Tại Văn bản báo cáo Thủ tướng, UBND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ: Ngày 02/6/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh nhận được đơn kiến nghị của Cty TNTHH Dũng Yển, phản ánh việc Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh đã có quyết định loại bỏ tư cách thành viên của Cty. UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh báo cáo tình hình.

Qua báo cáo của Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh và kiến nghị của các cơ quan liên quan, Cty TNHH Dũng Yển đã nhiều lần vi phạm các cam kết trong Quy chế hoạt động của Câu lạc bộ (CLB). Các vi phạm này đã được các thành viên và Ban Chấp hành CLB nhiều lần đề nghị Cty điều chỉnh. Bản thân Cty TNHH Dũng Yển đã hứa rút kinh nghiệm (Cty TNHH Dũng Yển có Văn bản số 08/DN ngày 26/8/2015 gửi Hiệp hội Du lịch để cam kết thực hiện các nội dung trên).

Tuy nhiên, sau đó Cty TNHH Dũng Yển vẫn tiếp tục vi phạm. Vì vậy, CLB 849 Quảng Ninh đã bỏ phiếu thống nhất khai trừ và kiến nghị Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh ra quyết định khai trừ Cty TNHH Dũng Yển ra khỏi CLB 849 Quảng Ninh.

Như vậy, khi không còn là thành viên của tổ chức nghề nghiệp mà doanh nghiệp đã cam kết, Cty TNHH Dũng Yển sẽ không được hưởng các quyền lợi của thành viên CLB. 

Việc xử lý các thành viên là thẩm quyền của Hiệp hội Du lịch với mong muốn thực hiện tốt vai trò của tổ chức nghề nghiệp, vận động các doanh nghiệp thống nhất các giải pháp đảm bảo phục vụ khách du lịch tốt nhất, thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước và hỗ trợ các doanh nghiệp cùng phát triển, đặc biệt là các vấn đề về quyền lợi và lợi ích họp pháp của các doanh nghiệp.

Kiểm tra thẻ của hướng dẫn viên các đoàn khách quốc tế. Ảnh minh họa: PV

Trước đó, từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp giải quyết một số vấn đề mặt trái của hoạt động du lịch, đặc biệt là lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh như: Cạnh tranh thiếu lành mạnh, chất lượng, hiệu quả kinh doanh thấp và một số vi phạm khác như việc quản lý hướng dẫn viên...; có dấu hiệu một số người Trung Quốc mượn danh doanh nghiệp Việt Nam để khai thác và tổ chức đón khách, doanh nghiệp lữ hành phía Trung Quốc thao túng thị trường, ép giá và đưa ra các điều kiện bất lợi cho doanh nghiệp phía Việt Nam; chất lượng dịch vụ, hiệu quả kinh doanh thấp; giá tour thấp, dẫn đến chất lượng phục vụ thấp.

Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương có giải pháp quản lý chặt chẽ: Ban hành các quy định về quản lý hoạt động lữ hành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch, phối hợp với Cơ quan Du lịch Quảng Tây (Trung Quốc) trong công tác quản lý. Các giải pháp trên được nghiên cứu và đúc kết từ các mô hình quản lý tại các địa phương khác như CLB Lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc tại cửa khẩu Lạng Sơn, CLB Lữ hành tại cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị.

Các mô hình này đã được Tổng cục Du lịch và các ngành chức năng đánh giá cao. Áp dụng các mô hình thực tế trên, căn cứ vào chỉ đạo của Tổng cục Du lịch tại các Văn bản số 1230, 1231/TODL-LH ngày 31/10/2013, các doanh nghiệp du lịch được Tổng cục Du lịch cho phép đón khách theo Quyết định số 849/2004/QĐ-BCA ngày 27/8/2004 của Bộ Công an đã cùng nhau thống nhất thành lập CLB 849 Quảng Minh. CLB là tổ chức trực thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh. CLB đã xây dựng Quy chế hoạt động, được các doanh nghiệp tham gia thống nhất thông qua (trong đó có Cty TNHH Dũng Yển) và được Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh phê chuẩn.

Các doanh nghiệp trong CLB chức hoạt động theo một thể thống nhất theo mô hình tổ chức hội nghề nghiệp để đảm bảo chất lượng dịch vụ, không còn tình trạng phá giá, ép giá gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành Du lịch, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và đặc biệt là đối trọng đoàn kết trước sức ép của phía đối tác nước ngoài.

Với cách thức thống nhất trên, từ 2013 đến nay, hoạt động lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc theo mô hình CLB 849 Quảng Ninh đã đạt được kết quả tích cực, giá tour cao hơn so với khách du lịch sử dụng hộ chiếu cùng chương trình du lịch, chất lượng dịch vụ được bảo đảm.

PV