Khách Nga ngày càng tăng

Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy, năm 2005 có 23.800 lượt khách Nga đến Việt Nam, đến năm 2013 đã đạt 298.126 lượt khách (tăng 12,5 lần). Nga nằm trong top 10 nước có khách du lịch đến Việt Nam nhiều nhất.

Lý giải về sự gia tăng đều đặn khách Nga đến Việt Nam, ông Nguyễn Thừa Hoàng (người Nga gốc Việt) là phiên dịch viên cho các tour du lịch người Nga ở vùng biển Cam Ranh, Phan Thiết, Nha Trang... cho biết: “Người Nga nói rằng, thời tiết của Việt Nam và Nga cũng như các nước cộng đồng SNG trái ngược nhau. Mùa Đông từ tháng 11 năm nay trở đi cho đến cuối tháng 3 năm sau, nhiệt độ trung bình các tỉnh, thành phố của Nga từ -5oC đến -15oC. Trong khi các vùng biển miền Trung nhiệt độ từ 25 đến 33oC. Đây là khung nhiệt độ lý tưởng và cũng là lý do để những người Nga có điều kiện sang Việt Nam tránh rét kết hợp với mua sắm hàng hóa. Hàng ở Việt Nam giá cả vừa phải, lại được miễn thuế. Thiên nhiên Việt Nam đẹp. Con người thân thiện”.

Sở dĩ có sự gia tăng mạnh khách du lịch Nga là do từ năm 2009, Chính phủ Việt Nam cho phép khách Nga vào Việt Nam trong thời hạn 15 ngày không cần Visa. Sự ưu ái đó dựa trên quan hệ truyền thống và tình hữu nghị bền chặt của hai quốc gia. Ngoài ra, thời gian gần đây công tác tiếp thị, quảng bá hình ảnh “Việt Nam, đất nước con người” được thực hiện rất hiệu quả thông qua các hội nghị, hội thảo triển lãm của cả hai nước.

Theo thống kê của một số công ty du lịch có trụ sở ở miền Trung và TP Hồ Chí Minh, khách Tây balô là đối tượng có mức chi tiêu tằn tiện nhất (ăn cơm bụi, đi xe ôm, thuê xe đạp, xe máy, ngủ ở nhà nghỉ bình dân...). Thế nhưng, rất ít khách Nga du lịch theo kiểu này. Họ có mức chi tiêu khoảng 1.000 USD cho 10 - 15 ngày du lịch và nằm trong top có mức chi tiêu khá sau khách Nhật và Mỹ. Đặc thù của khách du lịch Nga là mua nhiều hàng hóa miễn thuế do Việt Nam sản xuất hoặc hàng nhập được bán trên thị trường Việt Nam. Có thể nói, người Nga kết hợp du lịch, thăm thú với mua sắm.

Nhịp cầu tiếp thị

Hàng năm, nước Nga có hội chợ thường niên với tên “Ốt đức Matxcơva”, có nghĩa là “Matxcơva thư giãn nghỉ ngơi”. Đây là hội chợ du lịch thương mại du lịch quốc tế mùa Thu lớn nhất tại Nga và cộng đồng SNG. Nhiều năm nay, các công ty du lịch Việt Nam đã tìm đến tham gia hội chợ. Ngày 16/9 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh với vai trò kết nối, tổ chức cho 30 công ty du lịch, khách sạn và VietNam Airline tham gia hội chợ này. Hầu hết các tỉnh thành của miền Trung đã có các công ty đại diện tham gia. Trong đó có những tỉnh, thành phố có nhiều doanh nghiệp như Khánh Hòa, Đà Nẵng...

Trước hội chợ gần 1 tháng, vào ngày 18/8, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức các cơ quan chức năng, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn sang Nga mở hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Đà Nẵng với 3 sản phẩm du lịch hấp dẫn, đó là ba di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Cụm tháp Mỹ Sơn. Hội nghị này đã ký được nhiều hợp đồng có giá trị với các đối tác du lịch của Nga.

Nha Trang vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất đối với khách Nga. Các công ty chính đưa khách Nga đến Nha Trang là: Forcus Travel, Pegas Touristik dự kiến khoảng 180.000 lượt du khách trong năm nay. Ngoài các công ty du lịch có tên tuổi, nhiều người Nga tự lập tour đi riêng theo đường bay Matxcơva đến Sân bay Quốc tế Cam Ranh trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng chóng vánh của khách du lịch Nga cũng đã gây áp lực lớn đối với cơ sở hạ tầng dịch vụ về phòng ốc... đặc biệt là tình trạng thiếu trầm trọng hướng dẫn viên du lịch. Gần 20 năm nay, tiếng Nga không còn được giảng dạy nhiều như trước trong các trường đại học, cho nên những người giỏi tiếng Nga hầu hết là những người có độ tuổi từ 45 trở lên, họ không còn thích hợp với nghề hướng dẫn viên du lịch phải đi đó đây. Thực tại đang thiếu trầm trọng hướng dẫn viên phiên dịch tiếng Nga.

Du lịch là ngành công nghiệp không có khói hay cách nói hình ảnh hơn đó là con gà đẻ trứng vàng. Với điều kiện thiên nhiên nhiều nắng gió, bờ biển xanh, sạch đẹp, con người thân thiện... những người ở xứ Bạch Dương đang tìm đến với dải đất miền Trung ngày càng nhiều.

Thế Lữ