Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2015 - 2019 ước đạt 18%. Năm 2019, Đà Nẵng ước đón 8,69 triệu lượt khách tham quan, du lịch, đạt 106,1%  kế hoạch năm.

Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch giai đoạn 2015 - 2019 ước đạt 25,7%. Tổng thu từ du lịch năm 2019 ước đạt 30.973 tỷ đồng, tăng 142% so với năm 2015.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, dù TP đã đề ra nhiều giải pháp để phát triển du lịch và đạt được những kết quả tốt, tổng thu du lịch tăng qua từng năm và đóng góp đáng kể vào ngân sách. Tuy nhiên, du lịch đang đối mặt với những khó khăn nhất định về hạ tầng giao thông, sản phẩm mới, cơ chế chính sách, môi trường…

TP tăng cường khai thác và mở rộng thị trường khách du lịch gồm Nga, Ấn Độ, Úc, Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu, Trung Âu; tiếp tục khai thác thị trường Hàn Quốc (thu hút khách công vụ, nghỉ dưỡng, đánh golf), Trung Quốc (tập trung dòng khách chi tiêu cao), Nhật Bản…

UBND TP cũng đã đánh giá thực trạng và đề ra những giải pháp phát triển những sản phẩm du lịch trong thời gian tới, theo 4 nhóm chính là: Du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, MICE; du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh, sinh thái, làng quê, làng nghề; du lịch đô thị gắn với TP trung tâm của cả khu vực. Đa dạng hóa các sản phẩm hỗ trợ gồm: Du lịch ẩm thực, du lịch chữa bệnh, làm đẹp.

TP Đà Nẵng ngày càng trẻ trung và hiện đại. Ảnh: NP

 

Chú trọng dịch vụ du lịch mua sắm, vui chơi, giải trí bằng việc đầu tư các trung tâm thương mại quy mô quốc tế và xây dựng trung tâm thương mại miễn thuế, khu vực mua sắm gần bãi biển; quy hoạch và phát triển địa điểm trưng bày sản phẩm lưu niệm của TP. Đầu tư các công viên giải trí đẳng cấp quốc tế, khu trò chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài; tổ chức show diễn nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn Đà Nẵng. Nâng cấp các khu, điểm du lịch hiện có như: Công viên châu Á, Khu Du lịch Bà Nà Hills, Núi Thần Tài, Hòa Phú Thành... Bổ sung các tiện ích, dịch vụ giải trí; đặc biệt là giải trí đêm như: Show diễn, phố đêm, các mặt hàng lưu niệm đặc trưng của khu điểm phục vụ du khách.

Kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai các dự án như: Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, Khu đô thị du lịch Thủy Tú, Công viên Đại dương, Trung tâm mua sắm giải trí ngầm bãi tắm Sơn Thủy, Câu lạc bộ đua ngựa và trang trại nuôi ngựa, Sân golf Hòa Phong, Hòa Phú; mở rộng sân golf Bà Nà Hills...

Bên cạnh đó, TP sẽ tăng cường liên kết du lịch các địa phương trong nước, đặc biệt là 4 địa phương gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội và các tỉnh, TP, vùng Duyên hải miền Trung để kết nối phát triển sản phẩm du lịch.

Tuy vậy, để du lịch Đà Nẵng “cất cánh” cao hơn, mạnh hơn, nhiều ý kiến đề xuất TP cần chú trọng phát triển về chất hơn là lượng như hiện tại.

Du lịch Bà Nà luôn thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế. Ảnh: NP

 

Ông Trần Chí Cường, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng cho rằng: “Thời gian vừa qua, du lịch phát triển số lượng tốt, nhưng đi theo đó là áp lực về giao thông, môi trường… do đó, đã đến lúc không chú trọng phát triển số lượng mà theo chất lượng; đi kèm với đó là sản phẩm cao, dịch vụ cao, nhân lực cao để tương ứng đồng bộ...".

Phó GS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho rằng, Đà Nẵng hãy chuyển từ lượng sang chất, đừng đặt chỉ tiêu số lượng mà hãy hỏi số tổng thu nhập du lịch bao nhiêu, mỗi du khách ở lại bao nhiêu ngày, mỗi khách chi tiêu bao nhiêu tiền trong chuyến đi…

Còn theo ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: “Những thách thức đang đặt ra với ngành Du lịch Đà Nẵng hiện nay là tuy đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của TP, nhưng nhìn vào thực trạng, bên cạnh sự phát triển về số lượng, đòi hỏi du lịch phải chuyển sang về chất lượng, để tỷ lệ khách quay lại Đà Nẵng cao hơn, du khách khi đến đây sẽ chi tiêu nhiều hơn, giá trị gia tăng cũng cao hơn nữa”...

Đầu năm 2019, Đà Nẵng được Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 43/NQ-TW về xây dựng và phát triển địa phương đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, trong đó kinh tế được cấu trúc trên 3 trụ cột chính mà du lịch được đặt ở vị trí hàng đầu. Đây là cơ sở để ngành Du lịch Đà Nẵng tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch TP phát triển, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng trong những năm tới.

Sau chuỗi ngày rét lạnh kéo dài, nắng ấm dần lên. Từ rừng, núi xuống sông, biển, Đà Nẵng khoác lên tấm áo mới trẻ trung, hiện đại, như vẫy gọi khách thập phương đến nhiều hơn nữa.

Nguyên Phê