Xưởng chế biến mỡ không phép

Việc thứ nhất: Theo phản ánh của người dân thôn Trà Kiệu Tây, Duy Sơn tại khu vực Đồng Cau mọc lên một cơ sở chế biến, sản xuất mỡ động vật không phép, gây ô nhiễm môi trường từ năm 2017 đến nay làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Cơ sở này là của ông Nguyễn Văn Đông (trú Nam Phước, Duy Xuyên). Ông Đông thuê hơn 320m2 đất vườn của ông Phan Thanh Sương (trú ở thôn Trà Châu, Duy Sơn) xây dựng lò rán mỡ động vật, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực.

Hàng ngày, cơ sở này thu mua hàng tấn mỡ động vật từ nhiều nơi, không rõ nguồn gốc, tổ chức rán lấy mỡ. Việc xử lý mỡ, rán mỡ gây bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến các khu dân cư quanh khu vực, nước thải từ cơ sở rán mỡ chảy xuống đồng ruộng xung quanh, ảnh hưởng đến việc canh tác, sản xuất của bà con nông dân.

Điều đáng nói, cơ sở chế biến mỡ động vật này không có giấy phép kinh doanh, không có đăng ký các biện pháp bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật. Trong tình hình hiện nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm nhất là dịch tả lợn châu Phi đang diễn ra hết sức phức tạp, việc tồn tại cơ sở này là vô cùng nguy hiểm, chính quyền và ngành chức năng địa phương cần phải nhanh chóng có biện pháp xử lý.

Dù ống khói cơ sở chế biến mỡ đã được nâng cao, nhưng vẫn chưa hết mùi hôi. Ảnh: ĐB

 

Ông Nguyễn Phước Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết, trước những kiến nghị của người dân, ngày 13/3/2019, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (QLCLNLS-TS) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Quảng Nam đã tiến hành xác minh, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh mỡ động vật của ông Nguyễn Văn Đông và đi đến kết luận: “Tại thời điểm kiểm tra, tại khu vực cơ sở sản xuất không có mùi hôi, do có cải tiến về nắp đậy lò nấu mỡ và nâng cao ống khói. Cơ sở cần liên hệ với các cơ quan quan trắc môi trường để cải tiến hệ thống xử lý mùi đạt hiệu quả hơn. Cơ sở cần tiến hành ghi chép để có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu từ các vùng công bố dịch bệnh. Nếu để xảy ra dịch trên địa bàn, cơ sở phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”...

Dù đã hoạt động từ năm 2017 với hình thức doanh nghiệp, tuy nhiên qua 3 lần kiểm tra để cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đều bị Chi cục QLCLNLS-TS xếp loại không đạt (loại C). Buộc cơ sở này phải tạm ngừng hoạt động để sửa sang cơ sở vật chất, hoàn thiện các hồ sơ thủ tục theo quy định. Đến tháng 1/2019, cơ sở tiếp tục hoạt động trở lại với hình thức hộ kinh doanh và được Phòng NN-PTNT huyện Duy Xuyên kiểm tra để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xếp loại B, nhưng vẫn chưa cấp giấy chứng nhận.

Hiện người dân ở thôn Trà Kiệu Tây vẫn cho rằng, kết luận như vậy là chưa thuyết phục vì chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng vẫn để cơ sở này tiếp tục hoạt động là trái quy định.

Khu du lịch sinh thái không phép được xây dựng cách đây gần nửa năm, đến nay địa phương mới phát hiện. Ảnh: ĐB

 

Khu du lịch sinh thái không phép

Việc thứ hai: Khu rừng thuộc thôn Trà Lý, xã Duy Sơn được tỉnh Quảng Nam quy hoạch là rừng phòng hộ vào năm 2017, mặc dù chưa được cấp phép nhưng chủ đầu tư đã ngang nhiên xây dựng một khu du lịch sinh thái quy mô lớn tại đây từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Trên con đường dẫn vào khu du lịch sinh thái có đặt tấm biển rất lớn: “Không tác động vào rừng phòng hộ tự nhiên…”, nhưng tại khu du lịch sinh thái được bao bọc bởi hàng rào thép lưới B40 và trước cổng có xây dựng chốt bảo vệ lại có hẳn tấm bảng ghi: “Gia tư riêng, vui lòng không tham quan”. Bên trong, giữa ao sen đang xây dựng hai ngôi nhà gỗ, mỗi ngôi nhà khoảng 100m2 nằm trên hai sàn bê tông kiên cố, cạnh đó là nhiều căn nhà lá đã hoàn thành.

Về việc này, ông Nguyễn Phước Minh, Phó Chủ tịch xã Duy Sơn cho biết, công trình này khởi công từ đầu tháng 10/2018, nằm trên phần đất rừng phòng hộ với diện tích khoảng 2,9ha. Tổng diện tích xây dựng trên diện tích 0,9ha. Chủ sở hữu của khu du lịch sinh thái này là ông Ngô Phi Nhị, con trai ông Ngô Bốn hiện là Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Duy Xuyên.

Cũng theo ông Minh, trước đây cả vùng này có khoảng 1.000ha rừng sản xuất. Đến năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam đưa toàn bộ vào thành rừng phòng hộ. Trong 1.000ha, có 3 hộ có “bìa đỏ” và ông Ngô Phi Nhị đã làm việc với các hộ này để xin chuyển nhượng 2,9ha. Ban đầu chủ đầu tư chỉ xin phép xã cho cải tạo trồng hoa màu, cây ăn quả để phát triển kinh tế… chứ địa phương không cho phép xây dựng quy mô như thế này.

Khu du lịch sinh thái xây dựng chui đang được tháo dỡ. Ảnh: ĐB

 

Khi khu du lịch sinh thái đồ sộ mọc lên UBND xã mới hay và lập đoàn kiểm tra, lập biên bản đình chỉ, yêu cầu ngưng ngay mọi hoạt động làm ảnh hưởng đến chức năng rừng phòng hộ, đồng thời báo cáo sự việc lên huyện Duy Xuyên.

Nhận được thông tin, ông Nguyễn Công Dũng, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên đã chủ trì họp và chỉ đạo lập biên bản đình chỉ, xử phạt hành chính và buộc tháo dỡ công trình.

Trước sự cương quyết của lãnh đạo UBND huyện Duy Xuyên, chủ đầu tư buộc phải tự nguyện tháo dỡ. Theo ghi nhận của chúng tôi tại thời điểm ngày 23/3/2019 (tức sau 5 ngày tháo dỡ), nhiều hạng mục đã được tháo dỡ, hiện khó khăn nhất là việc phá bỏ hai sàn bê tông kiên cố.

Báo Thanh tra sẽ thông tin tiếp về vụ việc này

Đức Bình