Từ trung tâm huyện Vạn Ninh ra đảo Điệp Sơn bằng tàu đánh cá phải mất 1 giờ đồng hồ, nhưng đi bằng ca nô chỉ mất 8 đến 10 phút. Người dân thôn đảo Điệp Sơn mưu sinh chính bằng nghề đánh bắt hải sản, bẫy cua, bắt sò, bắt ốc nhỏ lẻ ở các vùng ven đảo sinh sống qua ngày. Hải sản đánh bắt được chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình, bán cho các hộ dân trên đảo và người dân trong đất liền.

Ông Nguyễn Ngọc Mẫn, Trưởng thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh cho biết: Trước đây, thôn Điệp Sơn có 93 hộ dân, 100% là hộ nghèo sống tập trung trên các đảo: Hòn Dung, Hòn Dút, Hòn Ó, Hòn Bịp, Hòn Một và Hòn Mao, công việc bấp bênh không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn.

"Vài năm trở lại đây người dân Điệp Sơn “đổi đời” là nhờ có du lịch. Du khách kéo về thôn Điệp Sơn ngày một đông (có ngày hơn 1.000 khách), nhờ vậy người dân trên đảo bán hải sản sau đánh bắt với giá cao. Mỗi người ngày ít cũng kiếm được 300.000 - 400.000 đồng, ngày nhiều thì cả triệu đồng. Nghề đánh bắt hải sản của người dân ngày càng cho thu nhập cao…", ông Điệp nói.

Anh Phan Văn Khu, một người dân sống bằng nghề bắt sò trên đảo Điệp Sơn bày tỏ niềm vui: “Hai vợ chồng tôi cứ sáng ra biển bắt sò, bắt ốc chiều về là có 500 nghìn đồng. Ốc, sò được các doanh nghiệp du lịch trên đảo đến tận nhà thu mua và trả tiền ngay, với giá khoảng 30.000 đồng/kg. Trên đảo nhiều người đánh bẫy mực, bắt cua vào ban đêm trúng lắm, giá bán cho khách du lịch cao, một người có thể kiếm cả triệu đồng trong một đêm”.

Vợ chồng anh Khu sống tốt nhờ nghề bắt sò. Ảnh: XH

 

Do có nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên đảo, nên nhu cầu về lao động ở Điệp Sơn ngày càng lớn và người lao động được trả lương rất cao.

Bà Đào Thị Long, một chủ doanh nghiệp du lịch ở thôn Điệp Sơn cho biết: “Do trên đảo khan hiếm lao động, nên chúng tôi tuyển lao động giá cao gấp 2 lần so với mặt bằng bình thường. Bình quân, mỗi lao động chúng tôi phải trả tới 400.000 đồng/ngày mà vẫn thiếu người làm. Hiện nay, có vài chục lao động là người dân địa phương tại đảo đang làm việc cho chúng tôi”.

Khách du lịch tăng nhanh, nhiều hộ gia đình tại thôn đảo Điệp Sơn còn biết kinh doanh du lịch, một số hộ dân trực tiếp làm các nhà chòi cho khách thuê, rồi nấu ăn phục vụ khách. Vì thế, đời sống người dân ở Điệp Sơn được cải thiện đáng kể. Để có điện, 93 hộ dân đã góp tiền mua máy phát điện, kéo bóng về đến từng nhà, từng thôn. Chính quyền huyện Vạn Ninh đã hỗ trợ kinh phí khoan giếng phục vụ nước ngọt đến từng hộ dân trên đảo, theo đó nước từ giếng được bơm về 3 bể chứa dung tích gần 100m3, phục vụ bà con toàn thôn Điệp Sơn.

Giếng nước ngọt đã về với thôn đảo Điệp Sơn. Ảnh: XH

 

Ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh cho biết: “Do phát triển du lịch ở xã đảo Điệp Sơn nên trong thời gian qua, thôn đảo “thay da đổi thịt” trông thấy. Tốc độ phát triển du lịch ở xã đảo Điệp Sơn ổn định và ngày càng bền vững, đời sống người dân được nâng lên rất nhiều. Chỉ tính riêng năm 2015 có 20 hộ dân tạo thôn Điệp Sơn thoát nghèo và ngày càng có nhiều hộ dân trên đảo xóa nghèo. Không chỉ vậy, việc du khách đến đảo cũng mang đến cho người dân có tư duy tốt, tầm nhìn xa hơn. Ngày càng có nhiều người dân tham gia làm dịch vụ du lịch, giải quyết việc làm cho hầu hết người lao động trên đảo. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để thu hút du lịch về thôn đảo”.

Về lâu dài, tỉnh Khánh Hòa cần xây dựng phương án phát triển cụ thể tại thôn Điệp Sơn, đồng thời phải kiểm soát chặt các đơn vị làm du lịch tại thôn đảo, yêu cầu phía doanh nghiệp thực hiện cam kết phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao đời sống người dân trên đảo, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững của thôn đảo Điệp Sơn.

Xuân Hướng