Nhảy lửa (theo tiếng Pà Thẻn là Pò Dính), trong truyền thống, thông thường vào khoảng tháng 10 âm lịch thì thầy cúng mở lớp dạy cúng, thường chọn vào ngày 16 tháng 10 là ngày bắt đầu. Thầy cúng đến nơi dạy học cúng khấn mời thần thánh của thầy để xin phép được dạy học cho những người muốn học và xin cho những người đến học được khỏe mạnh, không vi phạm vào điều gì cấm kỵ.

Mỗi người theo học phải mang theo 1 con gà, 1 chai rượu. Khi thầy cúng thần thánh, có bao nhiêu con gà người học mang đến phải mổ hết để trình thần thánh. Việc học cúng sẽ kéo dài đến Rằm tháng Giêng năm sau.

Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn; một sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, thể hiện sức mạnh phi thường dám đương đầu với nguy hiểm, xua đuổi tà ma, bệnh tật của người dân Pà Thẻn.

Ngoài sự thần bí linh thiêng, nghi lễ thể hiện sự cầu mong sức khỏe cho dân làng, mùa màng bội thu cho bà con trong năm mới. 

Tại lễ hội còn diễn ra nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn xã, nghi lễ Kéo chày của dân tộc Pà Thẻn.

Từ năm 2010, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã khôi phục lại Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn

Điều kiện để những chàng trai được tham gia học cúng là đã được cấp sắc, khỏe mạnh, thông minh, có đạo đức và không vi phạm những điều xấu. Lần lượt theo trình tự, các học trò đã được học các bài cúng: Cúng mời thần thánh, cúng tổ tiên, cúng cho người ốm đau, cúng thổ công, cúng bảo vệ bản thân… Nghi lễ nhảy lửa được thầy cúng chọn vào một đêm trong khoảng thời gian đó (khoảng từ tháng 10 đến tháng Giêng âm lịch), người chủ trì là thầy cúng, nghi lễ được làm tại nhà thầy cúng.

Theo quan niệm của người Pà Thẻn, nhảy lửa là một nghi lễ đón thần thánh xuống trần gian cùng vui với dân làng, có ý nghĩa tượng trưng cho việc các vị thần xuống trần gian tắm nước và phù hộ cho dân làng có thêm sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. 

Người Pà Thẻn còn quan niệm rằng, việc tổ chức nhảy lửa là nhằm giúp cho những người trong làng đang học cúng và làm thầy cúng được thông minh hơn.

Toàn cảnh nơi tổ chức Lễ hội 

Sau lễ nhảy lửa, nếu như năm ấy trong làng có nhiều người không bị đau ốm, nhiều học trò học được làm thầy cúng thì đến tết Nguyên đán, các học trò sẽ đến tạ lễ thầy. Khi đi tết thầy, thường có cả gia đình người học trò. Nam nữ mặc những bộ trang phục đẹp nhất. Khi sắp đến nhà thầy thì bắn 2 phát súng báo tin để thầy cúng chuẩn bị đón. Khi đến nhà thì bắn súng để đón xuân mới với ý nghĩa chúc thầy khỏe mạnh, sống lâu. Khi vào nhà, thầy mời mọi người uống nước, sau đó thầy thắp hương lên bàn thờ, trải chiếu trước bàn thờ cho học trò và những người khỏi bệnh ngồi. Thầy cúng xin thêm âm binh và xin lộc tài được nhiều hơn năm cũ cho mọi người.

Đây là một ngày hội sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương do huyện tổ chức.

Với người Pà Thẻn, việc tổ chức nhảy lửa là một nghi lễ vô cùng quan trọng, bởi vì nhảy lửa không chỉ thể hiện mong ước của người dân về một cuộc sống nhiều may mắn, làm ăn thuận lợi, bệnh tật bị đẩy lùi mà còn là dịp để mọi người trong làng xóm gần gũi nhau hơn, đoàn kết gắn bó bên nhau hơn. 

Cũng chính điều này mà nghi lễ nhảy lửa còn hàm chứa yếu tố của lễ hội- lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn.

Từ xa xưa, lễ nhảy lửa đã được diễn ra tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Chiêm Hóa (nay thuộc huyện Lâm Bình), do thầy cúng tại thôn này và những người trong thôn thực hiện. Tuy nhiên, theo người già trong thôn kể lại, cách đây gần trăm năm tại một lễ nhảy lửa do sơ xuất nên có người nhảy lửa bị bỏng, từ đó người dân Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh không dám tổ chức lễ nhảy lửa nữa, cho đến 2010, nghi lễ nhảy lửa mới được phục hồi và duy trì đến nay.

Để góp phần bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa dân gian độc đáo của dân tộc Pà Thẻn ở Tuyên Quang, hai năm nay, huyện Lâm Bình đã thống nhất lấy ngày 16 tháng Giêng hằng năm tổ chức lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn. Đây là dịp để huyện giới thiệu nét đặc sắc trong văn hóa của dân tộc Pà Thẻn, đồng thời quảng bá, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với vùng đất thiên nhiên kỳ ảo, những truyền thuyết về tình yêu đôi lứa thấm đậm tính nhân văn của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Để được chọn tham gia nhảy lửa các thanh niên được chọn phải được cấp sắc, khỏe mạnh, thông minh, có đạo đức và không vi phạm những điều xấu

Theo số liệu thống kê, dân số của người Pà Thẻn chỉ còn khoảng 3.700 người, sinh sống tập trung ở 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Tuy số lượng ít, lại sống ở những vùng hẻo lánh nhưng văn hóa của người Pà Thẻn vẫn được duy trì, đặc biệt là lễ hội nhảy lửa. Để có thể tổ chức lễ hội này, ông thầy phải làm lễ để xin phép tổ tiên, xin phép thần lửa, thần nước cho dân làng được tổ chức trò chơi.

Để bắt đầu một lễ hội nhảy lửa phải có một thầy mo đến làm lễ cầu thần linh. Thầy mo ngồi trên một chiếc ghế dài để cúng thần linh. Gõ hai vật bằng sắt, phát ra những âm thanh gấp gáp, liên tục. Liên tục từ năm đến bảy giờ đồng hồ như vậy. Thường trước mỗi buổi lễ, thầy mo phải cúng thần linh, để cho phép người Pà Thẻn có được sức mạnh phi thường để nhảy vào đống lửa. 

Thông thường, việc cúng phải bắt đầu trước lễ nhảy lửa khoảng bốn giờ đồng hồ. Lễ vật cúng tế gồm có 1 bát hương, 1 chiếc đàn sắt, 1 con gà, 10 chén rượu, tiền giấy. Khi một đống lửa lớn được đốt lên ở giữa bãi để thành than nóng cho những người nhảy lửa biểu diễn cũng là lúc thầy mo bắt đầu làm lễ. Thời gian làm lễ kéo dài từ 1 thậm chí đến cả 3, 4 giờ đồng hồ trước khi lễ hội nhảy lửa được bắt đầu.

Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên sẽ ngồi đối diện với thầy mo. Đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa. Có một vòng người trên chiếc sân rộng. Ðống lửa đang cháy rừng rực ở giữa sân. Tiếng gõ của ông thầy mo vẫn vang lên mỗi lúc một gấp gáp hơn. Những người thanh niên Pà Thẻn tham gia lễ hội bắt đầu tụ tập xung quanh thầy mo và lần lượt thay nhau ngồi lên chiếc ghế dài. Trong phút chốc, họ rung bần bật, người cúi xuống và bắt đầu nhảy lên từng lần một, cùng lúc bằng cả hai chân. Trong khi đó, một người khác thì chạy vòng xung quanh sân, thỉnh thoảng lại bốc lên tay một viên than hồng cho vào miệng nhai, người này luôn ăn than và khi đã đến một độ nào đó, mới nhảy vào luôn.

Lễ hội đã thu hút được dông đảo nhân dân các dân tộc quanh vùng và du khách thập phương tham gia

Những thanh niên cúi gập người, nhảy lò cò bằng cả hai chân trên cát xung quanh đống lửa. Họ nhảy hẳn vào đống lửa và lại nhảy ra trong tiếng hò reo cuồng nhiệt của mọi người. Than đỏ văng tứ tung ra chung quanh. Ngọn lửa như lại bốc cao hơn, ngùn ngụt bởi những tàn than đỏ đang bay lên. Cứ như thế liên tục, những thanh niên, trong tiếng gõ của thầy mo nhảy vào lửa và có người còn nằm hẳn trên đống lửa rồi mới nhảy ra ngoài.

Đây cũng là dịp để các dân tộc thể hiện bản sắc của riêng mình

Người được nhập đồng nhảy vào đống lửa mà không có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi gì. Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút, sau đó tỉnh cơn và tiếp tục làm lễ nhập đồng. Một người có thể tham gia nhảy nhiều lần, qua đó thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và nhanh nhẹn của mình. Nhảy lửa chỉ dành cho nam giới và những chàng trai này luôn nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ của mọi người.

Người Pà Thẻn tin rằng: Bất cứ người dân Pà Thẻn nào cũng có thể nhảy vào lửa miễn là thầy mo đã cúng và nhập cho họ một sức mạnh nào đó. Sức mạnh của thần linh sẽ che chở và bảo vệ họ không bị bỏng.

Trong quá trình thầy cúng và các trai làng còn đang làm lễ, các cô gái diện những bộ trang phục đẹp nhất của mình cùng nhau múa hát góp phần tạo thêm sắc màu lung linh cho đêm hội.

Cho đến lúc lửa tàn hẳn, thầy cúng sẽ đọc bài cúng tiễn các ma về trời, lúc này những người tham gia lễ nhảy lửa mới dần tỉnh táo lại, điều kì lạ là họ không thấy đau và cũng không hề bị bỏng.

Lễ hội kết thúc thầy cúng đọc bài cúng cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.

Nam Dũng