Trước Tết các bản chộn rộn bao nhiêu thì 3 ngày Tết (từ 1 - 3/12 âm) lại vắng vẻ, im ắng bấy nhiêu. Theo tập tục, trong 3 ngày Tết, người trong nhà không đi ra đường, cũng không mở cửa đón khách. Sáng ngày 4 Tết, các nhà làm lễ mở cửa, con trai, con gái diện quần áo mới, đẹp nhất ra khỏi nhà đi chơi xuân. Đi chúc Tết các nhà trong bản.

Tết Mông năm nay thời tiết không thuận, trong 3 ngày Tết, thời tiết nắng ấm, từ mồng 4, trời chuyển rét, mưa phùn, sương mù dày đặc. Tuy vậy, làng trên, bản dưới vẫn rộn rã tiếng khèn, tiếng sáo. Nhà nào cũng bập bùng bếp lửa trong nhà, ngoài sân. Mâm cỗ đầy ắp tiếng cười, lời chúc tụng.

Ông Sùng A Sía, Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) phấn khởi nâng chén rượu mời khách. Ông nói: Năm nay người Mông Pà Cò ăn Tết tiết kiệm hơn, nhưng lại vui hơn. Trong xã không nhà nào thiếu gạo nếp, thịt lơn, thịt gà. Nhà ít cũng làm 30 - 40 cái bánh dày, nhà nhiều làm cả mấy thúng. Ơn Đảng, ơn Chính phủ, Tết này người Mông Pà Cò đã có nước sạch, có Trạm phát sóng Tivi. Đêm về điện sáng rực đường to, ngõ nhỏ. Nhà văn hóa bản lúc nào cũng đông vui. Đám thanh niên nam nữ thi nhau múa hát, ném pao, đánh lông gà. Đã mấy cái Tết rồi, ở Pà Cò không có người say rượi gây mất an ninh trật tự.

Tại xã Hang Kia, cái "chảo lửa" ma túy, Tết này không chỉ có người trong xã, trong bản vui xuân với nhau, mà ngay từ sáng mồng 1 Tết, khách du lịch đã đến "sông đất" bản Thung Mặn, Thung Ảng, Tung Mài, Hang Kia 1, Hang Kia 2. Anh Giàng A Trư, cán bộ Văn hóa xã Hang Kia hồ hởi nói: Hai năm nay xã mình được mùa ngô. Nhà nào cũng có tiền nhờ bán ngô. Nhiều nhà có vài chục triệu đồng. Nhiều tiền nhưng không lãng phí đâu. Vui là chính thôi.

Trở lại chợ Pà Cò. Phiên chợ đầu năm người bán muốn lấy may, người mua muốn có lộc, nên người bán không nói thách, người mua không mà cả, kỳ kèo. Đông nhất là sạp hàng vải, hàng dày, dép. Trong chợ hầu như không có đàn ông. Tại các quán phở, lò bánh rán cũng chỉ có phụ nữ, con trẻ. Cánh đàn ông đưa vợ xuống chợ bằng xe máy rồi ngồi đợi vợ con ngoài bãi cỏ ven đường. Tan chợ mới đưa vợ con đi chơi xuân. Cứ thế, từng tốp 4 - 5 cặp vợ chồng rồng rắn nhau đi trên đường, sà vào vườn đào, vượn mận thổi khèn cho đến tối mịt vẫn chưa về. Có khi họ đi chơi thâu đêm đến sáng.

Từ Pà Cò, theo quốc lộ 6 ngược lên Mộc Châu. Không khí Tết ở xã Loóng Luông, Vân Hồ, thị trấn Mộc Châu, Bản Áng, Tân Lập (Sơn La), hai bên đường hoa mận nở trắng bản, trắng đồi. Khu cánh đồng cải, hoa trăng muốt, trải rộng khuất tầm mắt, khách du lịch đua nhau vào chụp ảnh. Ở Vân Hồ, Mộc Châu ngày Tết ngoài đường đông vui hơn trong bản. Các trò chơi như ném pao, kéo co, đánh lông gà diễn ra trên khắp bãi cỏ, sân nhà văn hóa.

PV xin giới thiệu với bạn đọc một số hình ảnh về các hoạt động trong những ngày Tết Mông ở xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình) và Loóng Luông, Vân Hồ (Vân Hồ, Sơn La).                           

Khi hoa mận nở trắng núi đồi là lúc người Mông đón Tết cổ truyền của dân tộc mình

Bánh dày, món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của người Mông

Bàn thờ, lễ thắp hương của người Mông rất đơn giản      

Kéo co là trò chơi vui nhộn, hấp dẫn nhất

Ném pao thường diễn ra trên bãi cỏ ven quốc lộ 6, địa phận xã Vân Hồ

Đám thanh niên gặp nhau có thể ngồi tâm sự thâu đêm đến sáng

Bài, ảnh: Hồng Bài