Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bài toán phát triển kinh tế và bảo tồn biển vẫn là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau. Điều này càng rõ nét hơn tại các khu vực biển được xếp hạng di tích, quy hoạch khu bảo tồn thiên nhiên. Một dẫn chứng cụ thể là Vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã được xếp hạng là di tích quốc gia năm 2005, nên quy trình thực hiện các công trình khai thác tiềm năng biển tại khu vực trên bị điều chỉnh bởi rất nhiều quy định pháp luật.

Là cơ quan tham mưu cho lãnh đạo địa phương về lĩnh vực này, nhiều năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa đã phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các chủ đầu tư khi phát sinh các vướng mắc liên quan đến hàng loạt quy định còn có cách hiểu khác nhau về hành lang bờ biển, môi trường biển… tại một số khu vực biển.

Nói về hiện trạng này, ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa cho rằng: Thực tế đã có nhiều dự án có quy mô phát triển và nguồn vốn đầu tư lớn khi triển khai sẽ phải tuân thủ Luật Di sản, Luật Biển, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Đa dạng sinh học, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường. Với mục tiêu hỗ trợ, tháo gỡ các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, chúng tôi đã có các văn bàn kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo thực hiện cơ chế mềm để cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế biển với nguyên tắc bảo tồn biển. Tuy vậy, nhiều quy định pháp luật, sau đó là hàng loạt văn bản dưới luật vẫn chưa quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này nên đã phát sinh câu chuyện có nhà đầu tư muốn làm thật, làm đúng, làm đúng tiến độ dự án được phê duyệt vẫn phải đau đầu với một khối bùng nhùng quy định, tiêu chuẩn.

Một nhà đầu tư đang triển khai dự án tại khu vực biển bãi Tiên, cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi đã được UBND tỉnh Khánh Hòa, các sở, ngành có văn bản chấp thuận đầu tư, cấp phép xây dựng, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có ý kiến chấp thuận thực hiện DA công viên bến du thuyền quốc tế có quy mô sử dụng đất và mặt biển của Vịnh Nha Trang. Khi triển khai các hạng mục thi công thì đã phát sinh một số vấn đề cần có sự hướng dẫn kịp thời của cơ quan quản lý nhưng do sự thiếu thống nhất của các quy định pháp luật đã tạo ra nhiều câu chuyện chưa thuận lợi cho doanh nghiệp.

Để bảo đảm mục tiêu đầu tư đã được phê duyệt, nhà đầu tư này mong muốn của các doanh nghiệp đang đầu tư tại Vịnh Nha Trang là trong thời điểm Hội nghị Trung ương 8 sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW về chiến lược biển Việt Nam thì hiện tượng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các quy định pháp luật cần được làm rõ, đánh giá đúng để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư các dự án liên quan đến khai thác mặt nước biển. Vì rằng sự thống nhất giữa chủ trương của Đảng với các quy định pháp luật liên quan đến kinh tế biển sẽ giúp doanh nghiệp an tâm và mạnh dạn đầu tư thêm nguồn lực cho các dự án, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Theo vị này, thực tiễn là nơi kiểm định chân lý nên việc tổng kết, đánh giá chủ trương, cơ chế pháp luật phải khách quan, công tâm để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng trong phát triển kinh tế biển. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chủ động phối hợp cùng các nhà khoa học thuộc Liên Hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam để nghiên cứu toàn diện hệ thống sinh thái khu vực biển đã được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho DA bến du thuyền và sau đó tiến hành các chương trình bảo tồn phù hợp nhằm bảo đảm tiêu chí phát triển bền vững kinh tế biển, cũng đồng thời là bến cảng neo đậu an toàn cho ngư dân mỗi khi có bão to, sóng lớn.

Điều này cũng được Tiến sỹ Lê Dũng, Tổng Giám đốc Liên Hiệp Khoa học dịch vụ công nghệ và Sản xuất (PTC), đơn vị thuộc Liên Hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, đánh giá cao về sự chủ động của các doanh nghiệp khi phối hợp cùng các nhà khoa học để xây dựng chương trình bảo tồn thiên nhiên với mục tiêu cân bằng giữa phát triển kinh tế với phát triển bền vững biển đảo, tạo điều kiện cho cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường Vịnh Nha Trang.

Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố ven biển với chiều dài hơn 3.200km. Trong đó có 7 tỉnh, thành phố được đánh giá giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển là Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu và Kiên Giang.

Giáng Thăng