Điểm sáng biên thùy

Gọi Hà Tiên là thành phố trẻ là vì sau nhiều nỗ lực, cố gắng với bao kỳ vọng, ngày 11/9/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký Nghị quyết số 573/NQ-UBTVQH14, về việc thành lập phường Mỹ Đức thuộc thị xã Hà Tiên và thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, vào tối 3/11/2018, tại quảng trường Chiêu Anh Các, đã diễn ra lễ công bố về mô hình tổ chức hành chính mới cho mảnh đất nhiều tiềm năng phát triển này.

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng, với chất giọng ấm của xứ dừa Bến Tre, cách nói ngắn gọn nhưng đầy đủ và một trí nhớ tuyệt vời về các số liệu có liên quan đến mảnh đất Hà Tiên. Nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, cách Vương quốc Campuchia khoảng 20km, nên Hà Tiên rất thuận lợi để phát triển kinh tế cửa khẩu, tạo mối quan hệ giao thương với Thái Lan qua mạng lưới đường xuyên Á, đường hành lang ven biển, quốc lộ 80, quốc lộ N1 nối vùng lãnh thổ rộng lớn Nam Bộ với các nước láng giềng. Lại có đường biển từ Hà Tiên đi Phú Quốc, Kiên Lương, Cà Mau, Rạch Giá - điểm kết nối quan trọng trong vùng phát triển du lịch trọng điểm quốc gia Phú Quốc - Rạch Giá - Hà Tiên. Đô thị Hà Tiên, có hệ sinh thái biển đảo với quần đảo Tiên Hải, mà tên dân gian là quần đảo Hải Tặc, với bao chuyện dã sử, có hệ sinh thái núi đồi, hệ sinh thái mặt nước là đầm Đông Hồ, có hệ thống các sông gắn kết vùng ngập nước, cùng không gian sinh thái đô thị. Đây là đô thị đặc thù với các di sản văn hóa - lịch sử cấp quốc gia, cuộc sống và phong cách sống của nhân dân hài hòa với thiên nhiên. 

Còn các cựu binh đi cùng lại nhớ về hàng loạt trận đánh qua nhiều thời kỳ của khu vực biên giới Tây Nam, cũng như bàn về ý tưởng nông nghiệp bền vững và bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu, gắn với mô hình du lịch sinh thái bền vững, có sự tham gia của nhân dân, để tuyến biên giới hòa bình, ổn định, phát triển. Hạt nhân chính của chiến lược bền vững này đã bắt đầu hình thành với mô hình TP Hà Tiên, có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị vùng biển, ven biển nước ta và hệ thống đô thị vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.

Câu chuyện về Hà Tiên vẫn là chủ đề chính trong bữa cơm tối tại Khách sạn Pháo Đài, cạnh chân cầu Tô Châu, chen lẫn từng hồi còi lanh lảnh của tàu khách, phà biển. Sau cái bắt tay nồng ấm, chị Nguyễn Thị Minh Trang, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Tiên cho biết, trước đây chị cũng là Chánh Thanh tra thị xã Hà Tiên, nên không khí càng thân tình hơn. Như đã hẹn trước, anh Nguyễn Thanh Nhàn, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Tiên, cùng nhiều cán bộ biên phòng, sỹ quan của Thành đội Hà Tiên,… cũng có mặt để cùng chia vui với Thiếu tướng Nguyễn Hoàng, và các thành viên của chuyến đi về sự phát triển mới của địa phương trong mùa xuân mới.

Nhìn phong thái chững chạc toát ra từ người lãnh đạo trẻ của đô thị trẻ này, chúng tôi lại nhớ về lời phát biểu ngắn gọn của anh Nhàn về thế và lực của Hà Tiên tại buổi lễ tối 3/11. Đó là khi Hà Tiên trở thành thành phố sẽ mở ra một bước phát triển mới, trở thành đô thị cửa khẩu ở biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Hiện tại, Hà Tiên là 1 trong 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Kiên Giang. Với vị trí ven biển, giáp biên giới Campuchia, có nhiều dạng địa hình từ đồng bằng đến đồi núi, hang động và hải đảo, đặc biệt có bãi biển Mũi Nai, quần đảo Tiên Hải với 14 hòn đảo lớn nhỏ, Hà Tiên có lợi thế lớn để phát triển du lịch, cũng là thành phố thương mại - dịch vụ du lịch, với mục tiêu đến năm 2020, sẽ thu hút trên 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 38.000 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt 2.700 tỷ đồng.

Tiềm năng của quần đảo Tiên Hải đang được quy hoạch khai thác bền vững, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư có tâm, có tầm. Ảnh: NG

 

Đẹp như gấm hoa

Sáng hôm sau, Trạm Kiểm soát biên phòng Pháo Đài đã dành hẳn một chiếc tàu chuyên dùng đưa đoàn ra quần đảo Tiên Hải, để tìm hiểu hoạt động du lịch kết hợp an ninh quốc phòng. Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống và cơ sở hạ tầng của quần đảo này đã từng bước thay đổi, là điểm đến của nhiều người yêu biển khắp cả nước.

Không gian đại dương trải rộng được các dãy núi đủ hình, đủ dạng tô điểm, những con thuyền với cờ đỏ sao vàng vẫn miệt mài khai thác hải sản đúng mốc giới, luồng sóng trắng từ đuôi tàu cao tốc, phà biển kéo theo hàng đàn chim hải âu đi tìm cá làm không khí buổi sáng trên vùng biển Hà Tiên thêm nhộn nhịp. Những cái tên như hòn Giang, hòn Ụ, hòn Đước, hòn Đốc được xướng lên qua giọng nói của người xứ biển càng làm cho không khí chuyến khảo sát thêm hào hứng.

Sau khi tăng bo bằng chiếc xuồng nhỏ, chúng tôi lên hòn Giang, là nơi vừa được đầu tư làm đường và cầu cảng để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng phòng hộ. Không khí trong lành, cây rừng xanh mướt chào đón mọi người ngay tại con đường mới mở ven chân rừng, ánh mắt và nụ cười của người dân hòn Giang dành cho chúng tôi như muốn nói rằng nơi đây vẫn chờ một tấm lòng vì biển đảo. Gần đến chỗ cây đa cổ thụ mọc ven đoạn dốc đá, cả đoàn lại chứng kiến một gia đình đại bàng biển đang phô bày sức mạnh qua những đôi cánh to khỏe và tiếng kêu vang vọng trên đỉnh rừng. Nhìn cảnh này lại nhớ đến lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về chủ trương thu hút đầu tư là phải có “đại bàng về làm tổ”, hay nếu như cơ duyên của chuyến đi này đã gặp được đại bàng thì hòn Giang sẽ là điểm đến của nhà đầu tư có tâm, có tầm.

Gần trưa, chuyến tàu cập vào bến chính của trung tâm đảo Tiên Hải. Trời trong, mây trắng, nắng vàng nên nhiều tàu chở du khách cũng đã tấp nập ra vào cầu cảng. 

Chỉ dẫn cho chúng tôi về các điểm đảo, cùng hệ thống điện lưới đang được thi công từ đất liền ra đảo, anh Đào Trường Giang, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Hải cho biết, nếu không có gì thay đổi thì quý I/2019, người dân xã đảo sẽ được sử dụng điện cho đời sống và sản xuất, là điều kiện để khai thác tốt hơn nữa tiềm năng du lịch sinh thái.

Điều bất ngờ là anh Giang trước đây cũng nhiều năm làm Chánh Thanh tra thị xã Hà Tiên, nên anh chia sẻ rất hào sảng với phóng viên Báo Thanh tra về khát vọng vươn lên của chính quyền và người dân xã đảo khi nhận được sự quan tâm của Đảng, chính sách của Nhà nước về chiến lược biển đảo.

Dạo một vòng quanh đảo, chúng tôi gặp chị Tư, quê An Giang, đang sắp xếp lại nhà cửa để chuẩn bị đón Tết. Chị Tư khẳng khái nói, đây là mảnh đất lành, chịu khó lao động sẽ có cuộc sống dư giả, an ninh trật tự được bảo đảm, khí hậu trong lành. Điều mừng nhất là sắp có điện lưới đến từng hộ gia đình để người dân có thêm thời gian thưởng thức các chương trình văn nghệ, đặc biệt là cải lương.

Từ nhà chị Tư, chúng tôi đi thẳng ra bờ biển, nơi có cột mốc chủ quyền được dựng lên từ lâu để cùng nhớ về bao thế hệ người Việt đã gắn bó với đảo. Dọc theo con đường ven đảo là hàng cây tra biển cổ thụ, những bãi đá nhấp nhô rồi những cây cóc rừng cổ thụ mà theo giới khoa học là loài đặc hữu tại quần đảo Tiên Hải.

Trên đường vào đất liền, giữa mênh mang biển trời, một cảm xúc chất ngất lại ập về với chúng tôi vọng ra từ buồng lái lời bài ca thống nhất được một người lính biên phòng cất vang giữa tiếng gầm của máy tàu đang đè sóng, lướt gió. Quả thật có đi, có đến thì mới thấy biển trời Hà Tiên bao la đẹp như gấm hoa, là điểm đầu tư của tương lai, là pháo đài đô thị miền biên thùy.

Ngọc Giang