Ngày 14/11, QH thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Nguyên tắc tối thượng: Không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng

Cho ý kiến, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, cần phải cân nhắc quy định miễn thị thực nhập cảnh cho người vào các khu kinh tế ven biển, khu hành chính kinh tế đặc biệt vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

“Dự thảo luật có đưa ra điều kiện ràng buộc là không làm ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, nhưng có thể thấy là điều kiện này không có ý nghĩa thực tiễn”, nữ ĐB nói.

Theo ĐB, trong bối cảnh vùng biển nước ta đang bị vi phạm nghiêm trọng thì quy định như dự thảo có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn về sự xâm nhập của người nước ngoài dưới danh nghĩa du lịch.

“Thiết nghĩ, việc mở cửa biên giới cho người nước ngoài cần đi liền với tăng cường quản lý trong phạm vi lãnh thổ. Nguyên tắc tối thượng là không vì tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và các lý do kinh tế mà làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”, ĐB Thuý phát biểu.

ĐB Đà Nẵng cũng đề nghị QH cân nhắc quy định giao Chính phủ quy định trường hợp người nước ngoài được miễn thị thực vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, khu kinh tế ven biển có nhu cầu đến các địa điểm khác của Việt Nam.

“Theo tôi, cần quy định nội dung này trong luật để đảm bảo tính nhất quán giữa các quy định của luật. Nếu như giao Chính phủ quy định thì QH cần đưa ra nguyên tắc là không cho phép người nước ngoài đi tiếp vào nội địa”, ĐB Thuý góp ý.

Không nên miễn thị thực một cách vô điều kiện

Cùng chung lo ngại, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo quy định các điều kiện của khu kinh tế ven biển có thể miễn thị thực cho người nước ngoài như phải có sân bay quốc tế… nhưng với người vào lại không có bất kỳ điều kiện nào.

“Tôi cho rằng như vậy quá lỏng lẻo”, ĐB Nghĩa nói và đề nghị quy định những người vào khu kinh tế ven biển như nhà đầu tư, người lao động, người làm ăn… mà chúng ta xác minh được mục đích đúng như vậy thì có thể miễn, còn tất cả những người khác thì theo quy định bình thường.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Quang Vinh

 

Theo ĐB TP Hồ Chí Minh, nếu quy định như dự thảo sẽ khiến công việc của chúng ta càng tăng lên, trách nhiệm bảo vệ an toàn càng vất vả, lực lượng bảo vệ càng quá tải, nguy cơ rủi ro tăng thêm rất nhiều, có khi còn phải tăng thêm lực lượng để bảo đảm an toàn.

“Tôi đề nghị không nên miễn thị thực một cách vô điều kiện đối với những người vào khu kinh tế ven biển”, ông Nghĩa nhấn mạnh và bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý kiến cho rằng tất cả các khu kinh tế ven biển đều miễn thị thực.

ĐB Trương Trọng Nghĩa nói thêm, không phải miễn thị thực là thu hút khách du lịch. Mà càng mở cửa, du lịch càng tăng thì việc quản lý xuất, nhập cảnh càng phải chặt chẽ hơn.

“Cần phải bảo đảm an toàn cho đất nước, cho xã hội chúng ta và cho chính khách du lịch, cho môi trường du lịch. Vì lượng người vào đông sẽ có người tốt, có người vi phạm. Trong số người vi phạm có vi phạm một cách vô tình, nhưng cũng có những người cố tình vi phạm như các phần tử khủng bố, ma túy, cờ bạc quốc tế hay là các mưu đồ khác mà người ta cố tình vào nước ta”, ĐB đoàn TP Hồ Chí Minh phân tích.

Vi phạm của người nước ngoài ngày càng tăng

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) cũng không đồng tình với đề xuất miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển. “Nước ta hiện rất nhiều khu kinh tế ven biển có diện tích rộng, trải dài theo chiều dọc đất nước, nhiều nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh”, ĐB Khánh lưu ý.

Cũng theo ĐB Khánh, báo cáo của Chính phủ trình QH kỳ này có nội dung đáng chú ý là xuất hiện tình trạng người nước ngoài sang Việt Nam với vỏ bọc doanh nghiệp đầu tư, khách du lịch thuê nhà trọ, khách sạn, lắp đặt các thiết bị để tổ chức điều hành các đường dây đánh bạc rất tinh vi, khó kiểm soát, số lượng tiền và ngoại tệ thu giữ lớn.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn TP Hà Nội). Ảnh Quang Vinh

 

“Số người nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều, tình trạng vi phạm pháp luật của họ cũng ngày càng tăng lên”, ĐB TP Hà Nội đề nghị, Ủy ban Quốc phòng An ninh “không dễ dãi” trong việc thẩm định dự án luật.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị, đánh giá cụ thể các điều kiện để miễn thị thực khi vào các khu kinh tế ven biển theo hướng bảo đảm chặt chẽ; quy định các điều kiện ngay trong luật cũng như rà soát lại thời hạn hợp lý hơn.

Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện nội dung của dự án luật trình QH xem xét thông qua theo chương trình kỳ họp.

Liên quan đến việc người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh qua cổng kiểm soát tự động, theo ĐB đoàn Đà Nẵng cần cân nhắc phạm vi áp dụng. “Việc lấy vân tay người nước ngoài phải đảm bảo vân tay đúng với danh tính. Vì vậy, luật nên quy định các trường hợp người nước ngoài được sử dụng cổng kiểm soát tự động, ví dụ như là đã từng đến Việt Nam và được lấy vân tay ở Việt Nam”, ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý góp ý.

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển, theo quyết định của Chính phủ, nếu đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội; và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Hương Giang