Lợi thế để du lịch phát triển

Sau hơn 2 tiếng di chuyển từ Thủ đô Hà Nội đến cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đoàn chúng tôi lên tàu du lịch để đến với đảo Cô Tô. Dù là vào giữa mùa Đông, nhưng bầu trời thật xanh trong, không khí hơi se lạnh. Con tàu lướt nhanh trên biển, rẽ lên những con sóng trắng nhấp nhô, cảm giác lênh đênh, háo hức pha trộn khiến chúng tôi không ai bảo ai đứng ra hết mạn tàu để thu trọn biển đảo quê hương trong tầm mắt. 

Hơn một tiếng rưỡi, tàu cập bến vào cầu cảng. Chúng tôi đặt chân lên hòn đảo Cô Tô xinh đẹp. Những ngày giáp Tết, mỗi ngày có hàng chục đoàn tàu cập bến. Trên những chuyến tàu du lịch hiện đại chở theo du khách, là các đoàn cán bộ, chiến sỹ ra thăm quân, dân trên đảo. Những bó lá dong, những bao tải nếp, những chuyến hàng Tết, cây cảnh... được bà con mua sắm trên đất liền đưa ra đảo để chuẩn bị đón một cái Tết đoàn viên, chu đáo.

Dọc trên tuyến đường từ trung tâm về đến khu hành chính của huyện đảo Cô Tô là không khí tràn ngập sắc Xuân. Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Khu Di tích tượng đài, đền thờ Bác Hồ được bài trí trang nghiêm, sạch đẹp. Đây là khu du lịch tâm linh thu hút khách du lịch khi đến với Cô Tô.

Ngày 9/5/1961, lần đầu tiên Bác Hồ ra thăm đảo và căn dặn đồng bào, chiến sỹ trên đảo: “... Thủ đô Hà Nội cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ”. Với tấm lòng kính trọng vô hạn đối với Bác Hồ, quân và dân trên đảo Cô Tô đã xin được dựng tượng Người trên đảo để lúc nào cũng được nhìn thấy hình ảnh của Người. Và, nguyện vọng của bà con trên đảo Cô Tô đã được Bác Hồ đồng ý.

Dù Bác đã đi xa, nhưng tấm lòng và tình cảm của người dân Cô Tô lúc nào cũng hướng về Người. Đảng bộ và nhân dân nơi đây đang ra sức xây dựng Cô Tô thành huyện đảo kiểu mẫu, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Chia sẻ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của huyện đảo, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô vui mừng cho biết, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 32.900 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người là 3.850 USD/người/năm.

"Cô Tô là huyện đảo có lợi thế về phát triển du lịch, bởi có những bãi biển đẹp hoang sơ. Nếu như tính từ thời điểm có điện lưới quốc gia từ tháng 10/2013, mỗi năm, lượng khách du lịch đổ về huyện đảo tăng gấp đôi so với các năm trước. Vì vậy, đời sống người dân nơi đây được nâng cao, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, kinh tế huyện đảo phát triển bền vững", ông Hùng nhấn mạnh.

Ông cho biết, với lợi thế du lịch, năm 2019, tổng số khách du lịch ước đạt 288.000 lượt, tăng 20% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế là 4.200 lượt khách, tổng doanh thu du lịch ước đạt khoảng 699.800 triệu đồng, tăng 40,5% so với cùng kỳ.

Nhắc đến Cô Tô, không thể không kể đến những di tích lịch sử như: Đền thờ Bác Hồ, đền thờ Đại Đội Ký Con, khu đồi Truyền hình và ngọn Hải đăng,... Rồi những điểm du lịch hấp dẫn vạn người mê như: Bãi đá Cầu My, bãi biển Hồng Vàn, đảo Cô Tô con, bãi tắm Tình yêu...

Đáng chú ý, năm 2019, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã khánh thành chùa Trúc Lâm Cô Tô. Đây là ngôi chùa đầu tiên trên đảo - cột mốc văn hóa tâm linh, khẳng định chủ quyền góp phần củng cố an ninh, chính trị tôn giáo vùng biên giới hải đảo.

Đại đức Thích Khai Từ, trụ trì chùa cho biết, với hơn 80% dân số theo đạo Phật, từ lâu nguyện vọng được xây dựng một ngôi chùa thờ Phật trên đảo, làm nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng là niềm mong mỏi lớn lao của đông đảo nhân dân, Phật tử trên đảo Cô Tô.

 

Huyện đảo kiểu mẫu

Ông Hùng khoe với chúng tôi, năm nay, nhân dân và cán bộ huyện Cô Tô vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Theo Quyết định số 1507-QĐ/TU ngày 16/4/2019 của Tỉnh ủy Quảng Ninh, Văn phòng Huyện ủy hợp nhất với Văn phòng HĐND và UBND huyện. Từ đó, huyện tăng cường kỷ luật kỷ cương của các cơ sở, cơ quan Nhà nước và người đứng đầu .

Những năm gần đây, công tác thanh tra được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch, năm 2019, tập trung vào các đợt thanh tra kinh tế - xã hội, thanh tra chuyên ngành và thanh tra đột xuất. Trong năm, ban hành 8 quyết định thanh tra, trong đó, thực hiện 6 cuộc thanh tra theo kế hoạch, thực hiện xong 2/2 cuộc thanh tra đột xuất.

Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri được tập trung giải quyết; quán triệt nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ cấp huyện, cấp xã; đăng tải công khai các kết quả xử lý đơn thư của công dân trên Cổng Thông tin điện tử của huyện để người dân thuận lợi tra cứu kết quả giải quyết.

Trong năm 2019, cấp huyện đã tiếp 49 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 17 đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; cấp xã tiếp 81 lượt.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được chú trọng, chủ động phòng ngừa đồng thời được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Năm 2020, huyện đảo Cô Tô tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 308-KH/TU ngày 4/7/2019 của Tỉnh ủy về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XV Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch số 128-KH/HU ngày 10/7/2019 của Huyện ủy Cô Tô về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chia tay Cô Tô khi trời đã sang trưa. Thời tiết đẹp để đoàn chúng tôi lên tàu. Tiếng chuông chùa Trúc Lâm ngân vang lẫn vào tiếng sóng biển. Chỉ còn ít ngày nữa, Đảng bộ, quân và dân Cô Tô bước vào mùa Xuân mới - năm bản lề có nhiều sự kiện lớn của đất nước.

Con tàu đưa chúng tôi về với đất liền. Ai trong đoàn cũng lưu luyến, xúc động và mong sớm quay trở lại hòn đảo xinh đẹp này để cảm nhận sự "thay da đổi thịt" nhiều hơn nữa ở Cô Tô.

Trà Vân