Rác thải biển thách thức phát triển bền vững

Theo thống kê, Đà Nẵng từng tồn tại 3 “điểm nóng” về rác thải. Thứ nhất là Mỹ Khê - nơi tiếp nhận phần lớn rác thải từ hoạt động du lịch với hàng triệu lượt khách mỗi năm, đồng thời cũng phải tiếp nhận lượng lớn rác thải sinh hoạt hàng ngày. 

Thứ hai là Âu thuyền Thọ Quang - một khu phức hợp bao gồm âu thuyền, cảng cá, chợ đầu mối thủy sản và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, với diện tích mặt nước là 58ha, diện tích trên bờ là 2,4ha. Nơi đây, thường xuyên phải tiếp nhận một lượng rác rất lớn thải trực tiếp vào âu thuyền. 

Trong khi đó, điểm nóng thứ ba về rác thải biển đến từ vịnh Đà Nẵng, với rác thải hằng ngày từ hoạt động du lịch, dân sinh, và một lượng lớn rác từ sông Hàn và sông Cu Đê. Vấn đề này càng trầm trọng hơn vào mùa mưa bão, rác thải từ TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam theo các sông đổ vào vịnh Đà Nẵng. Điển hình năm 2013, sau cơn bão số 11 đã thu gom được khoảng 21.000 tấn rác.

Đà Nẵng là TP biển, với cơ cấu kinh tế là dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp nên biển đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của TP. Do đó, ô nhiễm biển nói chung và vấn đề rác thải biển nói riêng không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế, thương hiệu và hình ảnh của TP.

Đặc biệt là vào mùa cao điểm du lịch, sau mỗi ngày, bãi biển Đà Nẵng trở thành “bãi rác”, lực lượng thu gom rác của TP phải tiến hành thu gom rác từ lúc nửa đêm.

Rác thải làm tăng hàm lượng chất rắn lơ lửng khiến biển đang bị đục hóa, ôxy hòa tan giảm; nồng độ nitrơrit và coliform tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái, đặc biệt là các hệ sinh thái nhạy cảm như san hô, tác động đến thủy sinh vật và cuối cùng là sức khỏe con người. Hiện nay, trên 80% rạn san hô của TP Đà Nẵng đang ở tình trạng rất xấu, rác thải là một trong những nguyên nhân chính được xác định gây nguy hại cho rạn san hô.

Thêm nữa, rác thải nhựa là một thách thức lớn đối với môi trường biển, bởi rất khó để phân hủy, các hạt nhựa có kích thước nhỏ có khả năng hấp thụ các hóa chất độc hại từ ô nhiễm và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể các loài thủy sinh bằng nhiều con đường khác nhau và gây hại cho con người thông qua các chuỗi thức ăn. Chưa kể, dầu mỏ và các sản phẩm của dầu cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường biển, không những gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến các loại thủy sinh vật...

Kinh nghiệm xử lý từ 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh

Để giải quyết các “điểm nóng” rác thải cũng như các thách thức về rác thải biển, Đà Nẵng đã đẩy mạnh việc thành lập các đơn vị có chức năng quản lý và bảo vệ môi trường biển. Đồng thời, huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác thu gom rác và làm sạch biển.

Những nỗ lực của Đà Nẵng trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng đã trở thành một điểm sáng ở Việt Nam, được quốc tế công nhận với hàng chục giải thưởng, danh hiệu như: Giải thưởng Thành phố bền vững về môi trường ASEAN (năm 2011); Thành phố phát thải carbon thấp (năm 2012); Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á (năm 2013); Đô thị xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp (năm 2013). Năm 2005 bãi biển Đà Nẵng được Tạp chí Forbes (Mỹ) bầu chọn là 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh.

Thực tế, về chất lượng môi trường, hầu hết các chỉ tiêu về môi trường đều đạt tiêu chuẩn Việt Nam, một số chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn nhưng chỉ mang tính chất cục bộ. Đến năm 2010, tỷ lệ thu gom rác của TP đạt 90%, năm 2017 đạt 97%, vượt chỉ tiêu đề án TP môi trường đề ra.

Sau thành công đó, là các kinh nghiệm để lại trong công tác bảo vệ biển khỏi rác thải. Ở đó, lãnh đạo TP nhận thức tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững. Ngay từ khi mới thành lập, TP đã sớm ban hành các chính sách về bảo vệ môi trường và có nhiều giải pháp quyết liệt để chỉ đạo thực hiện, mà xuyên suốt là đề án xây dựng Đà Nẵng TP môi trường, chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ. TP không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, TP đã từ chối nhiều dự án lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

Đồng thời, TP dành khoản ngân sách hàng năm phù hợp (1,54% trong tổng chi ngân sách TP) chi cho môi trường, như chi đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho công tác thu gom rác và đặt hàng vệ sinh môi trường…

Một điều hết sức quan trọng đó là phải tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, xác định bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển, là sự nghiệp của toàn dân. Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và đặc biệt là du khách trong giữ gìn bảo vệ môi trường biển.

Thêm nữa, việc xã hội hóa công tác bảo vệ biển, đảm bảo sự hài hòa trong bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, đảm bảo tính bền vững của các chính sách môi trường. Đi liền với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về môi trường.

Oanh Hữu