Tiên cảnh giữa núi rừng

Là một trong hai ngôi chùa Hương nổi tiếng nhất của Việt Nam được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XIII dưới thời nhà Trần. Chùa ngự trên lưng chừng đỉnh Ngàn Hống, thuộc dãy Hồng Lĩnh, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, xếp vào 21 thắng cảnh nổi tiếng nhất của nước Nam xưa.

Theo truyền thuyết, chùa Hương là nơi công chúa Diệu Thiện - con gái út của Sở Trang Vương bên Tàu đã tu hành đắc đạo, hóa phật, cứu độ chúng sinh.

Từ quốc lộ 1A ngang qua thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, đi khoảng 5km về hướng Đông thì tới chân núi Hồng Lĩnh. Từ đây, chúng ta có thể đi bộ ven triền núi đến miếu Linh Sơn, hoặc đi thuyền trên lòng hồ nhà Đường khoảng 1,5km tới miếu Cô, thì dừng lễ trình trước khi lên chùa.

Ngôi chùa là một quần thể kiến trúc nằm trên đỉnh núi Hương Tích - một trong những ngọn núi đẹp nhất dãy Hồng Lĩnh. Các hạng mục công trình được nằm rải rác và được chia thành 3 khu lớn, đó là: Thượng Điện, đền Thiên vương và am Thánh mẫu. Xung quanh chùa còn có nhiều thắng tích, kỳ quan như: Động Tiên Nữ có 36 cửa vào, am Phun Mây, Miếu Cô, khe Tiên Tắm, suối Hương Tuyền, đập nhà Đường...

Chùa Hương Tích nằm sâu trong những bóng cây, cao khuất thường có mây mù bao phủ tạo nên không gian đầy huyền bí, mang vẻ đẹp tâm linh của người Việt từ xa xưa. Con đường đi lên chùa được bao bọc bởi rừng cây xanh mát quanh năm. Các bậc đá thoai thoải nên khá dễ đi, chỉ có một vài đoạn hơi dốc một chút. Khung cảnh hoang sơ, huyền bí cùng mùi hương khói tỏa ra trong không gian tĩnh lặng yên ả của một miền rừng núi tĩnh mịch, khiến tâm hồn khách hành hương được tĩnh lặng, thoát khỏi bao bộn bề của cuộc sống.

Chùa Hương Tích còn được đi vào thơ ca Việt Nam để nói lên vẻ đẹp tâm linh, huyền bí. Trong chuyến thăm chùa năm 1794, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp miêu tả Hương Tích đẹp nhất trong những ngọn núi Ngàn Hống:

Hương Tích ngôi chùa đời Trần/ Dựng trên ngọn núi đẹp nhất Ngàn Hống/ Am cũ còn lưu lại đá trắng/ Nền Trang Vương xưa chỉ những thông xanh...

Hay dưới con mắt của Thái Thuận, phó nguyên suý Tao Đàn của Lê Thánh Tông, trong bài thơ “Bỗng nhớ chùa Hương Tích”, chùa Hương Tích nổi lên như một bức tranh sơn thủy hữu tình, có suối, đá, mây:

Khe suối đá gập ghềnh/ Dấu Quan Âm ẩn náu/ Am Thánh Mẫu tu hành/ Biết gì ngoài mây rũ/ Muôn thuở tiếng Châu Hoan.

Lễ hội chùa Hương Tích thường sẽ kéo dài từ ngày 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Hàng năm, trước, trong và sau lễ hội, hàng ngàn lượt người không quản ngại đường đi, núi cao cheo leo, đến trẩy hội, cầu may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Trong số đó, du khách đến từ các tỉnh lân cận chiếm con số không nhỏ.

Điều đặc biệt ở đây là về với chùa Hương, du khách không chỉ để thắp những nén nhang hướng về cõi Phật, mà có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ của non nước, mây trời Hà Tĩnh. Đứng trên đỉnh núi, toàn bộ quang cảnh của núi rừng hay xa xa là những khu dân cư sẽ nằm gọn trong tầm mắt .

“Tháng hai lộc biếc xanh rờn

Em về lễ hội chùa Hương anh chờ

Đất trời Can Lộc nên thơ

Đường lên hương khói xa mờ thinh không”.

Sẵn sàng cho lễ, hội năm 2020

Cảnh đẹp nên thơ, tâm tĩnh trong phật pháp là vậy, nhưng trước đây, mỗi lần về chùa Hương, nếu du khách mang theo lễ vật đi bộ leo dốc 3,5km mới đến ga cáp treo thì rất vất vả. Người lớn đã đành, nếu cho trẻ con đi theo thì càng phức tạp hơn.

Trưởng Ban Quản lý Du lịch chùa Hương Nguyễn Duy Vị cho biết, trước đây, để đi lên chùa Hương Tích, du khách chỉ có 2 lựa chọn: Hoặc là đi bộ quãng đường dốc gồm nhiều bậc đá gần 5km, hoặc đi thuyền quãng đường 1,5km trên đập nhà Đường rồi đi bộ quãng đường còn lại. Con đường nào cũng khá vất vả khiến mỗi lần du khách hành hương về chùa tốn nhiều công sức và thời gian.

Mặc dù năm 2012, Ban Quản lý chùa Hương Tích đã đưa hệ thống cáp treo vào sử dụng, nhưng hệ thống này cũng chỉ rút ngắn lộ trình được 1,5km từ am Thánh Mẫu lên chùa chính; quãng đường núi 3,5km là một thách thức với nhiều người.

Mặt khác, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ không chỉ gây trở ngại với du khách, người làm dịch vụ kinh doanh… mà công tác quản lý của Ban Quản lý chùa Hương Tích cũng gặp nhiều khó khăn, khi chùa chính cách phòng điều hành gần 5km, đường sá đi lại không thuận tiện.

Tuy vậy, trong năm 2019 này, chùa Hương Tích cũng đã đón được 14 vạn lượt khách đến hành hương, vãn cảnh thăm chùa.

Ông Vị cho hay, năm 2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh triển khai dự án “Cải thiện vệ sinh môi trường Khu du lịch chùa Hương Tích” và đang gấp rút hoàn thành các hạng mục để đưa vào sử dụng đầu năm 2020, hứa hẹn sẽ đưa địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của Hà Tĩnh lên một tầm cao mới.

“Đến thời điểm này, các hạng mục chính của dự án đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến trước tết Canh Tý, những hạng mục này sẽ kịp thời đưa vào phục vụ du khách vào mùa lễ hội chùa Hương đầu năm 2020”, ông Vị chia sẻ.

Một trong những hạng mục quan trọng nhất của dự án là con đường nối từ khu vực đón tiếp đến ga cáp treo có chiều dài 3,5km, rộng 7,5m đến nay đã hoàn thành.

Hệ thống xe điện được đưa vào sử dụng, vận hành trên con đường này sẽ giúp du khách rút ngắn thời gian hành trình từ khu đón tiếp đến chùa Hương từ 2 - 3 tiếng như trước đây xuống còn khoảng 30 phút.

Chùa Hương Tích nhìn từ trên cao. Ảnh: Thái Hải

Ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cũng khẳng định nét đặc trưng của khu du lịch chùa Hương Tích, Hà Tĩnh.

“Chùa Hương Tích không những linh thiêng nổi tiếng, mà còn là danh thắng của đất nước. Lễ hội chùa Hương là một nét đẹp văn hoá truyền thống, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân”, ông Cường nhấn mạnh

Do đó, ngay khi lễ hội năm 2019 bắt đầu, công tác chuẩn bị chu đáo, an ninh trật tự được chú trọng. Trong năm 2019, hành khách đã cảm nhận trong suốt hành trình không còn cảnh người ăn xin chèo kéo du khách, thay vào đó là cảnh người dân bán hàng rất trật tự. Cảnh chen lấn, xô đẩy tại bến thuyền, tại khu vực chính của chùa không còn diễn ra như những năm trước.

Hiện nay, trước thềm lễ hội năm 2020, ngay từ tháng 12/2019, UBND huyện Can Lộc đã họp với Ban quản lý chùa Hương Tích để triển khai giao nhiệm vụ cho từng bộ phận như an ninh, y tế, vệ sinh môi trường, công tác tiếp đón… tại các khu vực “điểm nóng”...

“Tất cả các điểm dừng nghỉ đều được gắn camera theo dõi, đảm bảo tình hình trật tự khi lượng khách lên chùa. Một số vấn đề về xe ôm, xử lý rác trên chùa, đơn vị cùng chính quyền, công an phối hợp và xử lý, đảm bảo trật tự mùa lễ hội”, ông Cường cũng cho biết.

Rời quê hương núi Hồng, sông La khi mùa lễ hội năm 2020 đã gần đến, ta vẫn nghe đâu đâu tiếng chim hót, cùng tiếng suối chảy róc rách và tiếng chuông chùa vang vọng từ đỉnh núi, kết hợp với ánh nắng xuyên qua kẽ lá, những làn gió mát rượi, một không gian thanh tịnh của mảnh đất Phật thực sự khiến lòng người trở nên nhẹ nhõm.

Thái Hải