Ca tụng “bác Đặng”

Nhiều hãng lữ hành (LH) uy tín tại Hà Nội đang chào bán chương trình ghép khách lẻ đến Thâm Quyến vào công viên Liên Hoa Sơn (CV LHS) thăm tượng Đặng Tiểu Bình khá phong phú và thậm chí có nơi bán khá chạy. 

Điển hình là Chi nhánh Công ty Du lịch & Tiếp thị giao thông vận tải đã bán hết chỗ đi Hongkong - Thâm Quyến đến tận ngày 29/4 mới khởi hành. Cũng với hành trình tương tự, Công ty LH Hanoitourist khởi hành hai đoàn bay Hongkong - Thâm Quyến trong tháng 2 - 3. Công ty Du lịch & Dịch vụ Hòn Gai chào tới tám đoàn đi đường bộ sang Quảng Châu - Thâm Quyến - Nam Ninh trong tháng 3 - 4, đều giới thiệu tới LHS thăm “tượng bác Đặng Tiểu Bình” vẻ kính trọng. 

Trên trang web của một số công ty khác lại giới thiệu nhiều chương trình đi Thâm Quyến thăm “tượng Đặng Tiểu Bình” bằng đường không, đường bộ, đường bộ - đường sắt khởi hành theo yêu cầu của khách. 

Đáng chú ý, Trung tâm Du lịch quốc tế Ngôi Sao Mới chào bán tới ba tour lúc gần gũi gọi tên “bác Đặng Tiểu Bình”, lúc ca tụng nhân vật này là “nhà lãnh đạo kiệt xuất, vị “kiến trúc sư trưởng” của quá trình đổi mới của đất nước Trung Hoa”. Trong khi đó, Hanoi Redtours chỉ nêu “thăm CV LHS - tượng ông Đặng Tiểu Bình” trong một sản phẩm nhân dịp Tết Ất Mùi...

Hồi tháng 9/2014, sau khi Báo Thanh tra đăng loạt bài phản ánh phản ánh hàng loạt LH lớn tại TP HCM bán tour sang Thâm Quyến đưa khách thăm tượng Đặng Tiểu Bình, đại đa số lập tức bỏ nội dung này (khi đó LH tại Hà Nội bán tour tương tự không đưa khách tới CV này). Tuy nhiên, hiện Công ty Thương mại - Dịch vụ & Du lịch L.Y.S vẫn giới thiệu chương trình không chỉ đưa khách tới “chụp hình lưu niệm tại Đài Tưởng niệm Đặng Tiểu Bình”, mà còn vào tham quan “khu lưu niệm Đặng Tiểu Bình” trong CV… “Hoa Sen”! Công ty Du lịch & Tiếp thị giao thông vận tải vẫn bán loạt tour ghép khách lẻ thăm CV “Hoa Sen”!

Biên tập viên một đài truyền hình tại Hà Nội từng tới LHS chơi kể: Tượng đồng ông Đặng Tiểu Bình rất lớn dựng ở vị trí nổi bật nhất tại khu trung tâm CV, có vườn hoa khá đẹp bao quanh. CV này không có nhiều trò chơi giải trí hấp dẫn, nên LH không đưa khách tới khu vực tượng thì chẳng còn gì đáng kể. “Tôi thấy một số hướng dẫn viên địa phương đưa đoàn khách Việt tới tượng rồi giới thiệu khá kỹ lưỡng sự nghiệp, thành tích của nhân vật này. Vợ tôi là chủ doanh nghiệp LH gửi nhiều khách tới Thâm Quyến, nhưng không bao giờ đưa tới LHS vì còn nhiều điểm đến khác thú vị hơn hẳn”, anh này nói.

Định hướng hay để khách tự quyết?

Có gần hai năm sống tại đảo tiền tiêu Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Giám đốc Công ty Thương mại & Du lịch Vĩnh Tân (TP HCM) Phan Thân cho rằng, phàm người Việt Nam hiểu biết lịch sử, yêu nước và có lòng tự trọng dân tộc sẽ không chào bán tour hoặc mất tiền đến thăm tượng một nhân vật từng tuyên bố “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học” rồi sau đó quân đội nước này tấn công nước ta. 

Trước hiện tượng nhiều LH ngoài Hà Nội lặp lại y hệt nội dung tham quan mà năm ngoái hàng loạt đồng nghiệp trong TP HCM cùng lúc loại khỏi tour ngay sau khi báo chí phản ánh, ông này nhận xét “vấn đề này không hề nhỏ” và dường như có gì đó bất thường! Bởi đành rằng chương trình do đối tác địa phương xây dựng song phía LH gửi khách hoàn toàn có quyền yêu cầu điều chỉnh những phần không phù hợp.

Từng đóng quân tại một tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 1985 - 1987, Giám đốc Công ty Thương mại - Du lịch Tuấn Minh (Hà Nội) Nguyễn Kiên Cường nhận xét không nên phức tạp hóa hoạt động du lịch hiện tại bằng quá khứ. Hãy coi tượng Đặng Tiểu Bình đơn giản là một sản phẩm du lịch thuần túy. Do vậy, cứ để du khách tự nhận thức, tự quyết định có mua tour đến đó không hoặc mua rồi vẫn có thể không vào CV! Dù ông này khẳng định “không thích đi du lịch Trung Quốc”, song nếu có dịp vào LHS vẫn cứ tới xem bức tượng cho biết. Thấy đẹp sẽ chụp vài tấm ảnh, không thích thì coi như mất tiền mua hớ phải sản phẩm du lịch kém hấp dẫn. “Kể cả nghe hướng dẫn viên địa phương ca ngợi nhân vật này đến mấy, tôi vẫn không quên lịch sử năm 1979 của nước nhà”, ông Cường nói.

Cuối năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong đó xác định "tăng cường quản lý du lịch ra nước ngoài". Dù cho rằng LH đưa đồng bào thăm tượng Đặng Tiểu Bình là “đáng trách”, ông Phan Thân không thấy họ vi phạm quy định nào. “Có thể một số người chưa suy xét thấu đáo, lại không thấy cơ quan chức năng có ý kiến nên cứ bán tour thôi. Chính vì thế, cơ quan quản lý du lịch cần định hướng cho doanh nghiệp nên làm gì, không nên làm gì”, Giám đốc Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Vào LHS không thăm tượng

Saigontourist Hà Nội bán ba đoàn đường bộ tới Thâm Quyến vào tháng 3, 5, 6 chỉ giới thiệu “thăm CV LHS”.

CV này rộng trên 60ha, có thể hướng dẫn viên không đưa khách tới khu tượng nữa.

Còn nhớ năm ngoái, Saigontourist bán tour ghép khách lẻ TP HCM đi Thâm Quyến nêu rõ "tham quan CV LHS, Đài Tưởng niệm Đặng Tiểu Bình”!


Đức Minh