Rất nhiều “viên ngọc minh châu”

Nhắc tới Quảng Ninh, người ta nghĩ ngay đến biển. Điều đó không sai, bởi Quảng Ninh có đường bờ biển dài tới 250 km, trong đó có 40.000 hecta bãi triều và trên 20.000 hecta eo vịnh. Chưa kể hơn 2.000 hòn đảo lớn nhỏ, chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước. Thế nhưng người ta mới chỉ biết nhiều đến Vịnh Hạ Long - Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. 

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có quần thể Vịnh Bái Tử Long với khoảng 600 hòn đảo đất và đảo đá, biệt lập với đất liền có cảnh quan đặc sắc, đa dạng.

Từ khi cao tốc Hạ Long - Vân Đồn cùng với sân bay Quốc tế Vân Đồn được khánh thành, cả một không gian biển đảo rất lớn của Quảng Ninh, ngoài Hạ Long, đã mở ra cho khách du lịch. Từ đây, việc du lịch các hòn đảo xa của Quảng Ninh như Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Cô Tô trở nên thuận tiện hơn trước rất nhiều. Đây là những “viên minh châu” giữa biển khơi, mang vẻ đẹp không thua kém những hòn đảo nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt là còn rất hoang sơ.


Đảo Cô Tô với màu nước biển được nhà văn Nguyễn Tuân từng ca ngợi “xanh như một niềm hy vọng trên cửa biển”. Bãi biển Trà Cổ được ví như bãi biển trữ tình nhất Việt Nam… Nhưng năm 2018, Cô Tô chỉ đón 240.000 lượt khách, còn Trà Cổ (Móng Cái) mỗi năm cũng chỉ đón từ 150.000- 160.000 ngàn lượt khách đến tham quan nghỉ dưỡng.

Quảng Ninh không chỉ có biển. Nếu như phía đông của tỉnh nghiêng mình về Vịnh Bắc Bộ thì phía tây của tỉnh lại tựa lưng vào núi rừng trùng điệp - khu vực có rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá. Vùng núi Tiên Yên - Ba Chẽ - Bình Liêu bắt đầu được một số “phượt thủ” ưa mạo hiểm biết đến, bên cạnh những tuyến đường quen thuộc như Hà Giang hay Sơn La - Điện Biên.


Trong đó, Bình Liêu là huyện biên giới giáp Trung Quốc, được dân phượt ví von với “Sa Pa của vùng Đông Bắc”, “thiên đường cột mốc”. Du khách có thể đến Bình Liêu quanh năm. Mỗi mùa, mỗi tháng lại có những cái hay, cái đẹp khác nhau. Đầu mùa xuân có các lễ hội đậm đà bản sắc của người dân tộc Tày, Dao như lễ hội đình Lục Nà, hội hát Soóng Cọ giao duyên, ngày "kiêng gió", lễ mừng cơm mới, chợ tình. Đầu mùa hè là dịp hoa trẩu nở rộ tuyệt đẹp. Mùa thu được ngắm thác nước và ruộng bậc thang xanh rì, ngắm những đồi cỏ lau bạt ngàn, biếc tím. Mùa đông là mùa thu hoạch và có lễ hội hoa sở.

Bình Liêu còn là nơi mọi du khách đều mong một lần đến để "săn mây", trên những đỉnh núi cao trên 1.000 mét, đặc biệt nhất là đỉnh Cao Xiêm cao 1.429m, được ví như "nóc nhà Quảng Ninh".


Đó là chưa kể đến hàng trăm di sản văn hoá phi vật thể bao gồm các lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian. 4 di sản đã được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, gồm: Nghi lễ then cổ của người Tày (Bình Liêu), hát nhà tơ - hát (múa) cửa đình, lễ hội đền Cửa Ông (Cẩm Phả), lễ hội miếu Tiên Công (Quảng Yên).

Quảng Ninh được ví với “Việt Nam thu nhỏ”, nhưng để rất nhiều điểm đến đẹp chẳng ai biết, ít người hay, Quảng Ninh vẫn đang lãng phí tiềm năng.

Thay đổi, để đạt mục tiêu 50 triệu khách

Năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đón 12,2 triệu lượt khách du lịch (gấp 10 lần dân số của tỉnh), tăng 24% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt, tăng trên 22% so cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 24.000 tỷ đồng, tăng trên 28% so với cùng kỳ năm 2017.


Riêng 9 tháng đầu năm nay, khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 11,3 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 4,1 triệu lượt, tăng 14%, doanh thu từ du lịch tăng 29% so với cùng kỳ.

Rõ ràng, dù mới chỉ khai thác rất ít tiềm năng, nhưng du lịch Quảng Ninh đã có được những thành tựu nhiều địa phương mơ ước. Nếu như những điểm đến đầy tiềm năng khác của tỉnh được chú tâm đầu tư, rất có thể, con số du khách đến Quảng Ninh sẽ không chỉ gấp 10 lần dân số tỉnh như hiện nay, mà sẽ gấp nhiều lần hơn nữa.

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Chúng ta còn nhiều việc phải làm như mở rộng khai thác Vịnh Bái Tử Long, các đảo như Quan Lạn, Minh Chậu. Mở rộng các loại hình dịch vụ như du lịch tâm linh, du lịch biển mở rộng, du lịch khám phá tại Bình Liêu - Ba Chẽ, du lịch nông nghiệp tại Đông Triều, Quảng Yên. Như vậy mới kéo dài thời gian lưu trú của du khách.


Hiện tại, những con đường kết nối du khách đến các tuyến điểm du lịch như Quan Lạn, Minh Châu… đã và đang được Quảng Ninh cùng các nhà tập đoàn lớn đầu tư xây dựng đồng bộ, như cao tốc Hạ Long -Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái do Sun Group xây dựng. Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, cũng do Tập đoàn này đầu tư, sẽ giúp Quảng Ninh thu hút lượng khách quốc tế không nhỏ, nhất là khi sắp tới nhiều đường bay mới được mở. Và tương lai, khi tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hoàn thành, khách du lịch sẽ không tốn quá nhiều thời gian để đến với bãi biển Trà Cổ còn rất hoang sơ. Việc còn lại chỉ là làm thế nào để các điểm đến có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng đón dòng khách lớn, mà điều này, Quảng Ninh đã quá nhiều kinh nghiệm đầu tư, với sự góp mặt của những tên tuổi lớn như Sun Group, Vingroup, BIM group, hay FLC…

“Tỉnh sẽ tăng cường hình thành các sản phẩm du lịch mới, đầu tư tôn tạo các bãi biển, sớm đưa dự án trọng điểm như suối khoáng Quang Hanh vào hoạt động. Một điểm cần lưu ý khi đạt khoảng 20 triệu khách đòi hỏi phải có nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực quản lý, chuyên sâu về du lịch - dịch vụ”, ông Phạm Ngọc Thủy cũng chỉ ra những việc mà ngành du lịch tỉnh sẽ và cần làm ngay trong thời gian tới.

Quyết liệt và dám nghĩ, dám làm, Quảng Ninh sẽ khiến du khách bất ngờ hơn nữa về điểm đến này. Và cái đích để trở thành “một trung tâm du lịch quốc tế” đầy sức cuốn hút cũng sẽ không còn cách bao xa, bởi đây là một trong những tỉnh thành thu hút được nhiều tên tuổi nhà đầu tư lớn nhất cả nước.