Theo nhiều tài liệu ghi lại, thị trấn Sa Pa ra đời vào năm 1905, khi người Pháp phát hiện đây là địa điểm lý tưởng để xây dựng khu nghỉ mát và đã thực hiện. Tên Sa Pa là tên vốn có theo tiếng H’Mông ở vùng này, có nghĩa là "bãi cát", người Pháp viết tên khu là "Chapa", vì âm "S" phát âm cứng gần như "Ch" trong tiếng Pháp và "S" trong tiếng Việt chuẩn. Dấu tích còn lại của tên vùng là phường Sa Pa ngày nay.

Không phải ngẫu nhiên mà Sa Pa nổi như cồn với những tên gọi như: Thị trấn mờ sương, thị trấn trên mây… Thị trấn này quanh năm mây phủ, mỗi năm đón đến hơn 2,4 triệu lượt du khách. Những người đến đây không chỉ muốn khám phá vẻ đẹp hùng vĩ, thưởng thức những món đặc sản dân tộc mà còn được ngắm những biển mây nơi tiên cảnh.

Ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, không khó để tìm ra được những “tọa độ” săn mây tại Sa Pa. Những địa điểm này dường như nằm trong sổ tay của du khách và người yêu Sa Pa.

Chúng tôi lên Sa Pa vào những ngày đầu đông. Mùa đông lạnh giá mang đến cho thị trấn trong sương nhiều nét đẹp khác lạ, huyền diệu trong sương mờ. Nếu may mắn, lên Sa Pa chúng ta còn có thể ngắm tuyết rơi như giữa trời Âu.

“Ở đây mùa xuân là đẹp nhất. Người dân tộc Mông, Tày, Giáy… với những trang phục đầy màu sắc xuống chợ. Lúc đó, những con phố ở Sa Pa như những bức tranh sơn dầu đẹp tuyệt diệu”, một ông cụ bán lan rừng nói với chúng tôi bằng tiếng Kinh nhưng không rõ hẳn.

Để đi đến được thị trấn Sa Pa mùa này thì không ai khổ bằng lái xe. Sương mù bao phủ toàn bộ thị trấn và đường đi. Chúng tôi đi từ thành phố Lào Cai lên Sa Pa, bác tài phải liên tục bật đèn pha. Nhiều khi sương mù quá dày đặc, một thành viên nam trên xe phải xuống làm hoa tiêu, “xi nhan” cho bác tài. Chiếc xe cứ chạy rề rề cả tiếng mới đến được thị trấn mờ sương.

Mây và mây giăng kín trời Sa Pa đẹp diệu kỳ. Ảnh: TL

 

Không mất quá nhiều thời gian để khiến chúng tôi “phải lòng” Sa Pa. Giữa trời chiều, giữa sương mờ, Sa Pa hiện lên lung linh huyền ảo với những ánh đèn cao áp và ánh đèn đỏ của các nhà hàng trên phố. Thỉnh thoảng xuất hiện những cơn mưa phùn và gió lạnh đến tê tái người. Mùi ngô, khoai nướng đưa nhiều người về với tuổi thơ của mình.

Có lẽ ai yêu và tìm hiểu kỹ về Sa Pa đều biết đến 5 điểm săn mây tại địa điểm du lịch nổi tiếng này. Đó là đỉnh Fansipan, đỉnh đèo Ô Quy Hồ, bản Hang Đá, bản Sâu Chua, đỉnh Hàm Rồng. Sau một đêm dạo quanh những con phố tràn ngập sương mờ, chúng tôi quyết định sáng sớm mai sẽ đến bản Sâu Chua để từ trên núi cao được chiêm ngưỡng biển mây trắng xóa.

Đúng 8giờ sáng, chúng tôi có mặt ở bản Sâu Chua. Đây là bản làng nằm trong top nghèo của Sa Pa, chưa được phát triển du lịch nhiều. Sâu Chua cách thị trấn Sa Pa khoảng gần 9km. Những anh xe ôm người dân tộc đèo chúng tôi trên những chiếc xe côn chạy dọc theo đường Điện Biên Phủ hướng xuống thành phố Lào Cai, đến cây cầu 32 là gần đến nơi. Sâu Chua vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ, mộc mạc vốn có của nó.

Săn mây ở bản Sâu Chua, chúng tôi không cần phải tìm một chỗ đẹp, mà có thể ngồi ở bất kì tảng đá nào cũng có thể thu vào tầm mắt được thung lũng mây trắng muốt, cuồn cuộn như sóng biển.

Anh chàng Thào A, người bản địa Sâu Chua cười bảo: “Việc “săn mây” không khó nhưng phải biết nhìn thời tiết và có duyên. Có rất nhiều người đến đây đợi cả ngày không thấy mây nhưng vừa đi khỏi thì mây ùn ùn kéo đến như sóng cuộn. Có người thì đến bị “mây săn”, nghĩa là đang đứng bị những áng mây bán chặt, không nhìn thấy đường đi. Tôi là người bản địa, gia đình tôi nhiều đời sống tại đây nên có thể đoán khá chính xác được ngày nào, giờ nào có mây và mây giăng kín bản”.

Trên đường từ bản Sâu Chua về thị trấn, chúng tôi gặp những đứa trẻ người Mông đang đuổi đàn trâu về nhà. Những đứa trẻ ngây thơ, ăn mặc chưa đủ ấm với ánh mắt long lanh cười hiền với du khách. Chúng đã quá quen với cảnh những người xa lạ đến bản để “săn mây”. Có lẽ, đến khi nào bản Sâu Chua phát triển được du lịch, những đứa trẻ này sẽ bớt vất vả, sẽ không còn mặc rét nữa.

Đến Sa Pa nhiều người còn thích thú với những buổi chợ phiên họp vào ngày Chủ nhật tại thị lỵ. Người dân vùng xa thường phải đi từ ngày hôm trước. Vào tối thứ Bảy, có nhiều người đi chợ cùng thức và chung vui với nhau bằng những bài hát dân ca của trai gái bản làng người H’Mông, người Dao, bằng những âm thanh của đàn môi, sáo, khèn... và người ta gọi đó là "chợ tình". Vào ngày Chủ nhật, tại chợ có thể mua các loại dược phẩm, lâm thổ sản quý hiếm, sản phẩm nhân tạo truyền thống của các dân tộc như hàng thổ cẩm thủ công; các món ăn dân tộc. 

Thanh Lương