Huyền thoại từ trong lòng đất

Địa đạo Củ Chi là tên gọi của một hệ thống đường hầm được kiến tạo xuyên trong lòng đất, với tổng chiều dài gần 250km. Hệ thống này được bắt đầu xây dựng từ khoảng năm 1948, tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh).

Hệ thống địa đạo Củ Chi được xây dựng trong một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Những đường hầm nằm sâu dưới lòng đất, có thể chịu được sức công phá của các loại bom tấn lớn và xe tăng của quân đội Mĩ. Không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi. Các khu vực khác nhau của địa đạo có thể được cô lập khi cần.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ, hệ thống địa đạo này được gia cố và mở rộng, trở thành một căn cứ phòng thủ vững chắc và là nỗi khiếp sợ của quân xâm lược.

Du khách tìm hiểu về những vũ khí tự tạo tại địa đạo Củ Chi. Ảnh: NT

 

Theo tài liệu từ Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 1961, khi Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định chọn Củ Chi làm địa bàn hoạt động, thì hệ thống địa đạo ở đây phát huy tối đa tác dụng, đặc biệt từ năm 1966, trước những hành động của quân xâm lược Mỹ sau khi vào miền Nam tham chiến.

Với sức mạnh và ý chí quật cường, quân và dân Củ Chi đã kiến tạo được một hệ thống đường hầm dọc ngang, nhiều tầng xuyên trong lòng đất, kết hợp với khoảng 500km chiến hào, công sự trên mặt đất, khiến kẻ thù phải chịu nhiều tổn thất.

Kết cấu của hệ thống địa đạo có đầy đủ nơi dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, có giếng nước, bếp “Hoàng Cầm”, hầm làm việc của lãnh đạo, hầm giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh, hầm chữ A vững chắc cho phụ nữ, người già, trẻ em trú ẩn. Có những hầm lớn, mái lợp thoáng mát, bên trên ngụy trang khéo léo để hội họp, biểu diễn văn nghệ…

Suốt một thời gian dài trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, kẻ địch liên tục tấn công đánh phá vùng căn cứ và hệ thống địa đạo hết sức khốc liệt, bằng những thủ đoạn như: Bơm nước vào lòng địa đạo, dùng đội quân “chuột cống” đánh phá, dùng chó béc-giê săn lùng phát hiện địa đạo để phá, dùng xe cơ giới ủi phá…

Tuy nhiên, quân và dân “đất thép” Củ Chi với chiến thuật sáng tạo và linh hoạt, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, đã vô hiệu hóa được nhiều loại vũ khí hiện đại nhất và làm thất bại âm mưu của địch.

Căn hầm giải phẫu trong hệ thống địa đạo Củ Chi. Ảnh: NT

 

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân huyện Củ Chi đã lập được những chiến công xuất sắc: Đánh 4.269 trận lớn, nhỏ; loại khỏi vòng chiến đấu 22.582 tên địch; phá hủy và đánh chiếm hơn 5.168 xe quân sự (phần lớn là xe tăng và xe bọc thép); bắn rơi và làm hư hỏng 256 máy bay (chủ yếu là trực thăng); bắn chìm và cháy 22 tàu, xuồng chiến đấu; đánh sập và hỏng 173 cầu cống, thu 8.581 súng các loại; bức hàng, bức rút, đánh sập 270 lượt đồn bốt địch…

Với lịch sử hào hùng ghi dấu những chiến công vang dội đó, năm 1979, khu địa đạo Bến Dược (thuộc ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2004, hệ thống địa đạo Bến Đình (thuộc xã Nhuận Đức - căn cứ của Huyện ủy Củ Chi trong thời kỳ kháng chiến) cũng được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia (theo quyết định số 101/2004/QĐ-BVHTT ngày 15/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin).

“Đất thép” đang trở thành vùng đất hứa

Vị trí địa lý quan trọng và lợi thế nền đất cao của huyện Củ Chi không chỉ giúp địa phương này tạo được nhiều chiến công trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, đặc điểm này đang phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội. Với kết cấu hạ tầng được chú trọng đầu tư cùng những tiềm năng về kinh tế, du lịch, huyện Củ Chi đang thu hút mạnh mẽ giới đầu tư trong và ngoài nước.

Báo cáo tại hội nghị giao ban tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh vào cuối năm 2018, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2018, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 12,76%; thương mại dịch vụ tăng 16,10%; thu ngân sách đạt kết quả khá, đạt 140,47% so với pháp lệnh và bằng 157,84% so với cùng kỳ năm trước.

Theo quy hoạch, Củ Chi sẽ là một đô thị vệ tinh phía Tây Bắc của TP Hồ Chí Minh với trọng tâm phát triển các lĩnh vực: Dịch vụ, thương mại, y tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí.

Du khách thưởng thức món củ mì luộc, được coi là “lương thực kháng chiến”. Ảnh: NT

 

Vị trí địa lý huyện Củ Chi có nhiều lợi thế cho sự phát triển, là giao điểm của các trục giao thông chiến lược như đường Xuyên Á (quốc lộ 22), tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 15, đường vành đai 3… Đây đều là những trục giao thông chính kết nối giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh - Long An - Bình Dương - Tây Ninh - cửa khẩu Mộc Bài và Campuchia.

Người dân Củ Chi kiên cường và chịu khó. Họ không chỉ tự hào về những chiến công hào hùng trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc mà còn hết sức phấn khởi trước sự phát triển mạnh mẽ của vùng đất vốn chịu nhiều gian khổ này.

Nhiều khu công nghiệp lớn đã được hình thành và phát triển mạnh, nhất là ở các xã, thị trấn gần trung tâm TP Hồ Chí Minh như: Khu công nghiệp Đông Nam Củ Chi, Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Khu công nghiệp Cơ khí ô tô, Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi…

Đó là những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, những bông hoa đẹp được gieo trồng và đang khoe sắc trên vùng “đất thép” anh hùng.

Cảnh Nhật - Phạm Tường