Kế hoạch truyền thông và bộ tiêu chí được xây dựng nhằm phá bỏ rào cản tâm lý của người dân và du khách về việc không an toàn khi đi du lịch tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời, kích cầu du lịch nội địa, tháo gỡ khó khăn cho các điểm đến, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa phương. Khôi phục các hoạt động du lịch bình thường tại các địa phương, các điểm đến không có dịch bệnh Covid-19. Xây dựng bản đồ số cung cấp thông tin chính xác về các vùng du lịch, điểm đến an toàn cho khách trên nền tảng App Mobile.

Bộ VHTT&DL cũng đã xây dựng các tiêu chí về du lịch an toàn cho khách du lịch và các đối tượng tham gia hoạt động du lịch trong thời gian dịch Covid-19 nhằm khẳng định thông điệp về sự an toàn của các địa phương, điểm đến du lịch của Việt Nam. Đảm bảo các thông tin đúng về cam kết an toàn cho khách du lịch, giải toả tâm lý e ngại, lo lắng của khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là những người có nhu cầu đi du lịch nhưng còn tâm lý lo sợ dịch bệnh.

Chiến dịch truyền thông này sẽ tập trung vào các nội dung sản xuất các video clip khẳng định đi du lịch Việt Nam giai đoạn hiện nay là an toàn; phỏng vấn người dân, du khách, chuyên gia, bác sĩ… về việc đi du lịch an toàn và các phương án phòng, chống, điều trị hiệu quả đối với dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Mở chuyên trang về “du lịch an toàn” trên các ấn phẩm báo chí, truyền thông ở Trung ương và địa phương.

Mặt khác, Bộ Tiêu chí “Du lịch Việt Nam an toàn” là một chương trình hành động của ngành Du lịch với các tiêu chí nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ cho khách du lịch và các đối tượng tham gia hoạt động du lịch trong thời gian xảy ra dịch Covid-19.

Bộ Tiêu chí có những quy định cụ thể đối với khách du lịch; hướng dẫn viên du lịch; khu du lịch, điểm du lịch; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải khách du lịch; cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch (lưu trú, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khoẻ, thể thao, vui chơi giải trí).

Khách du lịch cần khai báo trung thực tình trạng sức khỏe, phối hợp trong công tác kiểm tra sức khoẻ trước và sau khi tham gia chương trình du lịch, trước khi nhập cảnh/quá cảnh tới Việt Nam. Kịp thời thông báo về tình trạng sức khoẻ khi có những triệu chứng nghi nhiễm Covid-19; nắm rõ các yêu cầu đảm bảo vệ sinh, phòng chống dịch và thực hành đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Tổ chức Y tế thế giới trong quá trình du lịch tại Việt Nam; tuân thủ hướng dẫn của công ty lữ hành và hướng dẫn viên trong quá trình du lịch... 

Hướng dẫn viên phải nắm rõ các yêu cầu đảm bảo vệ sinh, phòng chống dịch và thực hành đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19; luôn đeo khẩu trang khi đón đoàn, đưa đoàn tại những nơi đông người; quan tâm đến sức khoẻ của khách trong thời gian đi du lịch; không chào bán và dẫn khách đi mua bán, sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao...

Các khu, điểm du lịch phải sẵn sàng thông tin cho khách du lịch về tình hình dịch bệnh Covid-19, khi có trường hợp nghi ngờ bắc bệnh cần thực hiện cách ly ngay, đồng thời thông báo với cơ quan y tế. Thực hiện phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới, trang bị khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, tiêu độc khử trùng… 

Các doanh nghiệp lữ hành tuân thủ nghiêm các hướng dẫn, yêu cầu của Bộ Y tế và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch  và các cơ quan chức năng về việc phòng chống dịch. Không tổ chức đón khách từ vùng có dịch hoặc tổ chức tour cho khách du lịch đến vùng có dịch. Có biện pháp theo dõi sức khoẻ của hướng dẫn viên sau tour, giữ liên lạc với khách du lịch ít nhất trong vòng 14 ngày. Nếu trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 phải kịp thời báo cáo ngay các cơ quan chức năng… 

TH