Đón 3,6 triệu lượt khách du lịch

Kết thúc năm 2018, du lịch Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc, cả 2 chỉ tiêu doanh thu du lịch và lượt khách đều đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Toàn tỉnh đón 3,6 triệu lượt khách, đạt gần 103% kế hoạch, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch đạt 800 tỷ đồng, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2017.

Thương hiệu du lịch Đồng Tháp được đẩy mạnh xúc tiến thông qua nhiều hoạt động quảng bá ở tầm khu vực, quốc gia và quốc tế, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước. Nổi bật là việc tỉnh đã tổ chức thành công Tuần lễ Văn hóa Du lịch tại Khu du lịch văn hóa Phương Nam và Tuần lễ Du lịch Đồng Tháp năm 2018 tại Khu di tích Gò Tháp, với nhiều hoạt động phong phú, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh đến với du khách.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2018, Đồng Tháp đã triển khai, phát triển mô hình du lịch cộng đồng lưu trú tại nhà dân (homestay), du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch cộng đồng tại Làng hoa Sa Đéc, Làng bột Tân Phú Đông (TP Sa Đéc); Vườn cam quýt hồng ở huyện Lai Vung; Làng du lịch cộng đồng Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh), Làng du lịch xanh Cồn Phú Mỹ - Thanh Bình…

Đặc biệt, với sự hoàn thiện mô hình du lịch homestay tại Làng hoa Sa Đéc; homestay Ngôi nhà quýt tại Lai Vung; homestay Huỳnh gia tại Lấp Vò; homestay Tư cá linh tại Tràm Chim (huyện Tam Nông) bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo sự chú ý của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và các cơ quan truyền thông.

Các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh đã định vị được sản phẩm du lịch đặc trưng riêng. Từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tiện nghi khang trang, chất lượng, tạo cảnh quan xanh sạch đẹp… Kết nối và đưa vào quảng bá khai thác các tour du lịch mới thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch được chú trọng mang lại hiệu ứng tích cực.

Làng hoa Sa Đéc thu hút đông đảo du khách vào dịp Tết. Ảnh: CN

 

Chia không gian du lịch theo cụm

Theo Đề án Phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách du lịch vào năm 2020; doanh thu đạt 900 - 1.000 tỷ đồng. Kế hoạch đến năm 2030, Đồng Tháp sẽ thu hút 5,65 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó có 160.000 khách du lịch quốc tế. Tổng doanh thu du lịch đạt 2.000 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020, tăng trưởng bình quân 7%/năm…

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Đồng Tháp đã và đang cơ cấu lại hoạt động du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù; du lịch văn hóa lịch sử, lễ hội, tâm linh; du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch công nghệ cao, làng nghề truyền thống; du lịch homestay; du lịch ẩm thực kết hợp mua sắm đặc sản địa phương…

Đặc biệt, không gian du lịch sẽ phát triển theo cụm, trong đó TP Cao Lãnh và các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình phát triển loại hình sản phẩm du lịch tham quan sinh thái rừng tràm ngập nước gắn với các trò chơi thể thao cảm giác mạnh; du lịch về nguồn tìm hiểu lịch sử cách mạng; du lịch nghỉ dưỡng ven sông Tiền; du lịch ẩm thực gắn với mua sắm đặc sản địa phương; du lịch lễ hội, văn hóa tâm linh; du lịch trải nghiệm nông nghiệp xanh công nghệ cao gắn với làng nghề thủ công tiêu biểu của địa phương.

Cụm TP Sa Đéc và các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò sẽ tập trung vào các sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội hoa gắn với tham quan đường hoa, công viên hoa, kiến trúc cổ và mua sắm; du lịch homestay để trải nghiệm làng nghề truyền thống; du lịch nghỉ dưỡng tại các cồn, ngắm cảnh quan ven sông Tiền, sông Hậu.

Thị xã Hồng Ngự và các huyện Hồng Ngự, Tam Nông và Tân Hồng với điểm nhấn là các sản phẩm du lịch tham quan sinh cảnh đất ngập nước gắn với tìm hiểu đa dạng sinh học vùng Đồng Tháp Mười; du lịch trải nghiệm cuộc sống ngư dân mùa nước nổi gắn với tham quan bãi chim sinh sản tại Vườn quốc gia Tràm Chim; du lịch khám phá vùng biên giới gắn với thương mại dịch vụ.

Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: CN

 

Phát triển theo hướng chuyên nghiệp

Nhằm tạo đột phá trong phát triển du lịch, Đồng Tháp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của đề án phát triển du lịch đến năm 2020 gắn với đề án tạo dựng hình ảnh địa phương; xây dựng hệ thống dịch vụ thương mại, nhà hàng đặc sản, khu sản phẩm làng nghề truyền thống, quà lưu niệm, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại các điểm dừng nghỉ, điểm tham quan du lịch cộng đồng, quầy thông tin du lịch…

Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối tới các khu, điểm du lịch trọng điểm, các bãi đỗ xe, bến tàu khách du lịch; tập trung mời gọi đầu tư, từng bước hình thành hệ thống các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp; tổ hợp khách sạn kết hợp trung tâm thương mại, hội nghị, hội thảo; phát triển các cơ sở lưu trú du lịch gần gũi với thiên nhiên phục vụ loại hình du lịch sinh thái. Nâng cấp các điểm du lịch trọng điểm Tràm chim, Gáo Giồng, Xẻo Quít, làng Hòa An thuộc Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc và Gò Tháp… để thu hút và giữ chân khách du lịch.

Là địa phương nổi tiếng với các sản phẩm được làm từ sen, Đồng Tháp đặc biệt quan tâm các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ cây sen; đưa hình ảnh hoa sen và các sản phẩm từ sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc thù…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương, với các chương trình, kế hoạch cụ thể, Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ định hình mô hình phát triển với các nét văn hóa, lợi thế đặc trưng tại các tuyến, điểm du lịch trọng điểm. Qua đó, tạo nên một bức tranh du lịch Đồng Tháp hoàn thiện và khác biệt, vươn lên tốp đầu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Đồng Tháp sẽ phát triển bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, khẳng định được thương hiệu du lịch, hình ảnh địa phương. Du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có chiều sâu, đảm bảo chất lượng cũng như hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người dân.

Cảnh Nhật