Khu di tích kiến trúc Tháp Nhạn - công trình kiến trúc cổ rất đẹp, nằm ở vị trí đắc địa mênh mông gió núi, mây trời thuộc TP Tuy Hòa. Thế nhưng, nơi đây quanh năm vắng hiu hắt, ít người lui tới. 

Núi Nhạn – sông Đà Rằng được xem là biểu tượng của tỉnh Phú Yên. Tháp Nhạn là một di tích kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm cổ xưa, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XI. Công trình này xây dựng trong khuôn viên khoảng 1.000m2, có bình đồ hình vuông mỗi cạnh 10m, cao 25m. Tháp Nhạn được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch - VHTTDL) công nhận là di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia ngày 16/11/1988.

 

Di tích kiến trúc – nghệ thuật quốc gia Tháp Nhạn. Ảnh: XH

 

Còn, Khu du lịch ghềnh Đá Đĩa được đánh giá là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn nhất tại Phú Yên, nhưng cũng vắng lặng, không kém. Theo ghi nhận của chúng tôi mỗi ngày chỉ có 3 - 5 đoàn khách đến đây chụp hình, ngắm cảnh.

Ghềnh Đá Đĩa là danh thắng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, nhìn từ xa ghềnh đá này như một tổ ong khổng lồ rộng khoảng 50m, dài 200m với những khối đá hình lăng trụ xếp liền nhau tuyệt đẹp. Ghềnh đá đĩa huyền bí, đẹp mê hoặc giữa biển nước, mây trời trong xanh nhưng tiếc thay điểm du lịch này rất trầm lặng.

 

Tường gạch Tháp Nhạn đang bị thời gian bào mòn, cần được bảo vệ. Ảnh: XH

 

Ông Lê Hoàng Phú, Chánh Văn phòng Sở VHTTDL Phú Yên cho biết, năm 2017 được đánh giá là năm du lịch Phú Yên có sự khởi sắc nhưng số lượng khách du lịch chỉ đạt 1,4 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế 35.500 lượt. Cụ thể, Tháp Nhạn chỉ đón khoảng hơn 3.000 lượt khách, tổng lượng khách ghềnh Đá Đĩa, Bãi Môn, Mũi Điện chỉ hơn 400.000 lượt.

Tình trạng các di tích, danh thắng ở Phú Yên chưa thu hút được khách du lịch, ông Phú cho rằng có nhiều nguyên nhân; trong đó, có một phần từ cơ chế, chính sách phát triển sự nghiệp văn hóa, du lịch tại địa phương chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nguồn vốn đầu tư phát triển văn hóa, du lịch còn thấp, chưa được quan tâm kịp thời.

 

Ghềnh Đá Đĩa chưa hút khách du lịch như tiềm năng vốn có. Ảnh: XH

 

Hàng năm, ngân sách Nhà nước chi cho công tác đầu tư tôn tạo các di tích, danh thắng, công tác xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Sự phối hợp trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch và trách nhiệm bảo vệ môi trường chưa cao.

Trong khi đó, hạ tầng du lịch chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Cơ sở hạ tầng giao thông về du lịch còn yếu, chưa được đầu tư đúng mức, thiếu các khu vui chơi, khu tổ hợp khách sạn, nhà hàng, công viên, khu giải trí.

Xuân Hướng