Miền Trung - Tây Nguyên là khu vực có diện tích tự nhiên gần 152 ngàn km2, dân số hơn 24 triệu người. Với 1.870 km đường bờ biển, hơn 1.500 km biên giới đường bộ với Lào và Campuchia. 

Có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đồi núi, hồ thác, di sản văn hóa - lịch sử, cửa khẩu biên giới… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với nhiều ngành chủ lực, đặc biệt là phát triển du lịch. 

Toàn khu vực hiện có 12 sân bay đang vận hành với 5 sân bay quốc tế; hệ thống cảng biển được nâng cấp với 10 cảng biển loại 1.

Đây còn là nơi có tiềm năng du lịch biển, đảo được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển mang đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; tài nguyên du lịch núi rừng với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác hồ nổi tiếng tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên...

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển du lịch của cả nước, du lịch miền Trung - Tây Nguyên đã có những chuyển biến đáng ghi nhận như xuất hiện những điểm đến có thương hiệu và đẳng cấp quốc tế, thu hút ngày một nhiều khách du lịch trong và ngoài nước như: Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt… 

Hình thành một số sản phẩm du lịch tiêu biểu như “Con đường di sản miền Trung” giữa các tỉnh, TP gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; khai thông con đường xuyên Á phát triển du lịch trên tuyến hành lang Đông Tây kết nối các nước Myanmar, Lào, Thái Lan với các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị

Trong năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đạt 58 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế 9,5 triệu lượt); tổng doanh thu từ du lịch là 120 nghìn tỷ đồng. 

Tuy vậy, sự phát triển của du lịch miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực, nhất là việc liên kết, hợp tác chưa đồng bộ, chặt chẽ.... 

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chính quyền và nhân dân các tỉnh, TP khu vực Miền Trung- Tây Nguyên đã và đang tiếp tục nỗ lực cải thiện và xây dựng một môi trường đầu tư và kinh doanh hấp dẫn và thông thoáng. Lãnh đạo các tỉnh, TP luôn lắng nghe, trao đổi, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.

“Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau” - câu danh ngôn ý nghĩa này là đúc kết cho những thành công được tạo nên từ sự hợp tác, gắn kết và bổ trợ cho nhau cùng phát triển. 

Chính vì thế, hôm nay, 19 tỉnh, TP miền Trung và Tây Nguyên chúng tôi hội tụ về TP Huế anh hùng, TP Festival Việt Nam tổ chức Hội nghị phát triển du lịch nhằm xây dựng một tầm nhìn phát triển xa hơn cho du lịch Miền Trung - Tây Nguyên, một thế mạnh của các địa phương trong khu vực…  

Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp các dự án cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Plei Ku. 

Cho phép xây dựng chính sách xã hội hóa cụ thể cho khu vực nhằm thu hút đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế để xây dựng cảng biển du lịch vùng, trước hết ưu tiên đầu tư 3 cảng du lịch biển Chân Mây, Nha Trang và Tiên Sa; xây dựng tuyến đường ven biển Miền Trung (trong đó ưu tiên tuyến từ Nghệ An - Thừa Thiên Huế - Bình Định để nối tuyến ven biển 7 tỉnh từ Quảng Ninh - Nghệ An)...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích du lịch mà các tỉnh, TP Miền Trung - Tây Nguyên đã đạt được, đồng thời nhấn mạnh khu vực này có nhiều điều kiện thuận lợi, rất tiềm năng và là nơi hội tụ và đại diện cho hầu hết các tài nguyên du lịch vốn có của Việt Nam.

Thủ tướng cũng nêu lên những mặt tồn tại, hạn chế trong phát triển du lịch của Miền Trung -Tây Nguyên và đưa ra 5 câu hỏi cho ngành du lịch là: Làm thế nào để du khách đến Việt Nam đông hơn. Làm thế nào để du khách ở lại lâu hơn. Làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu. Làm thế nào để du khách kể lại câu chuyện du lịch tại Việt Nam với ấn tượng tốt đẹp, thay vì chê bai kể xấu. Làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất có thể, chứ không phải một đi không trở lại?

Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành Du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực, chú trọng kỹ năng thực tế, ngọai ngữ; cần đa dạng hóa, không ngừng đổi mới các sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng - homestay; tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạng tầng du lịch nhất là giao thông; tăng cường liên kết du lịch; cần chú trọng sản phẩm du lịch địa phương phải độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục, nghiêm cấm “chặt chém” du khách…

Trao quyết định chủ trương đầu tư và ký kết các biên bản hợp tác các nhà đầu tư trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định chủ trương đầu tư, chứng kiến Lễ ký kết các biên bản hợp tác các nhà đầu tư của tỉnh, TP thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

N. Phó