Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết "dư địa" cho đầu tư, phát triển của Thừa Thiên-Huế là rất lớn khi Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

“Mong muốn của Trung ương là Thừa Thiên-Huế trở thành trung tâm về du lịch, dịch vụ, y tế, khoa học, công nghệ, giáo dục của cả nước nên mọi quy hoạch, kế hoạch phải làm theo tinh thần này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Để thu hút đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn vào địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh công bố chính sách đầu tư rõ ràng hơn, danh mục dự án đầu tư cụ thể hơn nữa khi mà tổng số dự án cần kêu gọi hiện nay mới có 30 dự án (trong đó có 10 dự án đã có nhà đầu tư) là quá ít.

Ngoài các dự án đầu tư về du lịch, Phó Thủ tướng cũng đề nghị địa phương và các nhà đầu tư quan tâm hơn vào lĩnh vực y tế, giáo dục, công nghệ cao, ngành “công nghiệp” tổ chức các sự kiện văn hóa… “Phát triển công nghiệp của Thừa Thiên-Huế phải là công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, không nhất thiết ham nhà đầu tư lớn, thu hút các nhà đầu tư nhỏ và vừa nhưng có công nghệ tốt".

Nhắc lại quyết định từ năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai tới năm 2020 theo hướng du lịch làm chủ lực gắn với phát triển nông, lâm nghiệp bền vững với 8 dự án du lịch dịch vụ và 9 dự án công nghiệp, nông nghiệp..., Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết các nhà đầu tư vào khu vực này sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất.

Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Thừa Thiên-Huế chưa triển khai thực hiện, vì vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu địa phương nghiêm túc thực hiện chủ trương, chính sách này của Thủ tướng Chính phủ; nhanh chóng tổ chức hội nghị chuyên đề, có sự tham gia của các bộ, ngành, nhà khoa học, nhà kinh tế để triển khai Quyết định của Thủ tướng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngay sau hội nghị này, tỉnh sớm tổ chức hội nghị chuyên đề về xây dựng và phát triển khu công nghiệp Chân Mây-Lăng Cô vốn đang rất chậm,  trong đó cần liệt kê, cụ thể hóa các danh mục đầu tư.

Đối với hạng mục Cảng ở Chân Mây, Phó Thủ tướng nêu rõ quan điểm của Chính phủ là Nhà nước không bỏ tiền đầu tư mà để tư nhân làm. Nếu Vinalines không làm được thì thu hồi lại cho doanh nghiệp khác làm, cả cầu tàu và cầu hàng.

Trong lĩnh vực du lịch, Thừa Thiên-Huế phải khắc phục thực trạng “giàu tiềm năng nhưng ít khả năng, không có sản phẩm dịch vụ du lịch nào ra tấm ra miếng”. Hiện giá trị của ngành du lịch, dịch vụ của Thừa Thiên-Huế là 50% GDP của địa phương, nhưng đóng góp vào ngân sách thì rất thấp. Tới năm 2020 tỉnh mới chỉ đặt mục tiêu du lịch, dịch vụ đóng góp từ khoảng 30% vào thu ngân sách địa phương.

Dẫn chứng về 10 đại diện hình ảnh du lịch của Việt Nam thì có 3 thứ liên quan tới Thừa Thiên- Huế là cố đô Huế, ẩm thực và áo dài, Phó Thủ tướng đề nghị địa phương và các nhà đầu tư “phải biến lợi thế này từ tiềm năng thành khả năng, từ khả năng thành hiện thực”.

Về chính sách, lãnh đạo Chính phủ cho biết sẽ có Đề án phát triển đô thị đặc thù Huế; xây dựng nguyên tắc về hợp tác công-tư trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển cố đô Huế để bảo tồn gắn liền với khai thác hiệu quả di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của địa phương.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới tính liên kết vùng trong phát triển du lịch đối với Thừa Thiên-Huế và các địa phương dọc bờ biển miền Trung để phát triển đồng bộ, hiệu quả ngành này trong tương lai.

 N.H