Vẫn biết sự so sánh nào cũng là khập khiễng, thế nên với tâm thế của 1 kẻ “ngoại đạo”, tôi đã quyết đi tìm lời giải cho câu hỏi: Lan là thứ báu vật, cây cỏ gì mà “đắt xắt ra miếng”, quý hơn cả vàng như thế?

Thú chơi chỉ dành cho bậc vương gia thời xưa

Lan đích thực là thứ hoa quyền quý. Cách chúng ta gần 200 năm, Phạm Đình Hổ - người từng làm tới chức Thị Giảng học sĩ dưới triều vua Minh Mệnh nhà Nguyễn cho biết “đời xưa gọi lan là vương giả hương”, bởi thứ hoa lan “thanh nhã bất phàm”, không phải thứ cỏ cây hoa lá bình thường có thể ví được.

Cao Bá Quát - người chẳng những văn thơ lẫy lừng được người đời xưng tụng là “thánh” mà còn là kẻ ngang tàng “chọc trời khấy nước”. Ông có bài thơ “Lan vi quân tử” (Lan ví với quân tử). Trong đó có mấy câu như thế này:

Nhã khiết phù quân tử
U lan phẩm tối lương
Kỳ nhân nguyên tỷ ngọc
Thử quốc hợp danh hương

Đại ý, lan là giống hoa tao nhã, khí chất lạ thường hợp với người quân tử. Người xưa từng xem, giống hoa lan được tôn vinh là “hoa hậu”, “nữ hoàng của các loài hoa”, là bởi nó vốn là giống thực vật của miền sơn cước, sống mãi nơi thâm sơn cùng cốc, chót vót trên chòm cây đại thụ, cheo leo nơi vách đá, nhờ hấp thụ khí chất, tinh túy của gió, mây nhưng lại không nhiễm thứ ô trọc của bùn lầy, cỏ mục mà trở nên quý.

Thứ mà hoa lan khác với mọi loại hoa khác là ở chỗ tuy sống ở chốn tịch mịch, phong sương, xa lánh bụi trần, chẳng đua tranh với đời, chẳng bon chen “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”, chẳng cần "phấn son trang điểm" nhưng “vẫn ngát hương dù chẳng bóng người”. Cái đẹp ấy hình như chỉ dành cho tạo hóa.

Thế mới biết, ngày xưa, để kiếm được một giò phong lan treo nơi cung vua, phủ chúa, để được "mắt rồng, mắt phượng" thưởng lãm là cả một sự khó nhọc, thậm chí đánh đổi cả tính mạng. Cũng may, nước Việt vốn là xứ nhiệt đới, quê hương của nhiều giống loài lan. Theo thống kê sơ bộ được khoảng 140 chi gồm trên 800 loài lan rừng khác nhau.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Cách đây 7, 8 năm, có dịp lên địa đầu Hà Giang, ghé một vườn lan rừng thuộc loại lớn nhất nhì tỉnh, tôi thấy phong trào chơi lan hãy còn ảm đạm. Có chăng, chỉ mấy anh kiểm lâm, cán bộ xã vùng cao treo vài giò trong đơn vị, ngắm chơi lúc thư nhàn.

Thú chơi lan rộ lên từ 2 năm trở lại đây. Thêm cộng hưởng của mạng xã hội như facebook, zalo thì thú chơi lan càng trở nên “sốt”. Một người bạn tôi - Nguyễn Văn Quang, giờ bỏ cả nghề kiến trúc sư, bỏ cả giám đốc công ty xây dựng để đêm ngày mê mẩn với “nàng lan” kiêu sa.

So với thời các cụ xưa, Quang bảo, giờ “đồ” chơi lan dễ kiếm hơn nhiều. Từ giá thể (chậu gỗ, vỏ cây mục…) đến các loại phân, thuốc sinh học đều sẵn. Thời đại 4.0, người ta không dùng phân trâu, phân bò vì dễ mang theo vi khuẩn gây bệnh, mà chuyển sang dùng phân dê, phân chì (phân công nghiệp, vi sinh). “Ưu điểm của loại phân này là sạch. Phân không thúc nhanh mà bón lâu (từ 3 tháng đến 3 năm mới hết chất). Có loại phân còn “cảm ứng” theo nhiệt độ, tùy theo thời tiết nóng lạnh mà lượng vi chất tiết ra nhiều hay ít”, Quang chia sẻ.

Nếu chơi lan ngày xưa thực sự dành cho bậc vương giả, quý tộc thì giờ đây, lan được trồng công nghiệp nên nhiều loại vừa rẻ, vừa dễ chăm sóc, ai cũng có thể sở hữu vài giò. 

Nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân đã từng viết trong truyện ngắn Hương Cuội: “Gió mạnh là gẫy, nắng già một chút là héo, mưa nặng hột là nẫu cánh… Chăm như chăm con mọn ấy. Chiều chuộng quá như con cầu tự. Lầm lỡ một chút là chúng đi ngay”. 

Theo kinh nghiệm của Quang, “bệnh thối nhũn là kẻ thù số 1 của lan. Đặc tính của lan là rễ và lá cũng “ăn” những dưỡng chất trong không khí. Người ta gọi phong lan là vì thế. Nói cách khác, lúc nào cũng cần có gió thổi, không khí thoáng mát. Không có gió, thời tiết oi, nồm là một. Đang mưa nhiều cây căng nước, nắng bốc lên đột ngột khiến cho rễ bắn ra ngoài giá thể là hai. Đó là điều kiện lý tưởng khiến cây bị bệnh”.

Đo từng centimét tính tiền triệu

Trong số hàng vài chục ngàn chi phong lan trên thế giới, có người chia lan ra làm 4 loại: Địa lan, có nghĩa là lan trồng trên đất. Thạch lan - lan sống ở các khe núi đá. Lan ký sinh, sống tầm gửi trên các thân cây, cành cây còn sống và Mộc lan - lan sống trên các thân gỗ mục (cây đã chết).

Còn giới chơi lan hiện nay chia làm 2 kiểu chơi. Một kiểu chơi thân, lá: Thân to, lá to hoặc thân lá phong thủy (có ý nghĩa phát tài). Nhưng “đỉnh nhất” vẫn là chơi hoa như Vĩ lan, Kiều lan, Quế lan. Tuy nhiên chiếm ngôi đầu bảng của dòng chơi hoa và được săn lùng nhất hiện nay là lan Phi điệp (còn gọi là Giã hạc).

“Người chơi lan ngày càng đông nhưng top 1, đẳng cấp nhất là hàng cao cấp, đột biến (hay gọi tắt VAR). Trong đó, đột biến bán phần được săn lùng mạnh nhất. Nếu như loại lan thường có giá trung bình khoảng 500 - 600 ngàn đồng thì dòng Phi điệp có giá tiền triệu, trăm triệu, thậm chí, hàng tỷ đồng cũng không còn phải là chuyện hiếm.

Chỉ vào 1 giò lan trong vườn, Quang bảo tôi, đó là giống Phi điệp hồng bích quyết có giá 12 triệu đồng/1cm. Thân cây mới chỉ dài hơn gang tay nhưng đã trị giá vài trăm triệu đồng. Phi điệp hồng 66: cỡ 8 triệu đồng/1cm; Hồng Yên Thủy (Hòa Bình) khoảng 4 triệu đồng/1cm; 5 cánh trắng Hiển Oanh 1,6 triệu đồng; 5 cánh trắng Hòa Bình 2 triệu đồng; 5 cánh trắng Hải Dương: 5 triệu đồng…

Vì sao 1cm lan Phi điệp đột biến lại có mức giá “khủng”, cả giò lan bằng cả gia tài đời người như thế? Để có câu trả lời, tôi đã tìm đến nhiều cao thủ trong làng chơi lan. Thì ra sở dĩ được xếp vào hàng “vua” của các loài lan là bởi xét về cả 3 tiêu chí: Đẹp, độc, đắt thì lan Phi điệp đột biến đều là số 1.

Đẹp nhất, bởi một bông hoa lan đột biến đẹp cần đạt các yếu tố như: Đài cong và ngửa; vai phải cánh thuyền, càng bầu, căng, bóng thì càng đẹp; mắt xước, gọn, sạch, cách xa thùy và không lem; mũi có mầu càng trắng, càng quý; thùy (khoảng giữa 2 mắt và mũi) không lem màu… Mặt hoa phi điệp thường có 5 cánh, cấu trúc cũng giống như mặt người, 2 bên là mắt, trên là mũi (có đầu mũi, sống mũi) rồi môi, rồi họng.

Độc nhất, bởi thứ lan đột biến tự nhiên là thứ lan của trời cho, “cho ai người nấy hưởng”. Người chơi chỉ có quyền chăm sóc chứ không thể uốn nắn, tạo tác được. Đôi khi mua vài tấn lan cấy ghép cũng không dễ gì ra một mặt bông đẹp. Có nhà vườn thu mua hàng chục, 2 chục tấn lan rừng (thời giá trước kia khoảng 700 - 800 ngàn đồng/1 cân), mất hàng tỷ bạc nhưng chưa chắc đã ra được bông nào đột biến. Độc nhất vô nhị, trên cả nước có khi không có bông thứ hai. Thế nên chủ nhân cũng gắn luôn tên mình vào tên lan như 1 thương hiệu! Chính vì đẹp, độc nên việc Phi điệp đột biến có giá “trên trời”, đắt nhất cũng là điều dễ hiểu.

Một thành viên Hội quán Hoa lan Hòa Bình, anh Phạm Ngọc Cảnh chia sẻ: “Chơi lan đột biến như lấy vàng trên lửa ấy bạn ạ. Ngoài niềm đam mê, am hiểu hoa lan, người chơi cũng phải có khí chất, bản lĩnh. Chơi cho vui thì khuyên là không nên. Chả phải đùa đâu, mất nhà có ngày đấy. Từ đầu năm đến giờ tôi đã mất trắng gần tỷ bạc. Nhưng cuối năm bán được một, hai giò lan đột biến lại phát”.

Chơi lan giờ đã là một nghề. Và ai đó đã trót đắm say với loài hoa quyền quý này cũng đều tâm niệm người chơi hoa khi phải lấy cái chí tình ra mà đối đãi với giống hoa cỏ không bao giờ biết lên tiếng. Như thế mới phải đạo của người tài tử với một loài hoa đẹp.

Đức Tôn