Chị Vũ Thị Thu Trang, nhà ở quận Thanh Xuân, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, xúng xính trong bộ trang phục phụ nữ Mông, nói: "Lên Mộc Châu vào dịp Tết không chỉ thưởng thức những món ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Bắc mà lý thú, hấp dẫn nhất là được nghe, được xem các điệu múa, điệu nhạc của đội văn nghệ bản biểu diễn, được hòa mình vào điệu nhảy tha kềnh của đồng bào Mông, quay tròn trong điệu múa chuông của đồng bào Dao và đắm mình trong vòng xòe của người Thái. Chúng em có thể thức thâu đêm đến sáng bên bếp lửa, nghe tiếng khèn gọi bạn của các chàng trai Mông”.

Anh Ngô Việt Hà, sinh viên năm thứ 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, quê Hải Phòng, lại mê như điếu đổ mấy cô "diễn viên" đội văn nghệ bản Áng. Hà cho biết, đã 3 năm nay, vào các dịp nghỉ lễ, như 30/4 - 1/5, Tết Độc lập 2/9, Tết Cổ truyền và dịp nghỉ Hè, lại tổ chức cùng nhóm bạn Hải Phòng lên Mộc Châu, ít thì 2 - 3 ngày, lâu thì cả tuần. Nhóm bạn Hà không ngủ khách sạn mà vào ăn nghỉ ở các bản. Ngày đi thăm các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, tối vào bản xem văn nghệ "bản", cùng múa, hát với nam nữ thanh niên bản.

Vui nhất là những vị khách nước ngoài. Họ cũng mặc áo thổ cẩm người Thái, mặc quần người Mông, cũng múa, thổi khèn với các chàng trai cô gái Mông, Thái, Dao, Mường. Ông Quàng Văn Tính, bản Áng kể, có ngày đội văn nghệ bản thay nhau biểu diễn từ chập tối đến gần sáng. Cứ đoàn khách này ra, đoàn khác lại đến. Có đoàn khách ở lại bản 3 - 4 ngày, tối nào cũng yêu cầu được xem  đội văn nghệ biểu diễn.  

Từ tâm sự của du khách cho thấy, văn nghệ quần chúng ở Mộc Châu đã thực sự trở thành "món ăn" tinh thần không chỉ của người dân địa phương mà còn như "nam châm" hút khách đến, giữ chân du khách ở lại với Mộc Châu. 

Theo số liệu của Phòng Văn hóa huyện cung cấp, hiện nay Mộc Châu có 427 đội văn nghệ quần chúng tại các bản thường xuyên hoạt động. Tiết mục văn nghệ chủ yếu là các làn điệu dân ca, điệu múa mang đậm nét văn hóa riêng của từng dân tộc. Vì vậy người xem không bao giờ thấy "no, đủ". Hình thức tổ chức biểu diễn cũng đa dạng: Giao lưu giữa các xã, các bản; biểu diễn theo yêu cầu của các đoàn khách du lịch; biểu diễn trong các dịp lễ hội của bản... 

Năm 2014, toàn huyện đã tổ chức trên 2.000 buổi biểu diễn, sinh hoạt văn nghệ, 150 buổi biểu diễn theo chương trình. Đặc biệt ở các điểm du lịch cộng đồng: Bản Áng, xã Đông Sang; bản Dọi, xã Tân Lập; bản Vặt, bản Nà Bó, xã Mường Sang, mỗi bản có 2 đến 3 đội văn nghệ chuyên phục vụ khách du lịch cộng đồng. Nhiều người còn tham gia hướng dẫn viên du lịch cộng đồng.

Từ hiệu quả thực tế cho thấy, điểm (bản) du lịch cộng đồng nào có phong trào văn nghệ quần chúng sôi nổi, nhiều chương trình hấp dẫn thì ở đó thu hút được nhiều khách du lịch, giữ được chân khách lưu trú, sự liên kết giữa các hoạt động du lịch cộng đồng, như: Tham quan, lưu trú, ăn nghỉ, văn nghệ... sẽ tạo thế mạnh, tăng thu nhập cho người làm du lịch cộng đồng.

Trong năm tới, Mộc Châu sẽ đầu tư kinh phí hỗ trợ cho các bản có đội văn nghệ mua sắm đạo cụ, dàn dựng tiết mục, chương trình văn nghệ, khuyến khích các bản, hộ gia đình làm du lịch cộng đồng. Xây dựng, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng mạnh cả về chất và lượng, thực sự là động lực thu hút khách du lịch đến với Mộc Châu, khai  thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch cộng đồng.

Hồng Bài