Gặp vị vua Lửa cuối cùng

Plei là làng, Ơi là tên riêng. Plei Ơi là làng Ơi thuộc xã Ayun hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Tại sao lại có một ngôi làng được gọi tên trang trọng như vậy? Bởi vì nơi đó, là nơi đã và đang từng “trị vì” của các vị vua được gọi là vua Lửa. Khi vua đến, vùng đất này dân làng làm ăn khá giả và trở nên trù phú, người dân quanh vùng gặp chuyện khó khăn do mất mùa đói kém, hoặc bất đồng trong cuộc sống gia đình, làng bản đều đến đây nhờ vua cho ở tá túc và dần dần họ cùng nhau lập thành làng. Rồi cái tên Plei Ơi xuất hiện từ đó. Đối với người đồng bào Tây Nguyên thì các vua như vua Lửa, vua Nước, vua Gió đều có giá trị tinh thần rất lớn. Thế nhưng, vua Gió và vua Nước chỉ còn lại trong truyền thuyết, duy chỉ có vua Lửa là đang còn hiện hữu trong đời sống của những người dân tộc nơi đây.

Tôi có mặt ở Plei Ơi vào một ngày tàn đông. Những ngày cuối năm nơi đây nắng vàng như rót mật. Trời rất xanh và gió rất êm. Những ngôi nhà dày sẫm màu gỗ cổ. Dấu trăm năm lan tỏa trong lòng bàn tay. Làng nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 60km về hướng Đông Nam. Sau khi xổ song con đèo là một cánh đồng trù phú khoảng hơn 13 ngàn ha trải vàng trước mắt. Giữa một không gian bao la như vậy, núi Chư Yang Tao hiện ra sừng sững ngay trước mặt. 

So với những ngọn núi của Tây Nguyên thì núi Chư Yang Tao chưa phải là cao nhưng lại chứa trong lòng cả một huyền thoại. Người J’rai gọi đó là ngọn núi thiêng bởi họ quan niệm trên đỉnh của ngọn núi ấy là nơi chứa gươm thần. Và mỗi khi vua làm lễ cầu mưa thì trời đất sẽ không linh thiêng khi thiếu đi lưỡi gươm thần. Muốn vào chỗ lấy gươm thần phải đi qua 3 cửa hang và chỉ có vua mới được vào đó. Nguồn gốc của thanh gươm theo truyền thuyết là do hai anh em được rèn từ hòn đá trên núi Hàm Rồng (một miệng núi lửa ở Pleiku). Sau khi rèn xong thì thanh gươm cứ đỏ rực. Nhúng vào suối suối khô, nhúng vào sông thì sông cạn và cuối cùng phải nhúng bằng máu của những người nô lệ? Sau này, có một viên quan Pháp chỉ vì muốn xem thanh gươm mà đã bị dân làng giết chết. 

Ngọn núi Chư Yang Tao, được tương truyền là nơi cất giữ gươm thần. Ảnh: PTM

 

Một cán bộ văn hóa huyện cho biết: “Làng vua Lửa Plei Ơi được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1993. Người J’rai gọi vua lửa là Pơ Tao. Thật ra chữ vua ở đây không đồng nghĩa với "vua, chúa" như chúng ta thường nghĩ. Pơ Tao của người J’rai không có nhiều thực quyền họ cũng đi lên nương làm rẫy, sinh con đẻ cái. Quyền hạn của những ông vua này chỉ được thể hiện trong lễ hội cầu mưa. Lúc đó Pơ Tao sẽ dùng gươm thần làm cầu nối giữa người J’rai với thần linh để những vị thần trên trời có thể nghe thấy ước muốn của họ mà ban mưa cho dân bản.

Tôi trở lại làng, tìm vào nhà vua Rahlan Hieo, vị vua đời thứ 15 của các vua lửa. Gọi là nhà vua nhưng mọi thứ vẫn chẳng khác những ngôi nhà trong làng là bao. Vua đang đi làm rẫy nên phải chờ người nhà đi gọi về. Trước mắt tôi là hình ảnh một người đàn ông chẳng khác những già làng mà tôi vẫn gặp giữa đại ngàn Tây Nguyên, duy chỉ có đôi mắt của ông rất sáng. Ông cho biết: “Bây giờ người dân nơi đây đã có hồ thủy lợi Ayun hạ lúc nào nước cũng xanh ngắt, dòng nước được Đảng đưa đến tận ruộng cho người dân nên mọi người không cần cầu mưa nữa. Tôi chỉ giúp bà con cúng lúa mới hay mỗi khi làng có lễ hội thôi”. Ông cũng cho biết thêm, vì là phụ tá của đời vua thứ 14 nên ông là người duy nhất trong cộng đồng người J’rai được truyền lại bài cúng cầu mưa của các Pơ Tao.

Trong ngôi nhà sàn đơn sơ, lối lên nhà đã bóng loáng những dấu vân tay. Tôi gặp vợ vua, nhưng bà cũng chẳng có gì khác với những người phụ nữ trong bản làng, duy chỉ thấy nét son sắt dường như vẫn còn trên gương mặt của người đàn bà đầy lam lũ đó là gương mặt thanh tú, sống mũi cao và đôi mắt sắc như lưỡi hái. Bà nói, bà không biết bà bao nhiêu tuổi. Hàng ngày bà cùng các con đi làm rẫy, rảnh thì ra sông, ra suối bắt mấy con cua, con cá về để bữa ăn thêm tươm tất. 

Vợ vua Rahlan Hieo. Ảnh: PTM

 

Một chuyện tình huyền bí giữa đại ngàn Tây Nguyên

Tây Nguyên ẩn mình với bao câu chuyện huyền bí, nhưng có lẽ tình yêu của vua Lửa - Siu Y với người đẹp Hơ Bia Lơ Pang vẫn còn là chuyện tình huyền bí nhất, đẹp nhất trên đại ngàn nắng và gió.

Vào đầu xuân năm Minh Mạng thứ 10 (1829) vua Lửa xứ J’rai là Pơ Tao Pui-Siu Y (có tên được vua ban cho vị Phiên Vương này là Ma Lâm), dẫn sứ bộ đi Trân Phú xin nạp cống. Triều đình nhà Nguyễn đã cử các quan trấn thủ địa phương thay mặt nghênh tiếp. Sau khi dự tiệc đãi Pơ Tao Pui cùng đoàn tuỳ tùng trở về đến địa phận tiếp giáp với phiên quốc vua Lửa (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai ngày nay) thì trời đã nhá nhem tối, sứ bộ bàn với Ma Lâm là nên nghỉ lại một làng nhỏ bên dòng sông Mlá của người J’rai Mthun để sáng hôm sau đi tiếp về Ayun. Nơi Ma Lâm sinh ra, lớn lên rồi được làm vua với bao kỹ niệm êm đẹp. Cũng nơi đó hiện đang có người thân và nhiều thiếu nữ xinh đẹp đang mong chờ Ma Lâm trở về sau bao ngày xa cách.

Già làng Moon được thông báo và tiếp đón Pơ Tao một cách nồng nhiệt. Đêm hôm ấy làng Krông Pa tưng bừng như ngày hội. Tất cả các nghè rượu quí được trưng ra thành hai dãy dài trước nhà Rông, trai gái làng được huy động đến đông đúc như ngày hội lớn, họ múa hát uống rượu cần thâu đêm. Đoàn tuỳ tùng được sắp xếp ở các nhà có uy tín và giàu có nhất làng. Riêng Ma Lâm ở lại nhà già Moon. Già làng là người giàu có nhất với đủ loại ché túc, chiêng Pôm za bạt và cả trăm con trâu. Già Moon có 3 cô con gái nổi tiếng xinh đẹp trong vùng. Hai chị lớn đã bắt chồng, chỉ còn cô út đang ở vậy, nàng đẹp như hoa pơ lang buổi sáng, có “bắp vế như cọng môn, bắp đùi như bẹ chuối”… Tháng ngày trôi qua, nàng đã làm cho bao con tim đám trai làng đổ ngửa đổ nghiêng. Ma Lâm tuy được tôn làm Pơ Tao Pui nhưng còn trẻ và đã lấy vợ hồi cây măng rừng chưa mọc khỏi đầu người lớn. Già Moon bày ché rượu ngon cất bằng gạo đen, uống vào miệng còn thơm đến bảy ngày, để đãi khách quí. Ông sai con gái út - nàng Hơ Bia Lơ Pang rót rượu mừng vua Lửa. Hơ Bia bước ra bên bếp lửa bập bùng lộ rõ khuôn mặt xinh đẹp như hoa làm cho con tim Pơ Tao muốn “ngừng đập vì xúc động”. 

Đêm ấy Pơ Tao uống rượu không biết say, trong hơi men là ngà, ông Vua của “phiên quốc” J’rai đã đề nghị Già Moon cho con gái về làng Plei Ơi để giúp ông dệt vải dùng trong dịp lễ Thần linh mà hiện tại Pơ Tai mới chỉ có 3 người giúp việc: Một người giữ việc kéo sợi bông để lấy dây buộc cổ tay cho vua Lửa đăng quang; người giữ việc may áo; người lo việc khâu các túi nhỏ để đựng thuốc lá cho vua; như vậy còn khuyết một người chuyên dệt khố màu trắng cho vua Lửa để mặc trong dịp tế lễ. Mà Ma Lâm không lầm khi chọn được nàng Hơ Bia Lơ Pang vừa đẹp lại vừa khéo tay. Già Moon tuy thương con gái nhưng vua đã ngỏ lời thì không thể từ chối, đành lòng tiễn con về xứ Pơ Tao. Ma Lâm cho nàng ở một gian riêng trong nhà với đầy đủ dụng cụ dệt vải.Vua Lửa ngày càng yêu quí người giúp việc nhưng ông không thể vượt qua luật tục của người J’rai xa xưa là cấm lấy vợ hai khi vợ trước còn sống. Pơ Tao là người cầm cân nẩy mực thì không thể vượt qua bức tường chắn đó. Trong 4 người phụ nữ chăm sóc Vua thì đã có 3 cô được ông cho đi lấy chồng trong làng, nhưng riêng nàng Hơ Bia thì ông từ chối tất cả lũ trai làng đến dòm ngó với lí do là nàng đẹp mà lại giàu có nên phải tìm người tài giỏi tương xứng. Mỗi khi có các đoàn khách đến thăm, giao hảo, vua đều cho nàng ra tiếp, rót rượu... như một người hầu cận thân tín.

Một trong những nghi lễ rửa gươm trước khi rước do vua Rahlan Hieo thực hiện. Ảnh: PTM

 

Một hôm Hơ Bia Lơ Pang xin phép vua về thăm gia đình và cha nàng đã gợi ý để nàng đi lấy chồng, khi trở lại Plei Ơi, Hơ Bia đem chuyện thưa với Pơ Tao, ông rất buồn khi thấy mình không thể giữ người đẹp ở bên mình. Ông yêu cầu nàng ở lại nhà qua mùa mưa năm ấy để dệt nốt những tấm vải dự trữ. Nhưng cũng trong thời gian đó, vua Lửa bỗng dưng lâm bệnh nặng, trong lúc hấp hối ông cho gọi nàng Hơ Bia Lơ Pang đến và bảo nàng ngồi xuống bên để nghe ông nói những lời trăn trối cuối cùng. Không ai được biết vua đã nói với nàng những gì nhưng chỉ biết rằng khi vua Lửa băng hà thì nàng đã đem tất cả những tấm vải trắng đã dệt quấn quanh thi hài ông trước khi đưa lên giàn hoả thiêu.

Người dân địa phương đã lấy tro của tim, các răng và xương đốt ngón tay của vua Lửa cho vào bình bạc đặt trong nhà mồ. Từ đó người dân trong làng đã quen dần với hình ảnh nàng Hơ Bia hàng ngày ra mộ trò chuyện, quét dọn ngôi mộ của vua Lửa cho tới khi mặt trời đi ngủ thì mới trở về.

Năm năm trôi qua, tới ngày lễ cúng bỏ mả cho vua. Ngày đó, người dân Ayun tập trung nhau lại góp công sức làm cho vua một nhà mồ thật đẹp. Đặc biệt các nghệ nhân giỏi nhất trong vùng đã được bà con mời về để họ tạc thành công hai bức tượng gỗ người đàn bà rất xinh đẹp, nhưng nét mặt buồn bã đứng hai bên cửa nhà mồ của vua. Mọi người nói rằng hình tượng này được các nghệ nhân lấy từ câu chuyện tình huyền bí của vua Lửa với thiếu nữ xin đẹp Hơ Bia Lơ Pang trong những ngày cuối đời được cho là đẹp nhất, hạnh phúc của vua Lửa.

Sau những ngày nhộn nhịp lễ bỏ mả, làng Plei Ơi - Ayun trở lại yên bình như mọi khi và từ đó người làng vua cũng không còn thấy bóng dáng người con gái xinh đẹp dệt vải cho vua ra vào ngôi nhà ấy nữa. Có lẽ nàng đã trở về làng xưa nơi có con sông Mlá vẫn ngày đêm cuộn chảy gắn bó với nàng bao kỷ niệm êm đẹp thời con gái. Cũng có thể nàng đã ra đi với vua Lửa cùng một mối tình tuyệt đẹp trong tim. 

Chẳng ai biết và cũng chẳng ai muốn kiểm chứng tính chân thực của câu chuyện đó. Chỉ biết rằng, đêm đêm bên bếp lửa, sau những ché rượu cần những già làng lại kể với con cháu của họ câu chuyện tình huyền bí đó. Câu chuyện cứ trải dài, đi qua bao nhiêu mùa rẫy.

Phạm Tuấn Minh