Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành cùng các nhà khoa học, chuyên gia về du lịch trong và ngoài tỉnh.

Hà Tĩnh là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế du lịch, với vị trí địa lý khá thuận lợi và cảnh quan, môi trường đa dạng, phong phú với nhiều vùng sinh thái, khu du lịch bãi biển, nhiều di tích thắng cảnh nổi tiếng. Đây cũng là địa phương có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ cho hoạt động du lịch được quan tâm đầu tư, nâng cấp đã cải thiện đáng kể, nguồn nhân lực dồi dào đủ điều kiện để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: HY

Buổi thảo luận đã đưa ra nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, các nhà khoa học về du lịch Hà Tĩnh nhằm có các giải pháp để phát triển du lịch, đóng góp thiết thực góp phần thúc đẩy du lịch Hà Tĩnh phát triển một cách bền vững.

PGS.TS Nguyễn Văn Hạnh - giảng viên Trường Đại học Vinh cho rằng, thế mạnh của du lịch Hà Tĩnh là du lịch văn hóa, bởi đây là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa giàu bản sắc với gần 500 di tích, danh thắng với đủ loại hình như: Khu Di tích danh nhân văn hóa Nguyễn Du, Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích... Nhiều di sản văn hóa phi vật thể như làng nghề truyền thống, lễ hội văn hóa, nhiều hình thức diễn xướng độc đáo như ca trù, ví dặm…

“Hà Tĩnh có một trầm tích văn hóa giàu có, đặc sắc làm nên diện mạo của một vùng đất, một miền quê sơn thủy hữu tình. Đó là tiềm năng, thế mạnh để phát triển loại hình văn hóa, góp phần đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội Hà Tĩnh trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa” - PGS.TS Nguyễn Văn Hạnh nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Văn Đính, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển”. Ảnh: HY

Là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế về du lịch, tuy nhiên sau sự cố môi trường biển, du lịch Hà Tĩnh đã và đang gặp nhiều khó khăn, so với các tỉnh Bắc miền Trung, về lượt khách cũng như doanh thu, năm 2016 du lịch Hà Tĩnh đứng ở vị trí cuối bảng.

Theo thống kê năm 2016, tốc độ tăng trưởng du lịch tại Hà Tĩnh đã sụt giảm gần 25% so với năm 2015, doanh thu du lịch chỉ đạt 200 tỷ đồng, bằng 47% năm 2015, trên 1.100 lao động trực tiếp, 1.500 lao động gián tiếp phục vụ khách du lịch bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập.

Để đưa du lịch Hà Tĩnh phát triển một cách bền vững, đặc biệt là phát triển du lịch sau sự cố môi trường biển, TS Võ Hồng Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: “Hà Tĩnh cần tập trung nghiên cứu các giải pháp để phát triển mạnh hơn lĩnh vực du lịch biển trong những năm tới; quy hoạch phát triển du lịch, triển khai chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch mới để tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng như tham quan các làng chài, làng nghề mang bản sắc biển Bắc Trung Bộ…Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tăng cường đầu tư vào các khu du lịch biển Thiên Cầm, Lộc Hà, Xuân Thành. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược truyền thông quảng bá mạnh mẽ, hấp dẫn để lấy lại lòng tin của du khách.”

Phát biểu tại buổi hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Đính, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh nhận xét: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Phát triển du lịch Hà Tĩnh trong thời gian tới phải đảm bảo hiệu quả bền vững, đảm bảo giữ gìn môi trường tự nhiên và xã hội.”

Mục tiêu của du lịch Hà Tĩnh năm 2017 đến 2020 sẽ phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn. Theo đó, năm 2017 dự kiến đón 1.230 lượt khách nội địa, 20.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 250 tỷ đồng. Đến năm 2020 sẽ đón 86.000 lươt khách quốc tế, 1.700.000 lượt khách nội địa, đạt doanh thu 129.150.000 USD, GDP du lịch/GDP toàn tỉnh chiếm 5,87%.

Hải Yến