Từ một địa phương được ví như điểm trung chuyển du khách cho các di sản cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), Đà Nẵng đã thực sự thu hút đông đảo du khách nhờ đầu tư mạnh các loại hình du lịch gắn với tiềm năng thiên nhiên ưu đãi như: sông, núi, rừng và biển… Đặc biệt, việc hình thành nhiều địa chỉ, sản phẩm du lịch mới như: làng Pháp (Bà Nà Hill), công viên châu Á, chương trình “Đà Nẵng - điểm hẹn mùa hè 2015”… Riêng cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế 2015 (được tổ chức 2 năm một lần) đã trở thành thương hiệu riêng của TP và tập trung được hàng vạn khách thập phương đến thưởng thức.

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết, năm 2015, toàn tỉnh đã đón 3,587 triệu khách tham quan và lưu trú, tăng 3,8% so với năm trước; trong đó khách quốc tế đạt 1,775 triệu lượt người, tăng gần 5%. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt gần 8,5 ngàn tỷ đồng.

Làng Pháp trên đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng) vừa được khai trương. Ảnh: NP

Đến Hội An, du khách có rất nhiều tour du lịch khám phá như đêm rằm phố cổ, lồng đèn Hội An, Hội quán Phúc Kiến, chùa Cầu, nhà cổ Phùng Hưng, biển Cửa Đại, đảo Cù Lao Chàm… Cùng với Thủ đô Hà Nội, Vịnh Hạ Long, năm 2015, Hội An đã lọt vào top 10 điểm đến du lịch đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, việc tổ chức đón khách tham quan bằng trực thăng ở Thánh địa Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam) và đô thị cổ Hội An đã mở ra triển vọng về loại hình du lịch mới và khá lý thú cho du khách.

Với những lợi thế riêng có là quần thể di tích Cố đô Huế, dòng sông Hương thơ mộng, Vườn quốc gia Bạch Mã…, Thừa Thiên - Huế được đánh giá là trung tâm du lịch lớn nhất vùng Bắc Trung bộ, trở thành trung tâm cho trục phát triển du lịch trong vùng và cả nước. Năm 2015, tỉnh đã đón 3,25 triệu lượt khách, tăng 11,8%, lượng khách lưu trú ước đạt 1,8 triệu lượt người…

Chùa Cầu là địa chỉ hấp dẫn cho du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: NP

Với những thế mạnh của mình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã tổ chức liên kết hoạt động phát triển du lịch 3 địa phương năm 2015. Qua đó, đã có hơn 700 lượt người tham gia, hình thành 2 trung tâm đào tạo du lịch tại Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế.

Khép lại một năm phấn đấu không mệt mỏi, Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế, ngay từ bây giờ đã có kế hoạch chu đáo để đưa du lịch trở thành ngành “công nghiệp không khói”, đóng vai trò quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương và trên toàn khu vực miền Trung.

Nguyên Ngọc Phó