vùng cao Sa Pa (Lào Cai). Ông là người Dân tộc Giáy, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai.
Với lợi thế là người con của đồng bào cùng với sự am hiểu về văn hoá dân tộc kết hợp những kiến thức đã học trong nhà trường, ông đã sưu tầm, ghi chép, chỉnh lý, biên soạn thành tác phẩm có giá trị trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá dân tộc. Đến nay, ông đã sưu tầm được hàng trăm bài dân ca, câu đố, tục ngữ dân tộc Giáy (hát bên mâm rượu, hát trước mặt quan khách, hát hỏi thăm, hát trao dâu…); hệ thống khái quát về dân tộc Giáy như: Tên gọi, địa danh, lễ Tết, làm nhà, cưới xin, sinh đẻ, tang ma và các phong tục thờ cúng tổ tiên, cúng thần…

Ông Cháng cho biết, đến nay, ông đã xuất bản được 7 tác phẩm về phong tục, tập quán, văn hóa của người Giáy và 6 bản thảo đã được hoàn chỉnh chuyển đến nhà xuất bản. Đang chuẩn bị cho xuất bản cuốn "Văn hóa dân gian dân tộc Giáy" và cuốn sách giới thiệu về "Người Giáy ở Lào Cai".

Nét văn hóa độc đáo người Giáy. Ảnh: TQ

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết, những đề tài nghiên cứu của ông Sần Cháng là những tác phẩm có giá trị, mang tính giáo dục truyền thống được đánh giá cao. Ông từng được trao giải A cho tác phẩm "Hát trong đám cưới" dân ca Giáy; giải Khuyến khích cho tác phẩm "Vương chang hằm"; Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa nghệ thuật Việt Nam và nhiều Bằng khen do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam trao tặng.

Dân tộc Giáy có tên gọi khác là Giẳng, Nhắng... dân số khoảng 58.617 người (năm 2009). Tiếng Giáy thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, ngữ hệ Thái - Ka Đai. Có chữ viết riêng dựa trên chữ Hán (nôm Giáy). Người Giáy đến Việt Nam khoảng 200 năm nay. Người Giáy cư trú tập trung ở các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương (Lào Cai), Yên Minh, Ðồng Văn (Hà Giang), Phong Thổ, Mường Tè (Lai Châu).
Ngoài ra, ông còn đạt các giải A của tỉnh cho tác phẩm "Hai bài hát trong đêm" dân ca Giáy và giải C tập sách "Giới thiệu tranh thờ người Giáy"… Đặc biệt, ngày 13/11/2015, ông Sần Cháng vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian.

Năm nay ông đã bước sang tuổi 73, mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu, song nguyện vọng của ông là được đến những nơi có người Giáy sinh sống tại tỉnh Hà Giang, Lai Châu để tiếp tục khám phá, thu thập những phong tục, tập quán văn hóa của người Giáy để truyền lại cho đời sau.

Chúng tôi, những lớp người đi sau luôn mong muốn và chúc phúc ông có nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho xã hội.

7 cuốn sách đã được xuất bản: Vương chang hằm (hát giao duyên ban đêm), xuất bản năm 2000; Dân ca trong đám cưới người Giáy, xuất bản năm 2001; Một số phong tục, tập quán người Giáy, xuất bản năm 2002; Giới thiệu Mo tang lễ, xuất bản năm 2004; Mo tang lễ (nguyên bản Mo cúng trong đám tang), xuất bản năm 2010; Đám cưới dân tộc Giáy, xuất bản năm 2011 và Tục ngữ, thành ngữ người Giáy, tái bản lần thứ 3 năm 2012.

6 cuốn sách chuẩn bị xuất bản: Han San Co người Giao; Người Giáy Lào Cai; Quy trình một đám tang người Giáy; Phong tục sinh đẻ và làm nhà của người Giáy; Tang ma người Men xã Sa Pả và Con gà và quả trứng trong tâm linh người Giáy.


Trần Quý