Từ ngày 18 đến ngày 22 tháng 12 năm 2014 tại 107 B9 Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội, Công ty Nhã Nam giới thiệu các bản in đầu, các bản in quan trọng của một số tác phẩm văn học giai đoạn 1930-1945.

Đây là cơ hội các nhà nghiên cứu, bạn đọc được nhìn thấy bản gốc, thậm chí cả bản chép tay của một số tác phẩm. Một thời kỳ dài trước năm 1975, nhiều gia đình có mua được sách nhưng phải đọc dấu diếm, thậm chí phải chép tay cả nguyên bản do sách bị cấm mà người đọc thì tò mò. Thời đó, người ta sợ loại sách này dễ làm cho người đọc yếu mềm, ủy mỵ; bộ đội thì tụt giảm tính chiến đấu. Nhìn chung, người đọc dễ nghĩ về cái “tôi”, sách gieo rắc lối sống tiểu tư sản...

 Thời gian gần đây những tác phẩm văn học của nhóm này đã được đánh giá lại và ghi nhận những giá trị to lớn về nội dung cũng như nghệ thuật. Các tác phẩm đã giúp bạn đọc có cái nhìn đa diện, đa chiều về xã hội thời đó. Do sách được in trên chất lượng giấy không tốt, lại cấm lưu hành hàng chục năm cho nên nhiều cuốn xuất bản lần đầu cũng như tái bản lần sau đã bị mai một, thất truyền. Nên việc nhìn thấy tận mắt, sờ tận tay một nguyên tác quả thật là đưa đến cho bạn đọc ấn tượng đặc biệt.

Văn học tiếng Việt từ nửa đầu thế kỷ XX đã chứng kiến một sự phát triển mạnh mẽ, độc lập và phong phú của văn xuôi tự sự trong các thể tài phóng sự, truyện ngắn, truyện dài, tùy bút… Đến nay, sau gần một thế kỷ nhiều thăng trầm của xã hội, không ít tác phẩm trong số này đã chứng tỏ giá trị lâu dài của mình. Sự lắng đọng của giá trị, sự kết tinh của mẫu mực, ở khu vực di sản này dường như vẫn là những tiến trình đang diễn biến hơn là hoàn tất. Trước những câu hỏi thường được đặt ra hôm nay: Văn học Việt Nam thế kỷ XX chúng ta tự hào với những đại diện nào? Đâu là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ độc đáo, có ảnh hưởng, được say mê, thực sự có đời sống riêng nối dài trong đời sống cộng đồng sản sinh ra nó? Những tác phẩm đó đã được định giá đúng đắn đến độ nào với những giá trị bền vững, vượt qua mọi hoàn cảnh của đời sống có thể khiến chúng bị lu mờ đi trong những thời điểm khó khăn của lịch sử? Do vậy, việc chọn ra và giới thiệu một cách có hệ thống và nguyên bản nhất những tác phẩm thuộc phần di sản này, là điều cần thiết, có thể làm nền cho sự tiếp nhận của nhiều thế hệ người đọc tiếp theo.

Đây là thời kỳ văn học tiếng Việt sau thời kỳ tích lũy dưới thời Pháp thuộc đã vươn lên sáng chói bằng một loạt thành tựu thơ lẫn văn xuôi, đánh dấu khả năng sáng tạo độc lập của các tác giả Việt Nam, mở đường cho sự phát triển của nền văn học trong nước ra khỏi thời kỳ cổ điển trước đó. Giai đoạn này, các phong cách, bút pháp nở rộ với những áng văn đậm dấu ấn riêng của mỗi nhà văn, mà vẫn thấm đẫm tinh thần của thời đại, mỗi người mỗi vẻ, tạo ra sự phong phú và rực rỡ có một không hai trong lịch sử văn học hiện đại.

Việc giới thiệu Những cuốn sách Vang bóng một thời” là để các nhà nghiên cứu, độc giả có dịp tiếp xúc với những ấn bản đầu tiên, những ấn bản tiêu biểu qua nhiều thời kỳ cũng như các bản đặc biệt và tư liệu liên quan đến các cuốn sách. Trong số các ấn bản gốc có thể kể đến các ấn bản tiêu biểu sau:

- Vang bóng một thời, ấn bản đầu năm 1940, Tân Dân ấn hành

- Vang và bóng một thời, serie truyện được đăng trên tạp chí Tao Đàn 1939

- Tôi kéo xe, ấn bản đầu, năm 1935, do Mai Lĩnh xuất bản

- Việc làng, ấn bản đầu, năm 1940, do Mai Lĩnh xuất bản

- Hồn bướm mơ tiên, Đời Nay ấn hành, ấn bản đầu

- Tắt đèn, ấn bản năm 1939 do Mai Lĩnh xuất bản

- Kép tư bền, ấn bản năm 1935 do Tiểu Thuyết thứ bảy xuất bản

- Hà Nội băm sáu phố phường, ấn bản đầu năm 1943, do Đời Nay xuất bản

- Số đỏ, bản đặc biệt in năm 1946, bản in lần 2, do Minh Đức ấn hành

- Miếng ngon Hà Nội, bản in đầu do Đất nước xuất bản 1957

- Phù dung ơi vĩnh biệt, bản in lần 2, có chữ kí tác giả Vũ Bằng

- Chân trời cũ, Tiếng Phương Đông xuất bản, 1946

- Lều chõng, Mai Lĩnh xuất bản, 1941

- Gió đầu mùa, ấn bản đầu, Đời Nay xuất bản, 1937

Tủ sách Giai phẩm thơ:

- Mê hồn ca, bản in lần 2 có bổ sung của Khai Trí

- Thơ Hàn Mặc Tử, Đông Phương xuất bản, 1942

- Lỡ bước sang ngang, Lê Cường xuất bản, 1940

- Lỡ bước sang ngang, Hương Sơn xuất bản, 1943

- Quê Ngoại, Nguyên Hà xuất bản, 1942, bản thường và bản đặc biệt

- Điêu Tàn, Hoa Tiên xuất bản.

- Tiếng Thu, Hoa Tiên xuất bản.

Các bản sách kể trên chủ yếu do các nhà sưu tầm Hoàng Minh, Vũ Hà Tuệ, Trịnh Hùng Cường, Yên Ba, Nguyễn Thế Bách, Nguyễn Phát Hà Giang, Nguyễn Bình Phương và nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cung cấp.

 

 

                                                                                         Bài và ảnh: Thế Lữ