Văn hóa là đời sống tinh thần của xã hội, là phần không thể thiếu của mỗi cá nhân. Kinh tế, chính trị, văn hóa trở thành những vấn đề chủ yếu trong đời sống xã hội và là đối tượng phản ánh chính của báo chí.

Nhiều khảo sát cho thấy, gần như tất cả các báo chính trị - xã hội nói chung đều viết về văn hóa, có chuyên trang, chuyên mục văn hóa. Chuyên mục này cũng là chuyên mục phổ biến trên các báo điện tử. Tùy theo tôn chỉ mục đích, định hướng của tòa soạn mà chuyên mục văn hóa của mỗi tờ báo lại chia thành các mục nhỏ phục vụ cho nội dung thông tin, tuyên truyền khác nhau.

Không thể phủ nhận rằng, thời gian qua, chuyên mục văn hóa trên báo mạng đã đạt được những thành tựu. Thông tin đa dạng, phong phú nhiều lĩnh vực, đặc biệt là mảng thông tin về giới nghệ sĩ, hoa hậu, thời trang... góp phần tạo nên sức thu hút, hấp dẫn với độc giả. Chức năng cơ bản của văn hóa nói chung, báo chí nói riêng, được thể hiện trên chuyên mục văn hóa của báo mạng là giải trí được phát huy khi được cập nhật thường xuyên, hình ảnh, âm thanh, vidieo clip... được kết hợp một cách linh hoạt, hấp dẫn.

Song, chính điều đó lại là “con dao hai lưỡi” khi phần lớn thông tin trên chuyên mục văn hóa của báo mạng hiện nay đang xoay quanh những hoạt động giải trí, ngôi sao, người đẹp, nghệ sĩ... mà quá thiếu vắng những thông tin mang tính định hướng thẩm mỹ, nâng cao trình độ văn hóa giải trí, giá trị văn hóa cho công chúng.

Theo một khảo sát từng thực hiện với một tờ báo mạng hàng đầu về lượng truy cập, các tin, bài về nghệ sĩ chiếm số lượng lớn nhất trong tổng số các tin, bài trong chuyên mục văn hóa, gần gấp đôi những tin, bài vê âm nhạc, gấp 7 lần những bài viết về văn học và gấp 20 lần những bài viết về mỹ thuật.

Nếu trở lại với quan niệm “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ thể nghiên cứu thấy rõ đang có những bất cập trong việc thông tin trên chuyên mục văn hóa của báo mạng hiện nay. Bởi văn hóa không phải chỉ là chuyện về những người đẹp, hoa hậu, chuyện của sao này, sao kia... Văn hóa là để định hướng thẩm mỹ cho công chúng, để giúp hoàn thiện chân - thiện - mỹ trong bản thân mỗi người và toàn xã hội.

Trái lại, nhìn vào thực tế trên các chuyên mục văn hóa trên báo mạng hiện nay, không ít bài chỉ mang tính giải trí, “nhìn cho vui mắt”, đánh vào thị hiếu, kích thích tò mò của một bộ phận độc giả chứ không mang lại hiệu quả thông tin gì cho công chúng, cho hoạt động thông tin báo chí. Chính vì vậy, thông tin trở nên hời hợt, sơ sài, chỉ quan tâm đến hình thức mà không đi sâu vào giá trị nội dung, hoàn toàn chưa định hướng thẩm mỹ cho công chúng.

Hơn thế, loại tin nhảm nhí, với những cách giật tít giật gân, câu khách, những thông tin “lộ hàng”, “sốc, sex, sến”, những kiểu đưa tin thô thiển khi nhân vật của câu chuyện là bất cứ ai, không phân biệt giới tính, tuổi tác, quốc tịch... và có thể nói, với kiểu loại tin như thế, phóng viên đã đánh mất chính đạo đức nghề nghiệp của mình. Khó có thể coi đó là “văn hóa", và lại càng khó hơn khi hy vọng chuyên mục văn hóa có thể nâng cao văn hóa cho công chúng. Làm sao báo chí nói chung và chuyên mục văn hóa trên báo mạng nói riêng có thể thực hiện đúng chức năng của văn hóa: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi?
Theo phân tích của bà Hằng, chuyên mục văn hóa báo mạng không phải chỉ là những mục dành riêng cho việc “thỏa mãn mắt”, mà cần thỏa mãn cả những nhu cầu khác của tâm hồn con người. 

Trong từ “văn hóa” thì văn có nghĩa là “vẻ đẹp” (giá trị), văn hóa có nghĩa là trở thành đẹp, thành có giá trị. Văn hóa chỉ chứa cái đẹp, chứa cái giá trị. Nó là thước đo mức độ nhân văn của xã hội và con người. Vậy, bất cứ thông tin nào đưa ra để làm cho người đẹp hơn, hoàn thiện hơn thì đó chính là những thông tin mà chuyên mục văn hóa trên mạng cần hướng tới. 

Báo chí cũng cần phải dũng cảm bỏ qua những thông tin nhảm nhí, “lá cải”, những tin tức giật gân, câu khách để định hướng thẩm mỹ cho công chúng, hướng tới xây dựng một nền văn hóa lành mạnh, dân tộc, hiện đại và nhân văn. 

Văn hóa là sự đa dạng giàu bản sắc, nhưng chuyên mục văn hóa không có nghĩa là tập hợp những tin, bài lộn xộn, tốt xấu, hay dở đan xen, cái có giá trị và định hướng thẩm mỹ nằm cạnh cái phản cảm, thô tục. 

Cũng cần nhận thức rằng, cái đẹp không phải chỉ là câu chuyện người đẹp, mà còn là cái đẹp của hàng triệu tâm hồn, những con người dưới những hình thức không hề hoa mỹ.

“Từ quan điểm “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suy ngẫm về chuyên mục văn hóa trên báo mạng hiện nay, tôi cũng chỉ nêu lên một vài trao đổi, mong muốn chuyên mục văn hóa sẽ ngày càng hoàn thiện, giúp bồi đắp tâm hồn mỗi con người, và để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi””, nhà nghiên cứu ở Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nhấn mạnh.

Oanh Hữu