Từ vinh dự, tự hào…

Dẫu mộc mạc, chân chất như lời ăn tiếng nói, tính cách bộc trực hàng ngày của người xứ Nghệ, nhưng ví, dặm lại đi vào lòng người một cách bền lâu, sâu lắng và tha thiết. Ví là thể loại hát tự do, ngân nga dài ngắn, trầm bổng khác nhau tùy vào người hát, vào cảnh, vào thơ lục bát... Dặm là thể loại hát theo phách nhịp, nặng nhẹ rõ ràng, thường có lời là thơ ngũ ngôn. Theo các nhà nghiên cứu, có khoảng 15 điệu ví gọi tên theo bối cảnh diễn xướng như ví đò đưa, ví phường vải, ví trèo non… có 8 loại dặm như dặm đi, dặm kể. Ví, dặm vốn xa xưa là tiếng hát của người dân lao động, sinh ra trong lao động, được nhân dân yêu thích và sử dụng mọi lúc mọi nơi để giải trí, động viên, cổ vũ trao, đổi tâm tình mà không cần đến nhạc công, nhạc đệm.

Ví, dặm tự bao đời đã chuyển tải tình yêu quê hương, gia đình sâu nặng, giàu tính khuyên răn, giáo dục. Thấp thoáng trong những lời ca là hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, ruộng vườn, làng mạc, là tình yêu lứa đôi chân thành, là tình cảm chồng vợ thủy chung, là đạo nghĩa với mẹ cha, ông bà hiếu kính… Triết lý mà nhẹ nhàng, bình dân mà sâu sắc là những cái hay, cái đẹp đã góp phần làm nên sức sống lâu bền của dân ca ví, dặm trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Trải qua thời gian, chiến tranh, khúc ruột miền Trung đã bao phen chia cắt, đạn bom, “gió dập sóng dồi”, ví, dặm vẫn còn vang mãi những lời ca ngọt ngào, khoan nhặt. Tinh hoa từ ngàn xưa ấy, khởi nguồn từ văn hóa Hồng - Lam, được lớp lớp người Nghệ từ đời này sang đời khác trao truyền cho nhau và không ngừng chắt chiu, bồi đắp.

Ngày 27/11/2014 tại Paris, dân ca ví, dặm được Hội đồng liên Chính phủ của UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là niềm vinh dự, tự hào của người Việt Nam nói chung, người Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng. Từ những miền quê nắng gió, ví, dặm đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, chính thức trở thành Di sản văn hóa của nhân loại.

… Đến gìn giữ, phát huy và lan tỏa

Trong hạnh phúc, tự hào, người xứ Nghệ luôn nhận rõ trách nhiệm lớn lao của việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy thật tốt giá trị di sản mà cha ông để lại. Thật đáng mừng, sau một năm vinh danh, trên quê hương xứ Nghệ, ví, dặm đã có thêm những thành tựu, mới, khởi sắc mới. Số lượng câu lạc bộ (CLB) và nghệ nhân dân ca ở các phường, xã, đã không ngừng tăng lên, hàng năm mỗi tỉnh ước tính có thêm 15 CLB, hiện cả xứ Nghệ đã có hơn 200 CLB, trong đó ở Hà Tĩnh, các trường tiểu học, 100% đều có CLB dân ca. Với Nghệ An, cuối 2015 đã có 96 CLB (chưa tính các nhà trường học), hơn 2.000 nghệ nhân, trong đó có 43 nghệ nhân dân gian, 26 nghệ nhân ưu tú, số nghệ nhân trẻ tuổi ngày càng gia tăng.

NSND Hồng Lựu, NSƯT Tiến Dũng biểu diễn dân ca ví, dặm tại Úc (Ảnh do nhân vật cung cấp)

CLB dân ca ở các địa phương là nơi tập trung những hạt nhân dân ca, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối việc gìn giữ, trao truyền và làm lan tỏa dân ca trong cộng đồng. Sự yêu mến dân ca đã gắn kết các thế hệ từ 6 đến 106 tuổi về sum họp dưới mái ấm gia đình các CLB. Họ có đủ thành phần là nông dân, nhà giáo, viên chức, học sinh… nhưng chủ yếu và đông đảo nhất, vẫn là những người người nông dân chân lấm tay bùn. Họ đến với dân ca bằng niềm say mê thực sự của con tim, vượt lên hoàn cảnh cá nhân để góp phần nhỏ bé trong việc lưu giữ, trao truyền di sản của quê hương.

Đi đâu trên xứ Nghệ, chúng ta cũng bắt gặp những con người nhiệt tình, tâm huyết với dân ca, đó có thể là một học sinh nhỏ tuổi như em Nguyễn Quốc Bảo ở Kim Liên (Nam Đàn), 10 tuổi đã giành giải “Nghệ nhân nhỏ tuổi hát dân ca hay nhất”; hay những cụ ông, cụ bà tuổi đã “xưa nay hiếm”, giọng hát tuy không còn trẻo nhưng hàng ngày vẫn miệt mài sưu tầm vốn cổ, viết lời mới, tích cực truyền dạy cho con cháu. Người Nghệ đã quá quen thuộc với những nghệ nhân tên tuổi như các cụ: Trần Thị Hoa (73 tuổi) ở thị trấn Đô Lương; Nguyễn Cảnh Bình (80 tuổi) ở thị xã Cửa Lò; Trần Văn Tư, Nguyễn Thị Tam (90 tuổi) ở Nam Đàn; Nguyễn Nghĩa Hợi (82 tuổi) ở Nghĩa Đàn; Nguyễn Thị Hà ở Can Lộc; Đinh Nhật Tân ở Diễn Châu; Nguyễn Trọng Đổng (84 tuổi) ở Thanh Chương. Đặc biệt, gia đình Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vân ở Thanh Chương có 4 thế hệ cùng hát dân ca, nhiều tiết mục của CLB xã Ngọc Sơn tham gia liên hoan dân ca ví, dặm cấp tỉnh, liên tỉnh đạt giải, do riêng gia đình này đảm nhận.
 
Thời gian qua, ví, dặm ít nhiều đã được đưa vào các lễ hội truyền thống ở các địa phương (đền Cờn, đền Quả Sơn, đền Bạch Mã…), trở thành chương trình ấn tượng, kết hợp giữa dân ca ví, dặm với các di tích lịch sử, cùng nhau chiếu toả, góp phần thiết thực trong việc làm cho người dân và du khách hướng về nguồn cội, bằng cả tấm lòng tự hào, trân quý đối với văn hóa - lịch sử của quê hương, trong đó có di sản dân ca…

NSND Hồng Lựu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho biết: “Dân ca ví, dặm là hồn cốt của người xứ Nghệ, được nhân dân yêu mến, có sức sống mạnh mẽ, bền bỉ trong cộng đồng. Dẫu đã được vinh danh và có những bước phát triển mới trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy, nhưng ví, dặm cần được quan tâm, đầu tư, chú trọng hơn nữa để vốn quý của cha ông, của quê hương phát triển thăng hoa, xứng tầm là Di sản văn hóa của nhân loại”.

Hải Thư