Kỳ tích: 10 ngày di chuyển 2 máy in, mỗi máy nặng 10 tấn bằng sức người

Hà Nội liên tục có báo động, máy bay Mỹ liên tục bắn phá. Nhiều cơ quan đơn vị đã được sơ tán, nhưng Nhà in Báo Nhân Dân vẫn kiên cường bám trụ.

Cơ sở đặt nhà in lúc đó ở 24 Tràng Tiền. Các cán bộ, công nhân viên nhà in cũng là chiến sỹ - cùng lúc đảm bảo công tác xuất bản đồng thời sẵn sàng bắn trả chiến đấu với máy bay địch. Trên tầng 6 của nhà in có khẩu đại liên 12 ly 7 của đội tự vệ nhà máy luôn trực chiến.

Nguy cơ nhà máy in ở Tràng Tiền có thể bị phá hoại bất kỳ lúc nào, Ban Biên tập Báo Nhân Dân đã quyết định nhà in thành lập xưởng in sơ tán dự phòng tại vùng núi Hoà Bình - trong một hang động đá vôi rộng lớn. Phân xưởng máy cùng lúc đảm đương hai nhiệm vụ: Duy trì sản xuất hàng ngày và tháo dỡ máy móc di chuyển tới khu sơ tán.

Vấn đề đặt ra là, máy in có trọng lượng rất lớn, 2 máy in LB 201 và LB 202 được chọn để di chuyển, mỗi máy nặng trên 10 tấn. Không máy cẩu, không máy nâng. 20 tấn máy móc di chuyển dưới bom đạn giữa Thủ đô là chuyện không đơn giản chút nào. Hang động cách Hà Nội chỉ 38km nhưng lại ở vùng địa thế hiểm trở, đường đi lắt léo và chưa thành lối. Vậy mà chỉ với một chiếc ròng rọc NHỎ và quyết tâm LỚN, nhà in đã được di chuyển thành công, an toàn trong vòng 10 ngày.

Sau 1 tháng, nhà in đã được lắp đặt hoàn chỉnh trong hang đá, sẵn sàng in ấn và được đặt mật danh A2 - một kỳ tích nhỏ nhưng chất chứa niềm vui trong lòng những người làm báo và làm công tác xuất bản thời ấy. Chỉ nghĩ về những trang báo ra đời trong hang động - những tin tức vẫn đến kịp thời với đồng bào, chiến sĩ cả nước, thì anh em lập tức phấn chấn. Đó vừa là nhiệm vụ nhưng cũng là niềm hạnh phúc với những người làm báo trong chiến tranh. Chỉ trong gian khó, con người ta mới có thể làm nên những điều như thế - những điều mà bình thường, ít ai tưởng tượng ra.

Rắn chui vào kho giấy, nằm trong khay sắp chữ - bột hồ dán nấu thành cháo loãng, đêm đêm bồn chồn nhìn theo những “cục lửa” bay về phía Hà Nội

Không chỉ nhà in, mà tổ thông tin Báo Nhân Dân cũng được sơ tán về hang động này. Hang động là nơi chở che cho các hoạt động thu thập tin tức từ các hãng thông tấn nước ngoài như UPI (Mỹ), AFP (Pháp), Reuter (Anh), Kyoto (Nhật Bản). Công cụ của tổ thông tin thời đó là thiết bị máy thu phát 15W. Đầu năm 1967, chiếc máy này cùng với đồng chí Xuân Tiễn và một số đồng chí khác di chuyển hang đá, làm nhiệm vụ đặt đài và liên lạc với CP16 - tức Cục Bưu điện Trung ương hồi đó.

Hang đá rất rộng, có máy phát điện, máy in, bàn sắp chữ, kho giấy, hệ thống đèn chiếu sáng, phòng tráng phim, in ảnh… có thể đảm bảo in báo bất kỳ lúc nào. Hàng ngày, anh em quay máy phát điện bằng tay để liên lạc luôn thông suốt.

Đầu năm 1967, mùa đông rét cắt da cắt thịt, rắn rết vào hang rất nhiều. Đã nhiều lần, rắn chui vào kho giấy, nằm trong khay sắp chữ. Mỗi khi chuẩn bị đi ngủ, anh em phải lấy gậy đập đuổi rắn đi. Chiều tối xuống, nếu đi ra khỏi hang, anh em phải đi giày, ủng để phòng ngừa không may bị rắn cắn.

Trước cửa hang là dòng suối, mỗi khi mưa to, nước suối lên rất nhanh, việc tiếp tế lương thực rất khó khăn nếu như không muốn nói là gần như… không thể. Có những đợt mưa dầm dề kéo dài, gần chục người mà chỉ còn hơn cân bột – loại bột mỳ lẫn với bột nếp dùng để nấu thành hồ dán giấy chạy máy in (nếu rách). Anh em đành lấy bột đó nấu thành cháo loãng chia nhau cầm cự.

Núi rừng chở che và những đêm không ngủ.

Để đảm bảo bí mật hoạt động, an toàn, anh em không được đi ra quốc lộ 6. Chỉ quẩn quanh ở khu hang động và dòng suối. Măng rừng, quả sung, quả vả, dâu da rừng, cá suối, sắn rừng. Có đồng chí tên Lan “rừng” nhanh tay nhanh mắt - thi thoảng dùng súng hơi để săn chim rừng làm bữa cải thiện cho anh em. Có bữa, anh em đi rừng hái được nhiều dâu da rừng chua chua ngọt ngọt, còn tìm cách gửi về toà soạn ở Hà Nội cho chị em.

Hang đá mùa đông lạnh buốt, nhóm lên khóm lửa nhỏ thay cho chăn ấm không có, anh em nhà in, anh em tổ tin ngồi quanh mở đài nghe tin tức, nghe đọc thơ chờ trời sáng.

Tre nứa trong rừng không chỉ giúp che chở tầm nhìn của máy bay không phát hiện ra cửa hang, tre nứa còn được dùng để đan thành sàn liếp. Các lán được dựng lên, chia khu nam nữ sẵn sàng đón anh chị em lên sơ tán.

Đợt 12 ngày đêm máy bay B52 đánh phá Hà Nội, lực lượng toà soạn lên hang sơ tán rất đông. Tất cả anh chị em, già trẻ đều ngủ trên sàn liếp. Mỗi người một tâm trạng ngổn ngang. Giữa núi rừng heo hút, rét cắt da cắt thịt của mùa đông 1972, ai cũng bồn chồn, lo lắng về gia đình mình đang ở Hà Nội. Lúc ấy, cuộc chiến đấu của lực lượng vũ trang ở Thủ đô, nhất là sau khi Khâm Thiên bị ném phá dữ dội… đã tác động rất lớn tới tâm lý của mọi người. Đêm đêm, từ cửa hang đá, những đôi mắt chong về phía Hà Nội, nơi những “hòn lửa” đang bay về - là bom đạn… đó là những đêm không ngủ của tất cả mọi người… Nhưng điều ấy không khiến ai mềm yếu – nó chỉ giúp anh chị em – những người làm Báo Nhân Dân thời ấy hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình trong khả năng có thể. Khi hiểu rõ tình thế, người làm báo và làm công tác xuất bản hiểu rằng: Trong chiến tranh, thông tin quan trọng đến như thế nào và nhân dân mong ngóng tin tức trên báo từng ngày ra sao.

Sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, toàn bộ nhà in được chuyển về Hà Nội. Hạnh phúc như vỡ oà, bom sẽ không rơi ở Hà Nội nữa, máu sẽ không đổ nữa, anh em lúc ấy ở nơi sơ tán đã vui sướng như lũ trẻ, nhảy cẫng lên vì quá mừng, ôm chầm lấy nhau và hẳn là nhiều giọt nước mắt đã rơi.

 

Đồng chí Hà Hồng - Trưởng Ban Bạn đọc (người cầm cặp màu đen) và hai bác là nguyên bảo vệ Hang Nhà báo năm xưa. Ảnh: Trần Hải

 

Trả lại hang đá cho núi rừng và mong muốn tri ân của Báo Nhân Dân sau hơn 50 năm

Trong trí nhớ của nhiều cán bộ lão thành của Báo Nhân Dân, mật danh A2 chỉ là một hang động đá vôi rộng rãi đã che chở cho các hoạt động báo chí mà không thể nắm rõ vị trí của nó. Điều này cũng là cần thiết trong chiến tranh để đảm bảo yếu tố bí mật an toàn lúc bấy giờ. Thậm chí có cả một đội Thanh niên Xung phong có mã 105 đã hành quân từ Mai Châu để đến một địa điểm bí mật (chính là A2) để làm đường, dựng lán trại cho Hang Nhà báo cũng đều giữ bí mật.

Năm 2018, những người làm công tác điều tra thư bạn đọc Báo Nhân Dân, trong quá trình về huyện Lương Sơn, Hoà Bình làm việc mới biết mong manh thông tin về tổ tin của Báo Nhân Dân thường xuyên cắm chốt ở địa phương này trong thời kỳ chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Báo Nhân Dân đã tìm thấy hai bác được cử bảo vệ Hang Nhà báo năm xưa còn mẫn tiệp là bác Nguyễn Quang Chinh và Nguyễn Văn Đậu. Hang đá cũng như toàn bộ dãy núi đá vôi hiện nằm trong khu vực sân gôn Phượng Hoàng, thuộc xóm Rổng Vọng, xã Lâm Sơn của huyện Lâm Sơn. Điều tốt lành là chủ đầu tư của sân gôn này đã giữ lại phần cửa hang động không lấp kín, không xây công trình trước và trong cửa hang theo đề nghị của UBND xã Lâm Sơn.

Hang Nhà báo trong tâm trí của người dân nơi đây chính là khu Di tích chống Mỹ, nơi mà núi rừng Lâm Sơn đã che chở và thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng trong gian khó.

Những ngày đầu tháng 6/2019, đoàn công tác Báo Nhân Dân đã đề xuất với tỉnh Hoà Bình về việc muốn gắn biển di tích Hang Nhà báo Nhân Dân như một lời tri ân những ngày gian khó đã được địa phương bao bọc nuôi dưỡng. Báo Nhân Dân mong muốn Hang Nhà báo trở thành một địa chỉ đỏ để các thế hệ cán bộ, phóng viên của Báo Đảng có thể đến thăm, hiểu thêm về truyền thống Báo Nhân Dân, đồng thời tri ân những người dân địa phương đã từng bảo vệ cơ sở.

Lãnh Hương