Gia Lai nằm ở phía Bắc Tây nguyên, có độ cao trung bình 700 - 800m so với mực nước biển; được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam, thắng cảnh hùng vĩ, hoang sơ, nét văn hóa đặc sắc của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; ẩm thực truyền thống phong phú, đa dạng...

Bức tranh tiêu biểu về tiềm năng du lịch Gia Lai gồm có: Biển Hồ (hồ T’Nưng) mang vẻ đẹp tự nhiên và nên thơ, nằm cách trung tâm Pleiku hơn 10km. Hồ nước rộng lớn này được hình thành từ một miệng núi lửa thuở xa xưa, phóng tầm mắt nhìn xa mãi vẫn không thấy đâu là bến, là bờ. Có người ví Biển Hồ là “Đôi mắt Pleiku”, như tựa đề bài hát nổi tiếng, đậm chất cao nguyên của nhạc sỹ Nguyễn Cường.

Thác Phú Cường nằm tại xã Dun (huyện Chư Sê), cách trung tâm huyện lỵ khoảng 3 km về phía Đông Nam, giống là dải lụa trắng trên vùng cao. Đó là dòng chảy không ngừng từ độ cao 45m trên con suối La Peet đổ xuống hạ lưu tung bọt trắng xóa cả một vùng; xen lẫn tiếng chim hót líu lo giống như bản nhạc nước ngân vang giữa núi rừng.

Quảng trường Đại Đoàn Kết được xây dựng ở vị trí khá trang trọng trong trung tâm Pleiku. Đến đây bạn sẽ ngắm nhìn được bao quát toàn TP và đặc biệt là tượng đài Bác Hồ với Tây Nguyên cao hàng chục mét, thể hiện tình cảm cao quý của người cha già dân tộc với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Không chỉ vào những dịp lễ hội lớn mà đêm đêm, lớp lớp con cháu về đây quần tụ bên Người với tấm lòng kính yêu vô hạn.

Nằm giữa cánh đồng lúa An Phú bạt ngàn là khu du lịch Đồng Xanh theo đúng nghĩa của tên gọi nó. Khu du lịch này hiện đang lưu giữ nhiều hiện vật và những nét văn hóa đặc trưng của đồng bàocác dân tộc Tây Nguyên từ thời khai thiên lập địa...

Đến với các bản, làng đồng bào dân tộc thiểu số, bạn sẽ được hòa mình trong tiếng nhạc cồng chiên Tây Nguyên; đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thế của nhân loại. Ngoài ra, được thưởng thức món rượu cần truyền thống cất từ khoai mì, lúa và các nguyên liệu từ thiên nhiên; cùng các món ăn dân dã làm ấm lòng thập khách phương xa.

Hố Trời - cái hố khổng lồ do những dòng chảy lâu năm tạo ra. Muốn xuống bên dưới lòng hố, kháchphải đu theo sợi dây thừng to, men theo vách đá dựng đứng đầy rêu xanh rất nguy hiểm nhưng tạo cảm giác mạnh cho những người yêu thích và muốn khám phá bí mật của đất trời. Là địa điểm để phát triển du lịch nghỉ dưỡng hồ kết hợp với thể thao mạo hiểm.

Để phát triển du lịch, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng nhiều đề án nhằm phát triển quy hoạch tổng thể ngành Du lịch của tỉnh; tạo cơ chế thuận lợi để thu hút các nhà đầu tưđến tìm hiểu, xúc tiến; tăng cường quảng bá nhằm đưa du lịch Gia Lai hội nhập với du lịch của vùng Tây Nguyên kỳ thú, đầy hấp dẫn.

Tỉnh mở hội thảo về du lịch nhằm giới thiệu những tiềm năng lợi thế của mình, cho thấy sự cầu thị cũng như định hướng phát triển kinh tế của Gia Lai trong xu thế mới; là đòn bẩy để ngành Du lịch mở ra các cơ hội để phát triển.

Với chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa ngành Du lịch TP HCM và ngành du lịch Gia Lai trên cơ sở hợp tác thỏa thuận phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 địa phương giai đoạn 2017 - 2020,mở ra những triển vọng để du lịch Gia Lai “cất cánh” bay xa.

Lãnh đạo Sở Du lịch TP HCM cùng với hơn 20 doanh nghiệp lữ hành du lịch đã đi thực tế các điểm du lịch ở TP Pleiku, các huyện Chư Păh, Kbang, Đăk Pơ và thị xã An Khê (nằm trong khu vực Đông Trường Sơn); nhằm đánh giá đúng về những tiềm năng du lịch và giới thiệu đến các nhà đầutư những sản phẩm, loại hình du lịch đặc sắc của Gia Lai.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: “Phát triển du lịch Gia Lai luôn gắn liền với lịch sử, bản sắc văn hóa, thiên nhiên. Từ những cái có sẵn, tỉnh luôn mở rộng kết nối với các tỉnh lân cận như: Bình Định, Phú Yên... để tạo ra chuỗi du lịch nhằm cho du khách những chuyến đi sự trải nghiệm, mới mẻ. Tỉnh cũng lên kế hoạch để bồi dưỡng nguồn hướng dẫn viên, nhân viên du lịch để cùng nhau xây dựng một ngành du lịch Gia Lai phát triển bền vững trong tương lai”. 

Phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực tam giác phát triển CLV (Campuchia - Lào - Việt Nam), năm 2017, Gia Lai tập trung xây dựng quy hoạch, đề án du lịch.Ban hành đề án du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, công bố sự kiện phở khô và mật ong Gia Lai được bình chọn là đặc sản hấp dẫn; công nhận 3 điểm du lịch địa phương, bao gồm: Thủy điện Ia Ly, công viên Đồng Xanh và khu du lịch sinh thái Hoàng Vân; đồng thời ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020 với TP HCM, Hà Nội, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Thái Nguyên, Phú Yên, Bình Định...

Năm 2017, ước có khoảng 500 ngàn lượt khách đến Gia Lai, trong đó có gần 10.000 lượt khách quốc tế, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch ước đạt 245 tỷ đồng (tăng 24%), nộp ngân sách 23 tỷ đồng (tăng 19%). Tuy chưa đạt như kỳ vọng, nhưng đó là những con số vui tạo tiền đề cho một giai đoạn phát triển mới.

Bước vào năm 2018, Gia Lai tập trung hoàn thành các mục tiêu tổ chức Lễ hội Festival cồng chiêng Gia Lai, đưa Khu du lịch sinh thái lâm viên Biển Hồ - Chư Đăng Ya thành khu du lịch quốc gia; quy hoạch phân khu xây dựng điểm du lịch hồ Ia Ly; căn cứ địa cách mạng Khu 10 (xã Krong, huyện Kbang); quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai.

Nắng ấm dần lên trên vùng đất đỏ Bazan lộng gió, như đánh thức nàng công chúa còn say giấc nồng trong rừng sâu bước vào ngày mới; như báo hiệu sự lạc quan, tốt lành cho ngành Du lịch Gia Lai trong thời gian đến.

Ngọc Phó