Việc tiếp cận thông tin du lịch chủ yếu thông qua các giao dịch thương mại điện tử. Cách làm này đang dần thay thế cách bán tour truyền thống trong ngành Du lịch Việt Nam.

Du lịch trực tuyến được đánh giá là tạo ra cơ hội giúp du lịch có bước phát triển đột phá, giúp các khách sạn, công ty lữ hành, các cơ sở lưu trú tiếp cận du khách. Theo dự báo thị trường du lịch trực tuyến ở Đông Nam Á sẽ đạt doanh thu 90 tỷ USD vào năm 2025, Việt Nam chiếm khoảng 10% tương đương doanh thu 9 tỷ USD. Đây là một thị trường tiềm năng và là cơ hội lớn cho các công ty lữ hành và dịch vụ du lịch của Việt Nam.

Trong cuộc họp báo về tình hình phát triển 6 tháng đầu năm 2017 tại Tổng cục Du lịch, vấn đề E-marketing và kinh doanh du lịch trực tuyến cũng được lãnh đạo Tổng cục Du lịch đưa ra và nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: “Công nghệ có thể nói rằng càng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển du lịch và để có thể phát huy được vai trò công nghệ thì thời gian vừa qua cũng như thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung tận dụng tối đa công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động E-marketing làm sao để E-marketing càng ngày càng có vai trò to lớn hơn trong hoạt động quản bá xúc tiến du lịch. Tạo ra sự tương tác giữa khách hàng với các điểm đến, với các cơ quan quản lý Nhà nước để tiếp nhận một mặt khách du lịch có thể tiếp cận các thông tin về điểm đến du lịch Việt Nam một cách nhanh chóng nhất”.

Trên thực tế những rào cản trong việc phát triển ứng dụng thương mại điện tử vào kinh doanh du lịch tại Việt Nam vẫn là một trở ngại không nhỏ tới hầu hết các công ty du lịch.

Muốn phát triển và cạnh tranh được với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế thì các doanh nghiệp lữ hành Việt cần có sự liên kết và hỗ trợ của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và các đơn vị thanh toán. Vì vậy sự kết hợp giữa các công ty công nghệ thông tin, các đơn vị thanh toán và doanh nghiệp lữ hành sẽ tạo ra hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh khai thác thị trường này mở ra cuộc cách mạng trong kinh doanh du lịch trực tuyến.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Hanoitourist cho biết E-marketing là công cụ rất là hữu hiệu cho các doanh nghiệp du lịch hiện nay, trong đó Công ty Lữ hành Hanoitourist có ứng dụng rất rộng rãi. 

“Điều đầu tiên chúng tôi khi đã có sản phẩm thì cũng muốn khách hàng làm thế nào dễ dàng tìm hiểu các sản phẩm của mình cũng như thương hiệu của công ty mình trên mạng internet. Chúng tôi sử dụng rất nhiều công cụ khác nhau, bởi rất nhiều nhà cung cấp loại hình mà E-marketing cho các doanh nghiệp du lịch; Hệ thống thương mại điện tử trong đó sử dụng mạng xã hội để làm marketing được các doanh nghiệp sử dụng rất rộng rãi mà trong đó có cả Hanoituorist”.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho biết: “Chúng tôi đã quan tâm, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ thông tin và những công nghệ trực tuyến vào các hoạt động kinh doanh tiếp thị, marketing và cũng như quản trị. Đối với Saigontourist về công nghệ Web và cũng như là các ứng dụng trên những loại hình công nghệ, tích cực nghiên cứu những loại hình công nghệ mới nhất để làm sao có thể tạo lên sự thuận lợi cho khách hàng, đáp ứng một cách nhanh chóng nhất xu hướng, nhu cầu về du lịch hiện nay đang thay đổi rất nhanh”.

Thị trường kinh doanh du lịch trực tuyến đang thực sự là một mối quan tâm lớn của ngành Du lịch. Vì vậy, trong Luật Du lịch (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung Điều 73 quy định về trách nhiệm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong việc hướng dẫn ứng dụng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch. Điều này sẽ giúp việc kinh doanh du lịch trực tuyến có cơ sở để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bình Yên