Thiên đường mời gọi

Nếu đã từng háo hức khám phá - từ hang Sơn Đoòng, hang Én, động Thiên Đường tới hang Va, hang Nước Nứt và hàng loạt hang động thuộc hệ thống Tú Làn… đang ẩn mình đâu đó trong Di sản Thiên nhiên Thế giới - Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, chắc chắn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, “để miêu tả chính xác vẻ quyến rũ mê hoặc của những tuyệt phẩm thiên nhiên nơi đây, vốn từ vựng khổng lồ của một chuyên gia ngôn ngữ cũng trở nên nghèo nàn, thiếu hụt”.

Chỉ trong chuyến khảo sát đầu 2016, đoàn chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã phát hiện tới 57 hang động mới tại Quảng Bình, với tổng chiều dài gần 30 km. Thực tế đó cho thấy, tiềm năng khai thác du lịch mạo hiểm, khám phá hang động của địa phương này là cực kỳ lớn, thậm chí không giới hạn.

Đến Quảng Bình, du khách có thể chọn cho mình một hoặc vài tour mạo hiểm (mà độ khó khăn chinh phục được xếp thành sáu cấp độ tăng dần) tuỳ theo thể trạng sức khoẻ, sự quyết tâm, lòng dũng cảm và cả… túi tiền! Bởi chi phí cho một chuyến thám hiểm rất cao, so với những tour du lịch đại trà thông thường. Ở mức cao nhất, hành trình thám hiểm Sơn Đoòng kéo dài 5 ngày 4 đêm có giá 3.000USD/khách (khoảng 67,5 triệu đồng). Cao cấp hơn có tour chụp ảnh, quay phim Sơn Đoòng chuyên biệt với chi phí 4.000 USD (khoảng 90 triệu đồng).

 

Với lộ trình đi về trong ngày, mang tính chất làm quen những địa hình đơn giản hơn như trải nghiệm hang Nước Nứt hay khám phá động Thiên Đường (đoạn từ cuối cây cầu gỗ vào đến Giếng Trời), cũng đã ngốn của bạn 2 triệu đồng. Ở khoảng giữa, từ mức 2 đến mức 5 là hàng loạt điểm đến như hang Én, hang Va - Nước Nứt, hang Gió, hang Tiên, hang Tối hay những hang Ken - hang Hung Ton - hang Chuột - hang Kim… trong hệ thống hang động Tú Làn, với chi phí xê dịch từ 5 đến 20 triệu đồng.

Đa dạng sinh học, cảnh quan hấp dẫn, lộ trình được thiết kế với rất nhiều thử thách là điểm chung của tất cả các sản phẩm du lịch chuyên biệt này. Và với hầu hết du khách, trong đó có tôi, trải nghiệm đa dạng, hấp dẫn nhận lại là “đắt xắt ra miếng”.

 

Những trải nghiệm không thể nào quên

Ngày may mắn lọt vào đội hình đoàn làm phim “Bản hoà tấu Sơn Đoòng” của Ban Khoa giáo (VTV2), Đài Truyền hình Việt Nam, kỹ năng thám hiểm hang động của tôi là con số 0 tròn trĩnh. Vậy mà chỉ sau 3 năm, với 3 chuyến đi liên tục để đời (Hang Én - Sơn Đoòng 2014, động Thiên Đường 2015, Hang Va - hang Nước Nứt và hệ thống hang động Tú Làn năm 2016), tôi đã có thể hãnh diện tự xếp mình vào “nhóm chuyên gia hang động”. Cả về vốn tri thức, hiểu biết đã được làm giàu, sau từng bước chân khám phá đến sự thành thục trong hầu hết kỹ năng di chuyển trên mọi địa hình hiểm trở.

Nếu ngày đầu đu dây 80m từ cửa hang Sơn Đoòng, sau khi đã nai nịt trên người cả một bộ đai bảo hiểm lằng nhằng, tôi đã kịp lau sạch cả dăm mét vách đá dựng đứng bằng nguyên cái lưng cùng hai cùi tay thì mới đây, tôi đã có thể xuống đáy hang Va và đu bám trên tầng hai của hang này dễ dàng “ngon như ăn kẹo”.

Hang Sơn Đoòng

 

Nếu chỉ 1 ngày đầu lang thang nơi kỳ vĩ Sơn Đoòng, tôi đã kịp nhận về hàng chục vết bầm tím, trượt da và một cảm giác chông chênh đáng sợ khi treo mình lủng lẳng trên một sợi dây mảnh mai, đợi chờ phía dưới là lởm chởm đá tảng và con sông đang gầm gào những thanh âm dọa nạt thì trong những hành trình tiếp nối, việc liên tục lội qua những đoạn sông chảy xiết, leo trèo trên những phiến đá to chồng lớp không ngừng, đu bám vào những mép đá sắc lẻm như lưỡi dao hay  bò, trườn, len lách qua những khe hẹp chỉ đủ một người chui lọt… đã trở thành chuyện nhỏ!

Nếu ngày đầu, nhũ đá muôn hình vạn trạng vây quanh tôi chỉ có một tên chung thì từ những chuyến đi sau, chúng trở nên vô cùng hấp dẫn, khi được khoác những chiếc áo khác biệt (nhũ khô, nhũ ướt, nhũ nhỏ giọt và nhũ đùn ngầm; nhũ rèm, nhũ dòng chảy, nhũ viền và nhũ rối…).  
Nếu ngày đầu, hang động là một thực thể đầy đe doạ, với toàn đá tảng, chuông đá, nhũ đá khổng lồ thì từ đó về sau, mỗi cảnh sắc hiển hiện trước mắt tôi đều lung linh, biến ảo, đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh.

 

Tôi nhớ đã lặng người đi vì sững sờ, khi nhìn ngắm “vườn địa đàng” xanh ngắt đầy mê hoặc, nằm ngay dưới hai hố sụt tạo cửa lộ sáng khổng lồ (với chiều cao ước chừng 300 - 400m và diện tích hàng ngàn mét vuông) ở Sơn Đoòng hay cảnh sắc ảo diệu nằm ngay dưới giếng trời của động Thiên đường.

Tôi nhớ cảm giác phấn khích, khi được chiêm ngưỡng một quần thể kiến tạo đặc biệt được gọi là “bãi đá thời tiết” (với những dấu vết sa thạch đẹp như một công trình điêu khắc cùng vô vàn viên “ngọc trai hang động”), những hóa thạch cổ sinh của những ốc, những san hô hiện diện khắp nơi, với màu trắng nổi bật trên nền đá đen ở hang Va, hang Nước Nứt, hang Hung Ton…

Tôi nhớ “cánh buồm nắng” rực rỡ dưới Doline 1, nhớ “khu rừng trong hang” xanh mướt tạo một diện mạo “có một không hai” cho Sơn Đoòng. Nhớ những khối chuông đá có hình thù lộng lẫy hơn mọi bộ đèn chùm đắt giá do con người thiết kế. Những thạch nhũ tinh khôi màu trắng sữa nhờ thành phần calcit gần như tinh khiết. Hay “chiếc nón Quảng Bình” kết hợp độc đáo giữa hai dạng nhũ dòng chảy và nhũ rèm với màu vàng lấp lánh trông tựa như hàng triệu vì sao rực sáng giữa bầu trời đêm của động Thiên Đường.

Nhớ cả mặt hồ lung linh với hàng ngàn cột thạch nhũ “độc nhất vô nhị” trong hang Va (khi được hình thành từ mực nước đọng lại trong hồ chứ không phải nhờ những giọt nước tí tách cả triệu năm nhẫn nại nhỏ xuống từ trần hang).

Rồi những dòng sông ngầm trong vắt, uốn lượn mềm mại trong hang Nước Nứt. Những thạch nhũ biến ảo theo từng góc nhìn hiện diện khắp nơi trong hệ thống hang động Tú Làn. Những thác nước gầm gào, những vách hang xếp thành hàng trăm lớp đều chằn chặn ở hang Ken…

 

Những ngày thám hiểm lòng hang, kiến thức sinh học của tôi cũng được mở mang theo mỗi bước chân. Rằng cây trong điều kiện ánh sáng yếu luôn vươn lên theo chiều cao mà không phát triển bề ngang. Rằng cá tôm trong hang tối luôn có màu trắng nhờ nhờ như nước gạo và không có mắt. Rằng các động vật nhỏ xíu, vì phải dò đường và kiếm ăn hoàn toàn bằng xúc giác, trong điều kiện ánh sáng bằng 0 nên râu dế, chân nhện… đều dài một cách bất thường.

Tháng 8/2016, anh bạn John Harley của tôi đã hào hứng “đốt cả đống tiền”, cho hành trình liên tục nửa tháng trời chinh phục hang động Quảng Bình. Những hành trình tôi liệt kê ở trên, anh đều đã trải nghiệm. Trừ Sơn Đoòng, vì còn phải chờ xếp hàng, vì lượng khách của 2016 đã chốt sổ từ cuối 2015. Hỏi cảm nhận thế nào, anh giơ ngón tay cái lên, hồ hởi: “Thiên đường, trong những giấc mơ, cũng chỉ đẹp đến vậy”!

Quảng Bình chính thức lọt vào bản đồ du lịch mạo hiểm thế giới, khi Sơn Đoòng được vinh danh, được đưa vào khai thác từ năm 2014

Với Tạp chí National Geographic Magazine (phiên bản tiếng Nga), đây là “tour mạo hiểm đẳng cấp nhất thế giới”. Thời báo New York Times đưa hang này vào danh sách “địa điểm đáng đến nhất thế giới”. Global Grasshopper xếp Sơn Đoòng vào “Top 10 nơi đẹp nhất trên hành tinh”. Tờ Huffington Post dự đoán hang này sẽ là điểm nóng thu hút nhất thế giới trong vòng 20 năm tới. Rồi Hang Én trở thành phông nền huyền ảo cho chú bé Peter Pan bay lượn trong bộ phim bom tấn Pan. Hang Én cùng Sơn Đoòng đẹp hút hồn trong Good Morning America của Kênh Truyền hình ABC.

Danh sách từng chinh phục Sơn Đoòng ngày càng được nối dài, với những cái tên nổi tiếng, những ngôi sao quốc tế trong nhiều lĩnh vực.

Và, cảnh đẹp như tranh vẽ của thung lũng Tú Làn cùng hang Chuột đã trở thành bối cảnh của siêu phẩm Hollywood Kong: Skull Island sẽ ra mắt khán giả yêu điện ảnh vào tháng 3/2017 này.

Sau vịnh Hạ Long, Quảng Bình hiện đang là điểm đến hấp dẫn nhất trên dải đất hình chữ S, nhờ những nhịp cầu truyền thông hữu hiệu này.


Huyền Nga