Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế vẫn duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, lượng khách đến từ hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn đạt con số tuyệt đối cao nhất. Các thị trường được miễn visa duy trì đà tăng trưởng khá. Khách du lịch nội địa tăng cao trong dịp 30/4 - 1/5 và dịp đầu hè 2017.

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê cung cấp, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 6.206.336 lượt, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, lượng khách đến bằng phương tiện đường không đạt 5.211.965 lượt khách (tăng 33,0% so với cùng kỳ năm 2016); khách đến bằng phương tiện đường biển đạt 170.843 lượt khách (tăng 26,0% so với cùng kỳ năm 2016); khách đến bằng phương tiện đường bộ đạt 823.528 lượt khách (tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2016). 

Ước tính khách du lịch nội địa 6 tháng đạt 40,7 triệu lượt khách (khách lưu trú ước đạt 19,2 triệu lượt). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 254.700 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Cũng tại buổi họp báo,Tổng cục Du lịch đã điểm lại những dấu ấn quan trọng của ngành thời gian qua. Cụ thể: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây được coi là dấu ấn đặc biệt trong lịch sử 57 năm phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. 

Tiếp đến là Luật Du lịch sửa đổi dã được Quốc hội chính thức thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Trong tháng 6, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Đối thoại Chính sách cao cấp APEC đã thông qua Tuyên bố Cao cấp APEC 2017 về du lịch bền vững với chủ đề thúc đẩy du lịch bền vững vì châu Á - Thái Bình Dương bao trùm và kết nối. 

Chính phủ ban hành Nghị định về thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài vào Việt Nam...

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam năm 2017 đã có bước cải thiện quan trọng, tăng 8 bậc, từ thứ 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015 lên thứ 67/136 quốc gia được đánh giá trong năm 2017.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, bên cạnh những kết quả và thành tựu đã đạt được, trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành Du lịch Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Những hạn chế bất cập đã bộc lộ từ lâu vẫn chưa được khắc phục một cách cơ bản. Nguồn nhân lực vẫn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là tại những điểm đến đang phát triển với tốc độ nhanh.

Bên cạnh đó, một số bất cập vẫn khiến các nhà quản lý đau đầu như: Hiện tượng giá dịch vụ, thực phẩm, đồ uống tại một số điểm du lịch vào thời điểm đông khách vẫn tăng đột biến; rác thải tại một số khu điểm du lịch gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hiện tượng cướp giật tài sản vẫn còn diễn ra lẻ tẻ ở một số điểm đến; một số tai nạn giao thông đáng tiếc đối với khách du lịch; sự cố ngộ độc thực phẩm là những vấn đề cần tiếp tục được khắc phục, chấn chỉnh trong công tác quản lý. 

 Phương Anh