Từng không được thừa nhận, hoạt động khó khăn, một thời gian dài với những thay đổi thăng trầm, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam những năm vừa qua đã có những thay đổi lớn. Về chính sách, lần đầu tiên trong lịch sử có một Nghị quyết Trung ương riêng về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết 10 Hội nghị Trung ương 5 ngày 3/6/2017 về kinh tế tư nhân đã khẳng định rằng “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế” và định hướng rõ “Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP”. “Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng”. 

Nghị quyết 10 cũng hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (DN); đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN.

Cùng với Nghị quyết 10, Quốc hội trong năm 2017 cũng đã thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó đề ra 7 nhóm chính sách hỗ trợ chung. 

Trong vòng 5 năm trở lại nay, Chính phủ ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (NQ 19). Năm 2019, Chính phủ đưa ra hàng loạt nhiệm vụ đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương để nâng cấp môi trường kinh doanh Việt Nam nhằm so sánh được với bốn nước hàng đầu khu vực ASEAN (NQ 02).

Về thực tế, chúng ta đã có hơn 715 ngàn DN đăng ký theo Luật DN đang hoạt động, gần 4 triệu hộ kinh doanh cá thể trong đó hơn 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Cả khu vực DN chính thức và hộ kinh doanh chiếm xấp xỉ 40% GDP của Việt Nam. Có trên 130 ngàn DN đăng ký thành lập hàng năm. Khu vực DN tư nhân chính thức đang tạo ra được nửa triệu việc làm hàng năm.

Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại nhiều rào cản cho sự phát triển của DN tư nhân Việt Nam. Tháo gỡ các rào cản này chính là những giải pháp quan trọng thúc đẩy sự phát triển năng động, lành mạnh của khu vực kinh tế tư nhân.

Giảm nhũng nhiễu 

Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu có 1 triệu DN (năm 2020), hơn 1,5 triệu DN (năm 2025) và có ít nhất 2 triệu DN (năm 2030). Tốc độ tăng trưởng của KTTN cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN đạt khoảng 50% GDP (năm 2020), khoảng 55% GDP (năm 2025) và 60 - 65% GDP (năm 2030).
Điều tra hơn 10.000 DN dân doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2018 vừa rồi cho thấy rằng hiện tượng “tham nhũng vặt” - chi phí bôi trơn nhỏ mà DN phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép - đã giảm so với thời kỳ trước. 55% DN cho biết phải trả chi phí không chính thức, đây là con số tỷ lệ thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (năm 2015 tỷ lệ là 66,3%). Không chỉ mức độ phổ biến, quy mô các khoản chi không chính thức cũng đã nhỏ đi, có 7,1% DN cho biết phải chi trả trên 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức (năm 2015 tỷ lệ này là 11,1%). Đáng chú ý, 58,2% DN cho biết hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ cơ quan nhà nước ở địa phương giải quyết thủ tục hành chính cho DN (mức giảm khá ấn tượng trong 5 trở lại đây, mức cao nhất là năm 2014 với tỷ lệ lên đến 65,6). 

Có được điều này là nhờ các nỗ lực lớn, bền bỉ của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, chấn chỉnh đạo đức công vụ… 

Tuy nhiên, thẳng thắn thừa nhận rằng hiện nay cứ trong 10 DN thì vẫn có đến 5,5 DN đang chi trả chi phí không chính thức, gần 6 DN cho biết hiện tượng nhũng nhiễu vẫn đang phổ biến. Đây là tỷ lệ còn quá cao và chúng ta không thể mặc nhiên chấp nhận điều này. Cần phải có nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa để giảm thiểu tiến tới xoá bỏ nó. 

Nhũng nhiễu có nguyên nhân rất quan trọng từ chất lượng chưa đảm bảo của quy định pháp luật. Khi nào mà còn có sự chồng chéo của đạo luật này so với đạo luật khác, khi nào câu chữ trong các văn bản pháp luật còn mơ hồ, đặt ra yêu cầu xin cho nhưng không hề đi kèm với quy trình thủ tục thì ở đó còn có không gian cho sự nhũng nhiễu. Thời gian tới cần có chương trình tổng rà soát các quy định pháp luật đặc biệt là đạo luật, quy định liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh như đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… Chính phủ cần đặt hàng cho các tổ chức độc lập bên ngoài, các hiệp hội, các chuyên gia chủ trì quá trình rà soát chứ không phải là chính bản thân các cơ quan Nhà nước như thời gian vừa qua.

Để trị nạn nhũng nhiễu thì sửa luật cũng chưa đủ mà một yếu tố rất quan trọng nữa là cần cải cách và thay đổi quy trình thủ tục hành chính hiện nay. Quy trình thủ tục hành chính chưa rõ ràng ở nhiều lĩnh vực là căn nguyên tạo ra sự nhũng nhiễu và tham nhũng vặt. 

Ví dụ, trong lĩnh vực tư pháp, quy trình thủ tục hành chính tại toà án đang là rào cản để DN và người dân tăng cường sử dụng toà án. Cách đây 2 năm, bằng việc mô tả lại hành trình trên thực tế của DN trong một vài vụ kiện kinh tế, thương mại điển hình, một nghiên cứu của VCCI thấy rằng nguy cơ tham nhũng, sự phiền hà nhũng nhiễu… đến từ chính thủ tục hành chính của toà án. Quy trình hành chính chưa rõ ràng đang tạo ra vô vàn cách để cán bộ toà án trì hoãn, kéo dài các vụ việc xét xử. 

Khi quy trình dễ bị lạm dụng để gây khó khăn, giải quyết một tranh chấp kinh tế đơn giản tại toà án mà mất đến 3-5 năm, làm sao mà nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư, DN có thể yên tâm đổi mới sáng tạo, giao kết hợp đồng được? Chính vì vậy, để giảm nhũng nhiễu, cần cải cách là quy trình thủ tục. Một quy trình thủ tục tốt cần rõ bước, rõ cơ quan chịu trách nhiệm, rõ thẩm quyền và rõ thời gian. 

Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Quang Phúc

 

Cải cách thanh tra, kiểm tra

Về thanh tra kiểm tra, cần áp dụng triệt để quản lý rủi ro trong việc lựa chọn đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, nhằm tránh tùy tiện. Hiện nay, theo quan sát của các DN, việc cơ quan có thẩm quyền lựa chọn đến kiểm tra đơn vị này mà không kiểm tra đơn vị khác tương đối thiếu minh bạch. Nhiều trường hợp đối tượng được lựa chọn kiểm tra vì lý do “tiện đường”, hay lý do cá nhân, thậm chí nhằm mục đích nhũng nhiễu. Có tình trạng DN quy mô càng lớn thì càng bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều, tạo ra động lực lệch lạc trong phát triển DN. Để khắc phục được điều này cần áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro rộng rãi hơn. Theo đó, đối tượng được lựa chọn để thanh tra, kiểm tra dựa trên mức độ rủi ro vi phạm của đối tượng đó. Hiện nay, việc quản lý rủi ro đã được thực hiện tương đối ổn định trong lĩnh vực hải quan và bắt đầu áp dụng trong kiểm tra thuế và mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Cơ quan Nhà nước không cần tăng nguồn lực để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra mà vẫn đem lại hiệu quả tối đa trong việc ngăn chặn, phát hiện vi phạm pháp luật.

Thứ hai, cần áp dụng nguyên tắc cán bộ, cơ quan Nhà nước khi thanh tra, kiểm tra không được yêu cầu người dân hoặc DN xuất trình các giấy tờ mà các cơ quan Nhà nước đã có.

Nhiều trường hợp có phản ánh từ phía DN và người dân về việc cơ quan Nhà nước yêu cầu các giấy tờ mà chính cơ quan đó hoặc cơ quan khác của Nhà nước đã có. Ví dụ, cả chi cục bảo vệ môi trường và chi cục bảo vệ thực vật đều yêu cầu DN cho xem báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, trong khi hồ sơ này luôn được lưu ở chi cục bảo vệ môi trường. Hiện nay, Luật Quản lý thuế (sửa đổi bởi Luật 71/2014/QH13) đã có quy định về việc các cơ quan thuế không được yêu cầu DN xuất trình những hồ sơ mà ngành Tài chính đã có. Nếu nguyên tắc này được áp dụng rộng rãi sẽ giúp giảm gánh nặng bị thanh tra, kiểm tra của các DN và người dân rất nhiều.

Thứ ba, cần áp dụng nguyên tắc phân biệt rạch ròi về thẩm quyền thanh tra, kiểm tra về nội dung giữa các cơ quan Nhà nước. Một trong những tình trạng phổ biến là hiện nay nhiều cơ quan Nhà nước cùng có thẩm quyền kiểm tra một nội dung đối với người dân và DN. Nhiều DN phản ánh tình trạng phải tiếp rất nhiều các đoàn thanh tra, kiểm tra từ nhiều cơ quan Nhà nước mà nội dung thanh tra, kiểm tra hoàn toàn giống nhau. Do đó, cần phải phân định rạch ròi thẩm quyền về nội dung thanh tra, kiểm tra để từ đó giảm gánh nặng bị thanh tra, kiểm tra của DN và người dân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan Triển lãm Thành tựu kinh tế tư nhân. Ảnh: VGP

 

Xác lập tiêu chuẩn, chuẩn mực cho thủ tục hành chính

Ở Việt Nam, từ thường được chơi chữ là HÀNH CHÍNH, người dân thêm chữ là gọi là “HÀNH LÀ CHÍNH”. Tại Diễn đàn Quốc hội đã có nhiều đại biểu quốc hội, kể cả lãnh đạo bộ, ngành cũng đã được tự mình trải nghiệm thủ tục “hành là chính” này. Nó là sự khó chịu rất khó gọi tên.

Một bộ hồ sơ khi nộp lên cơ quan Nhà nhà nước, thay vì một lần chỉ ra các lỗi thì mỗi lần chỉ một lỗi nhỏ bé, “trò chơi đuổi bắt chữ” này có khi kéo dài hàng tháng trời. Với mỗi công dân hay mỗi DN thì là sự phiền toái, sự khó chịu nhưng nhìn tổng thể cả nền kinh tế thì sự phiền hà này đang tạo ra sự tốn kém về chi phí, sự rủi ro trong thực hiện thủ tục và sự kém cạnh tranh của cả DN và nền kinh tế.

Qua thực tiễn hoạt động, VCCI nhận thấy tình trạng mỗi thủ tục hành chính được ban hành ở các văn bản quản lý chuyên ngành khác nhau do các cơ quan khác nhau soạn nên có sự không thống nhất và đồng bộ. Ví dụ, có một vài thủ tục thì không quy định thời gian thực hiện, một vài thủ tục khác lại có những quy định rất tiến bộ như cán bộ chỉ được hướng dẫn hồ sơ 1 lần bằng văn bản, không được yêu cầu thêm các hồ sơ khác hay nếu cơ quan có thẩm quyền chậm trả lời thì coi như đồng ý với đơn của người dân và DN. Do đó, cần có chương trình rà soát lại các thủ tục hành chính hiện có và xây dựng văn bản pháp luật để xác lập quy chuẩn cho các thủ tục hành chính. 

Cần cấm việc các cơ quan hành chính yêu cầu thêm các thành phần hồ sơ, nội dung kiểm tra thực tế vượt quá yêu cầu của văn bản pháp luật quy định về thủ tục hành chính đó. Khi ban hành các thủ tục hành chính phải quy định rõ về thời gian thực hiện, trả lời…

Hiện có lẽ đã qua giai đoạn thảo luận về vai trò, tầm quan trọng của khu vực DN tư nhân tại Việt Nam. Thực tiễn đã chứng minh, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ghi nhận. Vấn đề quan trọng nhất là có một chiến lược phù hợp để thúc đẩy khu vực này phát triển, đưa ra được các giải pháp tháo gỡ những rào cản đang ngăn cản khu vực này phát triển mạnh mẽ. Suy cho cùng, nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới có phát triển, có cạnh tranh hay không phụ thuộc phần lớn vào khu vực tư nhân trong nước…

Sau hai năm thực hiện Nghị quyết, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng và có những đóng góp ngày càng tăng đối với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội.

Số lượng doanh nghiệp gia tăng mạnh từ 655.000 năm 2017 lên 730.000 vào năm 2018 và đạt 743.409 vào cuối quý I năm 2019. Trong đó, phong trào khởi nghiệp nở rộ, với khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vào năm 2018. Tổng vốn đăng ký mới tăng từ 1.295.911 tỷ đồng vào năm 2017 lên 1.478.100 tỷ đồng vào năm 2018. Mỗi năm (2017 và 2018), có hơn 1,1 triệu việc làm mới được tạo ra. Riêng quý I năm 2019, 375.500 tỷ đồng vốn đầu tư mới và gần 320.000 việc làm mới đã được bổ sung vào nền kinh tế. Quy mô của nhiều doanh nghiệp ngày càng mở rộng, một số doanh nghiệp đạt tổng tài sản đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và sử dụng hàng chục nghìn lao động.

Khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm khoảng 40% GDP cả nước; tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp tư nhân (không tính loại hình cá thể, hộ gia đình) đạt gần 12% vào năm 2017, cao hơn mức chung của nền kinh tế cùng năm (6,81%); khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế tập thể chiếm 26% giá trị xuất khẩu, 34% giá trị nhập khẩu, đóng góp 32,26% vào ngân sách nhà nước năm 2017 và 38,20% năm 2018, vượt đáng kể so với mức 29,43% của 2016, là năm chưa ban hành Nghị quyết.


Nguồn lực trong doanh nghiệp tư nhân không thiếu

Trong số 2.500 doanh nhân có mặt tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, diễn ra trong hai ngày 2 - 3/5, có nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm có quy mô lớn nhất Việt Nam. Không chỉ có mặt, họ còn đưa ra những cam kết thực sự “nặng ký”.

Bà Thái Hương, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cam kết huy động nguồn lực để hỗ trợ Chính phủ thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đánh giá thị trường trọng điểm cho các sản phẩm nông nghiệp và xây dựng lộ trình, giải pháp chinh phục các thị trường này. Nguồn lực để thực hiện thí điểm việc kết nối một số chuỗi giá trị gắn với thị trường mục tiêu cũng được các doanh nghiệp tư nhân cam kết huy động.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC cam kết huy động nhân lực, nguồn lực tài chính và các điều kiện cần thiết khác để ủng hộ Chính phủ, quyết tâm đưa Việt Nam trở thành một “digital hub” - tức là một trung tâm của khu vực về chuyển đổi - kết nối - lưu trữ... số.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital cũng nhắc tới nguồn lực tư nhân trong nước và quốc tế có thể huy động để thực hiện các nghiên cứu chất lượng, hỗ trợ quá trình xây dựng chiến lược phát triển thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng, cũng như tìm kiếm giải pháp, triển khai thực hiện chiến lược của Chính phủ và bộ chuyên ngành. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu xây dựng, thí điểm và vận hành Quỹ Hưu trí tự nguyện và Quỹ Đầu tư bất động sản trên thị trường ngay trong năm 2019, nếu Chính phủ ủng hộ”, ông Don Lam nói.

Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup khi nhắc tới quá trình thay đổi toàn diện của tập đoàn, với tầm nhìn dài hạn là trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - thương mại và dịch vụ đẳng cấp quốc tế, đã không quên gắn với khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt Nam có tầm vóc thế giới, mang lại sự thay đổi đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. “Các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể đóng góp hơn nữa cho GDP và tạo ra nhiều việc làm, nếu sẵn sàng đổi mới, sáng tạo và được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thức sản xuất hiện đại”, ông Huệ nhấn mạnh.


Đậu Anh Tuấn
Trưởng Ban Pháp chế
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam