“Đổi bát mồ hôi lấy bát cơm”

Dọc bờ biển, nhiều tỉnh có nghề làm muối, nhưng vựa muối lớn tập trung chủ yếu từ Nghệ An vào tận Bạc Liêu, nơi nước biển mặn, có nhiều giờ nắng trong năm, gió thổi mạnh... Các yếu tố này quyết định sản lượng và chất lượng muối. Mỏ muối của Nghệ An là huyện Quỳnh Lưu có diện tích 600 ha, sản lượng 65.000 tấn/năm. Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) có 116 ha, sản lượng 9.000 tấn/năm. Bến Tre có 1.550 ha, sản lượng 75.000 tấn/năm. Bạc Liêu là vựa muối lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, năm 1985 có 9.067 ha nay còn 2.500 ha, sản lượng 260.000 tấn/năm. Muối được sản xuất thủ công là phơi nước biển trên sân xi măng nên vẫn còn nhiều tạp chất. Muối phơi trên bạt có độ tinh khiết cao, đáp ứng tiêu chuẩn của nhà máy sản xuất chất tẩy rửa...

Diêm dân chia sẻ: Trời nắng con vật còn biết chui vào bụi cây để tránh, thế nhưng khi nắng nhất, gió thổi rát mặt nhất thì chúng tôi “mặt úp xông hơi muối, lưng phơi nắng trời”. Cha ông đúc rút: “nghề muối - đổi bát mồ hôi lấy bát cơm”. Nhọc nhằn là thế nhưng chẳng có diêm dân nào giàu lên từ muối. Chỉ có những đầu nậu tung tiền gom muối khi giá rẻ, ép giá diêm dân, khi giá cao thì xả hàng ồ ạt thu lãi!

Nhiều diêm dân tính toán: Làm muối thủ công, bán với giá 750đ/kg, muối trải bạt 1.200đ/kg mới lãi chút đỉnh. Nay muối thủ công chỉ còn 350 - 500 đồng/kg. Xót xa khi tạ muối đổi được bát phở. Giải thích về giá muối thấp, cơ quan quản lý cho rằng: Muối ngoại đang tấn công diêm dân từ chất lượng đến giá cả. Nhà máy hóa chất cần muối sạch, trong khi diêm dân chưa đáp ứng chất lượng và giá bán còn cao hơn giá nhập.

Một phần đất muối làm du lịch sinh thái biển

Khi giá trị kinh tế trên 1 đơn vị đất quá thấp so với mặt bằng đất biển thì việc chuyển đổi mục đích sử sụng đất là việc cần phải làm ngay. Nhưng chọn giải pháp nào để chuyển đổi?

“Trông người để ngẫm đến ta”. Vài chục năm trước, Pattaya chỉ là một làng chài nghèo vì biển vùng đó ít tôm cá, nhưng có lợi thế về bãi cát và nước biển sạch cho nên Chính phủ Thái Lan đã quyết định đầu tư xây dựng thành một khu du lịch nghỉ dưỡng. Bây giờ Pattaya đã trở thành địa điểm vàng du lịch quốc tế. Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng có nhiều mô hình chuyển đổi thành công như Pattaya.

Vậy, vùng đồng muối nào của Việt Nam nên chuyển đổi? Đồng muối Bạc Liêu có số giờ nắng vào top cao nhất cả nước. Ven biển có hàng ngàn ha rừng tự nhiên, rừng trồng. Đất biển có môi trường hấp dẫn đối với các loài chim di cư từ nhiều vùng trên thế giới. Biển Bạc Liêu hiền hòa, nhiều hải sản sẽ có sức hấp dẫn đối với dân xứ lạnh đến nghỉ dưỡng kết hợp với khám phá tự nhiên. Mặt khác, biển Bạc Liêu nằm trong tour tuyến du lịch Phú Quốc, Kiên Giang. Do nước biển Bạc Liêu có nhiều phù sa cho nên muối thường có màu hồng, trong khi nhu cầu lại cần nhiều muối tinh trắng, vì vậy việc chuyển đổi là hợp lý.

Sau Bạc Liêu sẽ là Nghệ An, lý do: Diêm dân không còn mặn mà với nghề muối, họ nói: Quê tôi nhiều người đã bỏ nghề, đi làm thuê tận Lào và Trung Quốc. Chỉ những ai không có sự lựa chọn khác thì mới ở lại nhưng họ cũng chẳng mặn mà gì với nghề muối. Nhiều diện tích đã bị bỏ hoang hóa. Mặt khác, biển Quỳnh Lưu nước trong, nhiều hải sản... Ở đây có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị như đền Cờn, làng văn hóa Quỳnh Đôi (nơi sản sinh nhiều danh nhân như nữ sĩ Hồ Xuân Hương... nơi có nhiều chí sĩ cách mạng ưu tú như Hồ Tùng Mậu và có hàng trăm tiến sĩ danh tiếng qua các thời kì khoa bảng)... sẽ có sức hấp dẫn đối với du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp với văn hóa tâm linh.

Tôi tin, Quy hoạch Phát triển nghề muối đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Quốc hội thông qua, theo đó: Ổn định diện tích muối ở 14.500 ha, sản xuất theo phương pháp công nghiệp trải bạt, áp dụng các tiến bộ khoa học mới, giảm thiểu phụ thuộc thời tiết, nâng cao năng suất và chất lượng trên một đơn vị diện tích... Trong Đề án Chuyển đổi có việc chuyển đồng muối Bạc Liêu thành khu du lịch sinh thái biển.

Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, làm nhịp cầu đầu tư để nhiều thành phần kinh tế chung tay sản xuất muối theo tiêu chuẩn VietGap. Như vậy, sản lượng muối vẫn đáp ứng và dôi dư diện tích để làm du lịch.

Thế Lữ