Nhiều tay ảnh chuyên và không chuyên đã về Yên Tử để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp trên non thiêng. Chính vì vậy, lượng khách đến Danh thắng Yên Tử tăng đột biến trong những ngày này, nhất là giới trẻ và du khách nước ngoài.

Trông xa, những Đại lão mai cổ thụ nở vàng rực, như tấm áo cà sa của đức Phật trải rộng trên những cánh rừng.

Du khách thích thú chụp ảnh và nghe giới thiệu về sự tích cây mai vàng
Một "Đại lão" mai chụp từ trên cao

Mai nở thành từng chùm, từng cụm, búp và lá non màu xanh nõn, mọc chụm đầu cành. Cánh hoa  màu vàng chanh tươi, năm cánh hình rẻ quạt, xếp thưa, tách rời nhau, viền cánh hoa lượn sóng, có mùi thơm dịu nhẹ.

Mai vàng Yên Tử là một loài mai sống tự nhiên hoang dã, phát triển thành từng cụm, khu, quần thể dọc theo các vách đá, mỏm núi, rừng cao từ 300 - 800m so với mực nước biển. Vì thế, mai vàng Yên Tử có sức sống vô cùng mãnh liệt.

Cho dù bị bão quật, sét đánh, cháy rừng, chỉ cần còn lại nửa thân, một chút gốc, hay vài chiếc rễ trơ trọi trên vách đá thì vẫn tiếp tục nảy mầm và sinh sôi phát triển, đơm hoa tạo nên những cây mai độc đáo, có hình thù vô cùng đặc sắc.

Cánh hoa màu vàng chanh trả rộng khắp núi rừng Yên Tử

Giống mai vàng được bảo tồn phần nào nhờ vào những viên đá rừng vì rễ mai thường len lỏi trong các khe đá, quấn vào đá để sinh trưởng và tránh bị rửa trôi. Chẳng thế mà một số nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về mai vàng Yên Tử đã gọi đây là mai ký đá bên cạnh những tên gọi thân thuộc khác như kim liên mộc hay mai vàng Yên Tử.

Chỉ có ở núi rừng Yên Tử, loài mai này mới có vẻ đẹp huyền bí

Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đã thốt lên trước vẻ đẹp của loại cây này trong bài thơ Tảo Mai: Gan lì sắt đá nhờn sơn tuyết/Mộc mạc khăn xiêm đón gió Đông.

Truyền thuyết kể rằng, khi Phật hoàng Trần Nhân Tông cởi bỏ long bào, rời kinh kỳ để về chốn non thiêng Yên Tử, lập nên Thiền phái Trúc Lâm, ngài đã cùng các đệ tử trồng những cây mai đầu tiên.

Sau nhiều năm được bàn tay các Phật tử chăm sóc, cùng với sự ưu ái của thiên nhiên, những cây mai nhỏ bé đã biến thành quần thể rừng mai rộng lớn. Tuổi đời của những cây mai này đến nay ngót nghét hơn 700 tuổi và được dân gian gọi với cái tên rất trân trọng: Đại lão Mai vàng Yên Tử.

Hiện nay, hầu hết các điểm có mai vàng Yên Tử sinh sống đều gắn liền với các di tích hoặc các ngôi chùa mà vua Trần Nhân Tông cho xây dựng như: Chùa Bảo Sái, chùa Ngọa Vân, chùa Một Mái, khu vực thác Vàng ...

Lúc hoa mai nở, cũng là thời điểm cây thay lá

Theo ông Phạm Văn Dược - Phó Trưởng ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử - hiện những “Đại lão mai Yên Tử” được đánh số để chăm sóc, bảo vệ. Ngoài ra, tính đến nay, ban quản lý cũng cho trồng thêm khoảng 10.000 cây mai vàng Yên Tử, trong đó năm ngoái trồng hơn 1.000 cây tại khu vực Hoa Yên. Nhiều cây đã trổ hoa, nhưng trong con mắt người đời, chẳng thể nào sánh được với cây và hoa trưởng thành tự nhiên trên những triền đồi, triền núi của non thiêng Yên Tử.

 Bài, ảnh: Trà Vân