Theo đó, lễ hội mùa Hè Sa Pa năm 2018 và khai trương Cổng Thông tin du lịch tỉnh Lào Cai sẽ được khai mạc vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 28/4, tại Sân quần trung tâm thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa. “Tại lễ khai mạc sẽ có nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ mang đậm nét văn hóa của các đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai”, ông Thắng cho biết.

Sau khi kết thúc lễ khai mạc là phiên chợ tình Sa Pa được diễn ra từ 22 giờ cùng ngày tại các tuyến phố Thác Bạc, Cầu Mây, Hàm Rồng, Xuân Viên, thị trấn Sa Pa. Trong phiên chợ tình sẽ có các nghi thức hát giao duyên của người Dao đỏ, hẹn hò giao duyên của người Mông…

Tiếp đến là lễ hội đường phố được tổ chức vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 29/4, tại Sân quần trung tâm thị trấn Sa Pa, sau đó di chuyển đến sân bến xe cũ, ngã ba điện lực Sa Pa. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức những màn trình diễn văn nghệ dân gian các dân tộc; lễ đón dâu của dân tộc Dao; lễ đón then về ăn Tết, điệu xòe của dân tộc Tày; lễ cúng Tết đầu năm của dân tộc Giáy...

Diễn ra cùng thời điểm là lễ hội trên Mây - Sa Pa, được khai mạc vào lúc 9 giờ ngày 28/4 tại khu du lịch sinh thái Hàm Rồng - thị trấn Sa Pa và kết thúc vào cuối ngày 1/5. Tại đây sẽ có chương trình biểu diễn văn nghệ, thi đấu các môn thể thao dân tộc truyền thống; trình diễn văn hóa ẩm thực với chủ đề "Chợ vùng cao"; trưng bày ảnh "Sa Pa giữa trời mây trắng"; giải leo núi chinh phục đỉnh Hàm Rồng.

Ngày hội văn hóa Bản Mông Cát Cát được diễn ra từ ngày 28/4 - 2/5 tại Sân ngắm thác khu du lịch Cát Cát với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc Mông. Trong 2 ngày 29 - 30/4 sẽ diễn ra chương trình ca nhạc với các ca khúc ca ngợi quê hương đất nước do các đoàn văn nghệ của huyện Sa Pa biểu diễn tại Sân quần thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa.

Ngày hội khám phá văn hóa các dân tộc xã Tả Phìn được diễn ra từ ngày 28/4, tại xã Tả Phìn, huyện Sa Pa. Công bố và đón nhận bằng chứng nhận Di sản Văn hóa cấp quốc gia danh lam thắng cảnh động Tả Phìn và Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nghề thủ công truyền thống chạm khắc bạc của người Dao đỏ huyện Sa Pa. Tham gia các hoạt động sản xuất với nông dân; các hoạt động văn hóa tại khu chợ văn hóa bản Tả Phìn; trải nghiệm hái lá thuốc của đồng bào dân tộc Dao đỏ, làm các công đoạn nấu thuốc tắm, cách sử dụng thảo dược và chuẩn bị thuốc tắm...

Bên cạnh đó là các hoạt động: Trưng bày hoa, cây cảnh; triển lãm ảnh nghệ thuật "Đất và người Sa Pa"; không gian văn hóa, các sản phẩm đặc hữu của 5 dân tộc: Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó trên địa bàn huyện Sa Pa; trải nghiệm vườn hoa, cây ăn quả Sa Pa; ngày hội văn hóa du lịch huyện Tam Đường - tỉnh Lai Châu tại Sa Pa…

Theo ông Thắng, công tác chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội mùa Hè Sa Pa năm 2018 đang được các đơn vị khẩn trương triển khai với tiêu chí, du khách về với lễ hội sẽ hài lòng. 

Trần Quý