Trong quan niệm của đồng bào các dân tộc tại Tây Nguyên, voi là người bạn, là người thân trong gia đình. Tại Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, cả trăm năm qua, voi được những cư dân nơi đây thuần dưỡng và chúng luôn giúp đỡ, thay thế con người gánh vác những phần việc nặng nhọc. Dân làng Buôn Đôn luôn coi trọng và hàng năm đều tổ chức lễ cúng cầu mong sức khỏe cho voi.

Theo đó, các hoạt động đua voi, thuần phục voi rừng đã trở thành nét văn hóa truyền thống của vùng đất con người Buôn Đôn. Trong hàng loạt các hoạt động liên quan đến voi thì nghi thức cúng sức khỏe cho voi được xem là nghi thức quan trọng nhất.

Sau khi tiếng cồng chiêng rộn ràng vang lên, bằng sự tôn kính nhất, vị thầy cúng gọi tên từng chú voi đến để ban phép. Thầy cúng - người uy tín nhất trong buôn, đọc các lời khấn cầu xin các vị thần linh mang lại nhiều sức khỏe cho đàn voi, phát triển trường tồn. Đây cũng là tình cảm của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, thể hiện lòng yêu thương, quý trọng đối với đàn voi.

Sau các nghi thức cầu sức khỏe, đàn voi Buôn Đôn tiếp tục trở về nhà, được chủ tưới, tắm sạch sẽ để chuẩn bị cho nhiều hoạt động diễn ra trong các ngày lễ hội. Trong phần thi kéo co, hàng chục thanh niên lực lưỡng nhất được chọn ra để kéo với voi, tuy nhiên sau nhiều hiệp đấu, phần thắng bao giờ cũng thuộc về các chú voi dũng mãnh.

Tiếp đến là phần trình diễn hoạt động săn bắt voi rừng, các chú voi nhà cùng với những công cụ chuyên dụng, các dũng sĩ Gru điều khiển các chú voi dũng mãnh di chuyển với tốc độ cao, cùng với tiếng kêu vang vọng phát ra từ đàn voi khiến cho tất cả người xem thán phục.

Bên cạnh đó, các chú voi cũng trổ tài đá bóng, ăn hoa quả, trang điểm, bơi lội... Dù lượng người đến xem lễ hội rất đông, nhưng các chú voi luôn tỏ ra thân thiện và cùng vui đùa với du khách mà không hề tỏ ra lo lắng, sợ hãi.

Du khách thích thú ngắm nhìn đàn voi

 

Anh Nguyễn Minh Ngọc, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: Đến Buôn Đôn lần này, gia đình tôi rất vui vì được nhìn ngắm đàn voi nhà lớn nhất Việt Nam. Các hoạt động đua voi, voi kéo co, voi đá bóng đã đem lại cảm giác thích thú cho các cháu nhỏ và hàng vạn du khách…

Theo lãnh đạo UBND huyện Buôn Đôn: Ngày hội văn hóa voi Buôn Đôn đã trở thành ngày hội truyền thống của địa phương. Thông qua các hoạt động văn hóa như: Lễ cúng sức khỏe cho voi, thuần phục voi, kéo co cùng voi… nhằm giới thiệu đến người dân, du khách đàn voi nhà duy nhất của Việt Nam ở Buôn Đôn.

Ngoài ra, trong ngày hội văn hóa này còn có các hoạt động văn hóa dân gian như: Kéo co, cắm trại và đốt lửa trại, biểu diễn xiếc, các chương trình nghệ thuật… Qua đó, thu hút du khách mọi miền đến với Buôn Đôn, đến với xứ sở của voi.

Thông qua các hoạt động văn hóa này nhằm phát đi thông điệp kêu gọi người dân chung tay với các cấp chính quyền nỗ lực gìn giữ, bảo tồn đàn voi nhà quý hiếm, cùng các nghi lễ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Việc gìn giữ, bảo tồn đàn voi chính là góp phần xây dựng Tây Nguyên ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Xuân Hướng - Nguyễn Giác