Bài phát biểu nêu rõ, trong 30 năm đổi mới, ngành Du lịch luôn được Đảng ta xác định là ngành kinh tế mũi nhọn; có lợi thế, giá trị gia tăng cao cần ưu tiên phát triển. Những năm gần đây, du lịch Việt Nam và khu vực Tây Bắc nói chung cùng du lịch Lào Cai nói riêng đã có bước phát triển rõ rệt, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Kinh tế TƯ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: LC 

Sự phát triển của ngành Du lịch thời gian qua thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; các ban, bộ, ngành TƯ; sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc”, Năm Du lịch quốc gia 2017 sẽ góp phần tôn vinh giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh và giúp thế giới biết đến Tây Bắc Việt Nam - vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch; nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em với một không gian văn hóa rất rộng lớn và đa dạng; có cảnh quan hùng vĩ, hệ sinh thái phong phú; nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch lịch sử nổi tiếng gắn với các lễ hội và phong cảnh đẹp; có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt với những địa chỉ vàng trên bản đồ du lịch, như: Đỉnh Fansipan; Ruộng bậc thang Mù Căng Chải; Hồ Pá Khoang; rừng Mường Phăng; Thung lũng Mai Châu; Cao nguyên Mộc Châu; Cao Nguyên Đá Đồng Văn...

“Chúng ta vui mừng trước những bước phát triển của du lịch Lào Cai nói riêng và của Tây Bắc cùng Việt Nam nói chung. Song cũng cần thẳng thắn nhìn nhận sự phát triển như hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa có sự cạnh tranh cao; chất lượng sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, ứng xử văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

 Những tiết mục đặc sắc của vùng Tây Bắc được biểu diễn tại Lễ Khai mạc. Ảnh: LC

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém; nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, chúng ta cần có quyết tâm cao với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương; sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng và nhân dân. Quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển du lịch. Tập trung xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho phát triển du lịch; đưa các chủ trương, chính sách phát triển du lịch vào cuộc sống.

Nghị quyết số 08-NQ/TƯ, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị mới đây đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và Việt Nam sẽ thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cùng lãnh đạo tỉnh Lào Cai cùng tham gia Lễ hội. Ảnh: LC  

“Chúng ta tổ chức khai mạc năm du lịch quốc gia, khởi đầu cho các hoạt động thực hiện mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đất nước; bằng hành động thiết thực của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tôi tin tưởng Du lịch vùng Tây Bắc nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung sẽ có bước phát triển bứt phá trong năm 2017”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.  

 Phát biểu tại Lễ Khai mạc, đồng chí Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Trưởng Ban Tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2017 cho biết, để tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2017 được thiết thực, hiệu quả, Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc với quyết tâm chính trị cao nhất, đã và đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ; liên kết xây dựng và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương và khu vực, như: Du lịch cộng đồng, Du lịch tâm linh dọc Sông Hồng và Sông Đà, Du lịch chinh phục các đỉnh núi cao, Du lịch sắc hoa Tây Bắc, Du lịch chợ phiên vùng cao, Du lịch khám phá cung đường di sản ruộng bậc thang, Hành trình “dấu chân huyền thoại”,… các sản phẩm du lịch trên hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị về văn hóa, cảnh sắc, đất và con người vùng Tây Bắc nói chung và Lào Cai nói riêng.

 Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật tại Lễ Khai mạc. Ảnh: LC

“Với sự đồng thuận cao của các tỉnh khu vực Tây Bắc, chúng tôi tin tưởng sẽ thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu của Chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2017, đưa du lịch của khu vực Tây Bắc phát triển ngày càng bền vững, khẳng định uy tín và thương hiệu trong bản đồ du lịch Việt Nam; là ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá của cả vùng và mỗi địa phương” đồng chí Đặng Xuân Phong nhấn mạnh.

Năm Du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai – Tây Bắc có sự tham gia của 8 tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng, gồm: Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ và Hà Giang. Lễ khai mạc là sự kiện quan trọng nhất trong chuỗi các hoạt động của năm Du lịch quốc gia 2017, được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển mạnh mẽ ngành kinh tế du lịch của Lào cai, khu vực Tây Bắc và cả nước.

Trần Quý