Hàng năm, cứ vào dịp giáp Tết Nguyên đán là thời điểm người dân nơi đây lại tất bật vào mùa làm hương phục vụ cho Tết và cho các lễ hội. Ngay từ đầu làng, hàng loạt phên phơi hương được bày ra thành từng khoảng rộng. 

Theo các bậc cao niên, làng hương Cao Thôn đã có từ rất lâu đời, gắn liền với truyền thống lịch sử văn hóa của đất và người Hưng Yên. Những người già trong làng kể lại, cụ tổ nghề hương Cao Thôn là bà Đào Thị Khương. Bà là người làng Cao Thôn, bôn ba mưu sinh bên ngoài rồi lấy chồng Trung Quốc; sau bà về làng sinh sống rồi từ đó truyền nghề làm hương cho dân làng. Hiện nay, bà Đào Thị Khương được thờ cúng ở nhà thờ tổ họ Đào tại làng Cao Thôn; hàng năm, làng nghề lấy ngày 22/8 Âm lịch làm lễ giỗ tổ nghề.

Có thể nói, nghề làm hương làng Cao Thôn đặc biệt nhất, không giống với bất cứ nghề làm hương ở nơi khác nhờ các nguyên liệu tạo nên mùi thơm cho hương Cao Thôn. Công nghệ sản xuất hương đơn giản, dụng cụ có thể tự tạo hoặc mua sắm không tốn kém, nguyên liệu làm hương đều lấy từ thảo mộc, vốn sản xuất cũng không đòi hỏi lớn lắm, thế nhưng không phải ai cũng có "duyên" với nghề này.

Bà Phạm Thị Hà, người có nhiều năm trong nghề chia sẻ, trong làng Cao Thôn có rất nhiều loại hương khác nhau, hương Se, hương Vòng, hương Nhúng, mỗi loại có cách làm và hình dáng khác nhau nhưng đều chung một loại nguyên liệu là 36 vị thuốc Bắc. Tất cả các công đoạn từ pha chế thuốc, se hương, nén hương đa số đều làm bằng tay. Sản phẩm hương sau khi làm xong được đem phơi nắng, nắng và gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm.

Hiện nay, nền kinh tế phát triển, hương Cao Thôn ngày càng được đổi mới và đi lên, nhiều hộ đã đầu tư máy móc thay thế bớt sức lao động. Không còn nhiều hộ gia đình làm hương se tay. Phần lớn người dân trong làng đều chuyển sang sử dụng máy móc để làm hương. Hương xạ se bằng tay có thịt xương lớn hơn làm bằng máy, nhưng mất nhiều sức lao động và hay bị hỏng. Nếu như se tay một ngày một công nhân sản xuất được 7.000 - 8.000 cây hương thì nhờ có máy móc, có thể sản xuất lên tới 30.000 cây hương.

Bó que tăm hương được nhuộm đỏ, phơi nắng. Ảnh: Ngọc Anh

 

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, cả làng không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá sản phẩm ngày càng rộng rãi.

Một số gia đình làm ăn phát đạt đã ra thành phố mở hiệu chuyên bán hương nổi tiếng một thời như Quảng Thái, Vạn Hoa, Hoàng Phát (Hà Nội), Đồng Phát (Hà Đông), Hồng Phúc (Huế), Đồng An Xương (Sài Gòn), Đồng An Mỹ (Hải Dương)...

Theo thống kê, hiện nay ở Cao Thôn có khoảng 300 lao động làm hương, sản lượng hương xạ đạt xấp xỉ 10 triệu nắm, doanh thu 2,5 - 3 tỷ đồng/năm. Đến thời vụ làm hương, vào 2 tháng giáp Tết Nguyên đán, người Cao Thôn còn đổ ra các thành phố, thị xã làm hương bán tại chỗ để giảm bớt chi phí chuyên chở, tuy vậy sản lượng hương sản xuất tại địa phương vẫn là chính. Sản xuất hương ở Cao Thôn hầu hết theo quy mô hộ gia đình, thu nhập bình quân đạt 350.000 - 400.000 đồng/người/tháng.

Trải qua bao thăng trầm, hương Cao Thôn vẫn giữ nguyên được đặc tính vốn có của mình mà ít làng hương nào sánh được. Chính vì mùi thơm, độ bắt lửa và hình thức đẹp mà sản phẩm của vùng này luôn được tin dùng. Biết bao năm tháng gắn bó với nghề truyền thống, những con người làng nghề Cao Thôn đã tự nuôi sống mình bằng cái nghề làm hương xạ cổ truyền mang đậm hồn cốt của cha ông để lại.

Người dân làng Cao Thôn tâm niệm, mỗi nén nhang thơm được thắp lên là một nét đẹp văn hóa thiêng liêng, tỏ lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với ông bà tổ tiên cũng như lòng thành kính của con nhang, phật tử đối với Phật, Thánh, Mẫu… muôn nơi nên người làm nghề không cho phép cẩu thả. Chính vì ý nghĩa thiêng liêng mà người dân làng nghề Cao Thôn luôn mong muốn được lưu giữ và phát huy nét đẹp văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt qua những nén hương thơm mà tự tay họ làm ra. Đấy không chỉ là cái nôi văn hóa góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy tín ngưỡng tâm linh cuả người Việt mà còn là một nét đẹp truyền thống, biểu hiện cho giá trị tinh thần của con người.

Ngọc Anh