Khổ luyện để được làm “Con đĩ đánh Bồng”

Theo một số vị cao niên và túc nho của làng Triều Khúc, tương truyền, vào đầu thế kỷ 8 (năm 791), vua Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương trước khi vây hãm và hạ Thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay) đã cho đóng đại quân ở làng Triều Khúc. Để khuyến khích và động viên ba quân, tướng sĩ trước khi lâm trận, Người đã cho binh lính giả trang làm gái và đeo trống múa bồng. Điệu múa bồng được biết đến từ đó và chỉ được diễn tấu trong những ngày làng mở hội vào đám từ ngày mồng 9 đến hết ngày 12 tháng Giêng.

Vào những ngày này, dân làng đều gác việc dệt cửi, đồng áng để vào việc lễ, đi xem hội và để đón tiếp bạn bè. Cứ hai năm hội lễ, Tiểu Kỳ Phước hoặc Trung Kỳ Phước - tức là chỉ mở cửa đình hoặc tế lễ nhỏ; nếu “Phong Đăng Hòa Cốc” - tức năm đó dân làng làm ăn khấm khá thì làng lại mở hội lớn gọi là Đại Kỳ Phước. Hội có rước kiệu Bát Cống, có phong mũ áo Đức vua với đầy đủ các nghi trượng, nghi thức.

Như vậy, ý nghĩa của điệu múa cổ là hoạt động văn hóa để ăn mừng các chiến công oanh liệt của những vị anh hùng dân tộc và thành quả lao động quả to lớn của nhân dân ta.

Nghệ nhân Triệu Đình Hồng chia sẻ, điệu múa Bồng được biểu diễn ngay ở phương Đình, vào giữa các tuần tế, tuần rượu. Nếu có rước kiệu, rước long đình thì các vũ công và nhạc công phải đi trước kiệu để múa hầu để vào việc lễ. “Việc lựa chọn nam thanh niên là rất công phu và kĩ càng. Bốn thanh niên được chọn vào đội múa Bồng đều phải là những anh chàng chưa vợ, khôi ngô tuấn tú, cao dong dỏng, đều là con nhà gia giáo, bản thân không có tì vết gì, trong gia đình phải không có việc tang... thì mới được chọn”, nghệ nhân Hồng lý giải.

Chính bởi vậy, khi bốn thanh niên được cử vào việc lễ, nhất là được chọn vào điệu múa Bồng thì đều rất hãnh diện với con dân của làng Triều Khúc. Bốn thanh niên sau đó được lớp nghệ nhân trước truyền dạy từng bước chân, từng động tác của điệu múa Bồng. Họ phải khổ luyện, khi nào thật thuần thục mới được sửa lễ để chuẩn bị vào múa hầu Đức Thành Hoàng. Đặc biệt, khi trình diễn, chỉ có hai người được múa. Bốn người thành hai cặp để thay phiên nhau. Đến lúc cao trào của buổi lễ thì cả bốn người mới cùng vào múa để tạo thành một bầu không khí vừa rộn ràng, náo nhiệt lại vừa linh thiêng, huyền bí.

Điệu múa Bồng với các bước đi vòng tròn, ngược chiều kim đồng hồ - đó chính là sự tượng trưng cho trời và đất. Ảnh: Lê Hiếu

 

Đỉnh cao của “con đĩ đánh Bồng” phải như thoát tục, nhập thần

Theo phân tích của nhà nghiêu cứu múa dân gian Hồng Thoan, bốn ông đeo trống trước bụng, đứng bốn góc tạo thành hình vuông, hai vũ công múa Bồng với các bước đi theo hình vòng tròn, xoay ngược chiều kim đồng hồ, đó chính là sự tượng trưng cho trời đất - trời tròn, đất vuông. Khi cánh tay giật xuống, hai ngón tay trỏ và giữa chỉ thẳng lên trời, phải chăng người xưa muốn gắn thuyết “Thiên địa nhân” vào điệu múa Bồng.

Điều ấn tượng trong điệu múa Bồng, theo các nghệ nhân, đó là những bước chân vô cùng uyển chuyển, những động tác giật tay vừa mạnh mẽ vừa khỏe khoắn, bàn tay xòe ra lại cuốn vào giống như múa chèo của nam thanh niên. Đặc biệt, điệu múa phải đặc tả được đó là con gái. Từ mặt hoa, da phấn, môi son, má hồng cho tới ánh mắt, nụ cười phải lúng liếng, lẳng lơ đến mức người xem đặt tên “Con đĩ đánh Bồng”... Tất cả đã tạo thành điệu múa cổ vừa độc đáo, khỏe đẹp vừa mang được sắc thái và cái hồn của dân tộc Việt Nam.

Nhiều ý kiến cao niên đồng tình, hiện nay, trong làng Triều Khúc còn nghệ nhân Triệu Đình Hồng là người đã lĩnh hội được những nét tinh hoa, thần bí của điệu múa Bồng. Vốn là người nông dân thuần phác, thạo việc ruộng đồng, dáng người hơi thậm chí còn hơi thô, thế nhưng khi vào việc lễ, ông như người thoát tục, nhập thần. Đôi mắt sáng rực, long lanh, lúng liếng. Những động tác múa của ông vừa nhanh, vừa uyển chuyển đến lạ thường. Nhìn ông Hồng múa, các vị cao niên trong làng dù khó tính đến mấy cũng đều tấm tắc ngợi khen. Có lẽ, khi đó, đỉnh cao của điệu múa “Con đĩ đánh Bồng” đã được chạm tới.

Theo sự phát triển dân số, đòi hỏi của việc xem hội, được chiêm ngưỡng cũng nhiều hơn nên làng Triều Khúc đã truyền nghề cho khoảng 7 - 10 cặp múa nhưng khi lựa chọn, múa tối đa chỉ có 5 - 6 cặp và thường chỉ là 3 cặp.

Đến nay, người nghệ nhân ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn còn nguyên niềm say mê, nhiệt huyết để truyền lửa cho các thế hệ trai tráng lưu giữ điệu múa Bồng. “Chừng nào tôi còn sức lực là chừng ấy tôi vẫn sẽ truyền dạy được những tinh túy, hồn cốt, thần thái của “Con đĩ đánh Bồng” cho các thế hệ sau. Làm sao lưu giữ bảo tồn tốt nhất điệu múa cổ độc đáo trong kho tàng điệu múa cổ dân gian Việt Nam”, nghệ nhân Hồng tâm huyết nói.

Oanh Hữu