Đồng Văn cách trung tâm t

hị trấn Bình Liêu 24km. Với diện tích tự nhiên gần 6.300ha, Đồng Văn có địa hình nhiều đồi núi, thung lũng với trên 2.500ha rừng hồi và rừng phòng hộ trải dài hùng vĩ, có đỉnh núi Cao Ba Lanh cao 1.050m so với mực nước biển.

Điểm xuyết trong vùng đất biên ải trùng điệp là những thôn, bản của đồng bào các dân tộc thiểu số đã sinh sống từ bao đời nay, mà đông nhất là người Dao Thanh Phán. Với phong tục tập quán, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, nơi đây đã hình thành những “đặc sản văn hóa” rất riêng biệt, thú vị. Nổi bật nhất phải kể đến Lễ hội Kiêng gió và phiên chợ tình vùng cao.

Ngày “Kiêng gió” diễn ra vào mồng 4 tháng 4 âm lịch hằng năm, người Dao sẽ tạm ngưng mọi công việc để cùng nhau đi chợ mua sắm, gặp gỡ bạn bè, múa hát, ném còn, uống rượu… Ngày "Kiêng gió" còn được nhiều người gọi với tên “chợ tình” là bởi trong dịp này, các đôi trai gái sẽ mặc lên mình trang phục đẹp nhất, cùng nhau đến chợ để hẹn hò, tìm bạn, biểu diễn cho nhau nghe các làn điệu Sán Cố, Pả Dung, tấu kèn Piêng Diệt…

Với những nét đặc sắc về tự nhiên, văn hóa như vậy, Đồng Văn là một điểm đến đầy thú vị để du khách gần xa tìm đến khám phá, trải nghiệm. Từ năm 2015, Bình Liêu có 3 tuyến, 7 điểm tham quan du lịch được UBND tỉnh công nhận thì trong đó có 2 tuyến đi qua địa bàn xã Đồng Văn, 3 điểm du lịch nằm tại xã gồm thác Khe Tiền, thác Sông Moóc và chợ Đồng Văn.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lý Văn Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, cho biết: Thời gian qua, được tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ, xã đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn. Từ cuối năm 2017, UBND huyện cấp phép thành lập CLB Du lịch cộng đồng xã Đồng Văn, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ về trang thiết bị, cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí.

Tham gia CLB này, các hội viên có điều kiện liên kết, hợp tác và hỗ trợ nhau cùng phát triển, cạnh tranh lành mạnh. Cùng với đó, các CLB hát truyền thống của người Dao, Tày được tạo điều kiện phát triển tốt, phục vụ nhu cầu thưởng thức dân ca, dân vũ của du khách. Các mô hình du lịch gắn với nông nghiệp như: Bản người Dao tại bản Sông Moóc, bản Phạt Chỉ với những điểm du lịch như ruộng bậc thang, những cánh rừng hồi, rừng quế... ngày càng được chú trọng. Một số gia đình đã mạnh dạn đầu tư kinh phí, xây dựng mô hình homestay, phát triển đàn dê, gà, xây dựng cơ sở nuôi cá tầm tiêu thụ rất tốt.

Có nhiều lợi thế về cảnh đẹp thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa độc đáo, thế nhưng hiện nay du lịch ở Đồng Văn vẫn chưa có sự bứt phá như mong đợi. Dù có những nỗ lực của các cấp chính quyền nhưng du lịch địa phương vẫn còn một số tồn tại, như: Cơ sở hạ tầng đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự xứng với tiềm năng; sản phẩm du lịch quy mô nhỏ lẻ; khách du lịch chủ yếu là khách nội địa, đi về trong ngày chứ không lưu trú tại xã; chủ yếu du lịch sinh thái dựa vào các cảnh quan đẹp mà chưa hình thành được sản phẩm du lịch đặc sắc; hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn còn sơ sài; phần lớn bà con dân bản chưa thật sự quen với làm du lịch, chủ yếu vẫn gắn bó với sản xuất nông nghiệp truyền thống, tự túc, tự cấp…

Đồng chí Chủ tịch UBND xã Đồng Văn Lý Văn Bình cho biết: Xã đang rất cần những nhà đầu tư đến triển khai những dự án lớn trên địa bàn, sớm hình thành các sản phẩm du lịch, các tour tuyến chuyên nghiệp để khai thác hiệu quả lợi thế du lịch của mình.

 

Hoàng Giang