1.   Osaka là thành phố lớn thứ ba ở Nhật Bản, sau Tokyo và Kyoto, nằm trên vịnh Osaka, thuộc đảo Honshu, với dân số 2,7 triệu người.

Osaka thuộc vùng Kansai Nhật Bản, giáp với Kyoto, Hyogo, Nara, Wakayama và 1 phần giáp biển.

Osaka từng là trung tâm kinh tế quan trọng nhất của Nhật Bản trong một thời gian dài, với dân số chiếm phần lớn là tầng lớp thương gia. Trong thời kì Edo (1603-1867), Osaka trở thành một trong những thành phố chính ở Nhật và được công nhận là đô thị cấp quốc gia vào ngày 1 tháng 9 năm 1956.

Đoàn công tác chúng tôi từ Sân bay Quốc tế Nội Bài sau hơn 4h bay đáp xuống Sân bay Kansai. Sân bay mới mở cửa trở lại được 1 tuần do bão khiến nước biển tràn vào. Hầu như mọi hoạt động của sân bay bị đình trệ. Đường dẫn từ sân bay vào thành phố cũng có một đoạn mới được thông xe lại do khi bão đã bị tàu húc vào hư hỏng mới được sửa.

Sân bay Kansai là một sân bay khá đặc biệt do được xây dựng trên hòn đảo nhân tạo với tổng diện tích 511 ha. Hòn đảo nằm trên vịnh Osaka, cách đất liền 5 km, có hình chữ nhật, nhìn từ trên xuống như một hàng không mẫu hạm.

Địa chất nơi xây dựng sân bay Kansai vô cùng đặc thù, tưởng chừng như việc xây dựng là không thể bởi đáy biển Osaka có tầng đất nhão dày 20m, phía dưới là tầng đất hồng dày 400m nữa.

Bài toán đặt ra cho việc xây dựng là vấn đề móng công trình phải thật chắc trên nền đất như vậy. Đơn vị thi công đã đóng 1 triệu cọc thép có đường kính 40 cm vào tầng đất nhão, sau đó đổ đất lên gây áp lực cho nước ở dưới tầng đất thoát ra ngoài để tạo móng chắc. Tiếp theo, họ xây dựng một con đê bảo vệ lấy vùng biển sẽ xây đảo. Con đê dài 11 km được làm trong 2 năm gồm: 8.666m đê bằng đá hộc đổ thoai thoải, 1.790m đê bằng những khúc gang cong, 721m đê bằng các rọ đất đá, ngoài ra còn có 780m đê đóng bằng các cọc sắt. Sau khi làm xong con đê này, họ mới bắt đầu đổ đất cát thành đảo. Trải qua 3 năm thi công liên tục, 180 triệu m³ cát đã đổ vào đó, hoàn thành một hòn đảo nhân tạo cao 33m từ đáy trở lên. Nghe nói, để hoàn thành công trình tạo đảo và xây dựng sân bay Kansai, người Nhật đã phải mất 20 năm trời với kinh phí là 1.500 tỉ Yên.

2.   Tập đoàn Aoyama - nơi chúng tôi tới thăm và làm việc là một tổ hợp về y tế, điều dưỡng chăm sóc và phúc lợi tư nhân, với hơn 30 khu/cơ sở điều dưỡng cùng 2 bệnh viện, trường đào tạo Nhật ngữ Aoyama Hope Academy. Mỗi khu điều dưỡng đang chăm sóc từ 70-140 cụ già thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau.

Chủ tịch Tập đoàn Okada Munenori là một người còn trẻ, sinh năm 1974. Ông là người vô cùng mến khách và có mối thiện cảm đặc biệt với người Việt Nam.

Qua lời kể của ông, trước đây tập đoàn thường thông qua một vài công ty của Việt Nam đưa người sang học tập và làm việc tại đây. Sau đó, do có nhiều thông tin không tốt ảnh hưởng tới người lao động, sinh viên như việc thu tiền, thu phí không đúng nên giờ ông trực tiếp sang Việt Nam lập công ty để đào tạo và tuyển dụng nhân sự cho tập đoàn.

Ông cũng bật mí việc đang xúc tiến các thủ tục để sang đầu năm 2019 sẽ khởi công xây dựng khu điều dưỡng người già đầu tiên của tập đoàn đặt tại Đà Nẵng.


Chủ tịch Munenori mời chúng tôi tham dự và phát biểu tại lễ khai giảng của Trường Nhật ngữ Aoyama Hope Academy. Nơi đây đang có 135 sinh viên Việt Nam học tiếng Nhật trước khi chuyển vào trường chuyên môn học tập. Sau khi học khoảng 1 năm tại trường Nhật ngữ, sinh viên sẽ được chuyển sang học chuyên môn về điều dưỡng với thời gian 2 năm tại Trường Cao đẳng Y khoa Harvest (Harvest Medical College) để lấy bằng Cao đẳng trước khi chuyển sang làm việc tại tập đoàn.

Chương trình đào tạo 2 năm ngành Điều dưỡng của bạn tương đương chương trình đào tạo 3 năm tại Việt Nam với thời gian học khoảng hơn 6 giờ/ngày, mỗi tiết học 90 phút. Trong thời gian sinh viên đi học được phép đi làm thêm với thời gian tối đa 28 tiếng/tuần, thu nhập quy đổi ra khoảng 20 triệu tiền Việt. Chỗ ở đã được tập đoàn bố trí miễn phí, sinh viên ăn hết khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Sau khi ra trường đi làm việc với chức danh điều dưỡng, sinh viên có thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm.

Không khí khai giảng ngắn gọn. Bà hiệu trưởng đi thẳng vào từng vấn đề nhỏ nhất khi căn dặn học viên về mọi việc và không quên căn dặn chấp hành tốt quy định của tập đoàn và nước sở tại.

Do đã được anh bạn đi cùng sống bên Nhật cả chục năm rỉ tai việc bên này hội nghị ít kính thưa lắm nên tôi cố lắng nghe xem có phần kính thưa trong bài phát biểu của bà hiệu trưởng không thì thấy hầu như không có.

Tôi ngoảnh sang ông Chủ tịch Aoyama: Bên tôi mà quên phần kính thưa là căng ông ạ!

Ông Chủ tịch nhìn tôi ngạc nhiên lắm như chưa hiểu sao tôi nói vậy.

Sau một hồi giải thích để ông Chủ tịch thấy trong văn hóa hội nghị của Việt Nam kính thưa quan trọng như thế nào thì ông đã hiểu.

Ông phá lên cười khi nghe tôi nói thêm: Nhiều cụ về hưu rồi mà đến dự hội nghị không được kính thưa thì ông làm tổ chức nhiều khi gặp rắc rối to.

Cách bố trí tại lễ khai giảng cũng khiến chúng tôi có ấn tượng nhiều bởi chỉ qua đó đã thấy rằng đối tượng nào là quan trọng nhất của buổi lễ. Hai bên cánh gà được giành cho khách mời và cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, trung tâm của hội trường là chỗ ngồi của sinh viên đúng với nghĩa: Người học là trung tâm. Có vẻ điều này khác với chúng ta khi “trung tâm” của chúng ta thường ngồi sau nhìn lưng đại biểu và thầy cô giáo.

Sự chu đáo của phía bạn thật đáng kinh ngạc khi ngay cả bài phát biểu của khách cũng được phía bạn chuẩn bị sẵn dù theo thói quen đề phòng, tôi đã chuẩn bị sẵn một bài đút túi. Tôi chợt tự hỏi: Hay phía bạn biết chúng ta hay phát biểu/nói dài nên chuẩn bị sẵn để nói ngắn chăng?

3.   Dẫu biết rằng khen giao thông của Osaka nói riêng và Nhật Bản nói chung thật là thừa vì quá đồng bộ và hiện đại.

 Quy hoạch giao thông luôn đi trước so với các quy hoạch khác để đảm bảo hợp lý nhất. Phương tiện đi lại chính của Osaka là tàu điện ngầm.

 

Nút giao thông Oyamazaki, Osaka, Nhật Bản. Ảnh: laodongnhatban.com.vn

Taxi có mẫu đồng nhất và phần lớn đi cung đường ngắn. Ban ngày, taxi ít hoạt động hơn buổi tối do ít người sử dụng. Dù có đi một đoạn ngắn thì chúng ta cũng không cảm nhận được sự khó chịu của các bác tài, thay vào đó luôn là sự tử tế, nhẹ nhàng và nụ cười thân thiện. Chúng tôi khi trả tiền taxi do thấy các bác tài đều đã có tuổi nên có nhã ý muốn trả thêm thì đều nhận được lời cám ơn và từ chối không nhận.

Các mẫu xe ô tô tại đây đều có gầm rất thấp do mặt đường không có ổ trâu, ổ gà, ngược lại với các mẫu xe cũng của hãng đó khi sang Việt Nam đều phải nâng gầm cho phù hợp.

Anh bạn đi cùng bảo bên này cũng có tắc đường nhưng vẫn đi được, chỉ là đi chậm thôi chứ không tắc như ở Việt Nam, tắc là đứng im luôn.

Ngồi trên tàu đi từ Osaka sang Kobe, chúng tôi nói chuyện về một số vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông của 2 nước, trong đó có dự án đường BRT (xe buýt nhanh) đã triển khai tại Việt Nam mà Chính phủ Nhật Bản giúp rất nhiều nhưng không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Anh bạn phân tích: Thực ra vì Việt Nam làm không đến nơi đến chốn chứ cũng dự án này triển khai tại Malaysia và một vài nước khác rất tốt.

Nguyên tắc đường BRT đó phải có rào ngăn với đường còn lại nhưng Việt Nam lại không ngăn (chắc sợ đường còn lại hẹp) nên dẫn đến đường đó không chỉ dành cho xe buýt nhanh mà thành đường chung giờ cao điểm. Phải ngăn để các xe khác không đi vào được, kể cả tắc thì người đi đường mới thấy hiệu quả của buýt công cộng nhanh hơn sẽ chuyển sang đi xe công cộng. 

Hơn nữa kết nối giao thông của Việt Nam chưa đồng bộ do chưa tính hết được xe buýt nhanh phải được ưu tiên nên khi đến các nơi có đèn đỏ thì sẽ phải tự động chuyển thành xanh ngay để xe đi được liên tục không phải chờ đèn đỏ. Rồi còn phải tính xem tại mỗi điểm dừng thì người xuống xe sẽ đi tiếp phương tiện công cộng nào cho thuận lợi, có phải đợi lâu không hay lại phải đi xa mới có…

Trên toa tàu chúng tôi đi có khoảng 20 cháu học sinh chắc học lớp 1, do các ghế 2 bên người lớn đều đã ngồi nên các cháu phải đứng. Mỗi lần tàu dừng các cháu lại xô vào nhau. Tôi hỏi anh bạn sao người lớn không nhường ghế cho các cháu? Anh bạn bảo bên này người Nhật họ hay công bằng, nếu nhường ghế thì tất cả các cháu phải được ngồi chứ không phải một vài cháu ngồi trong khi những cháu còn lại vẫn đứng. Do vậy các cháu đều đứng mà không được nhường ghế là vậy!

4.   Ẩm thực vùng Osaka bao gồm okonomiyaki (bánh cake chiên), takoyaki (bạch tuộc tẩm bột nướng), udon (một loại mì), món sushi bản địa và những thức ăn Nhật Bản truyền thống khác. Trong đó, món bạch tuộc tẩm bột nướng có hương vị thật tuyệt. Món vừa nướng xong, vẫn còn nóng hổi, vừa ăn vừa xuýt xoa.

 Cậu thợ người Việt Nam tay thoăn thoắt nướng mà không đáp ứng nổi nhu cầu của khách đang xếp hàng do quá đông. Cậu nghe được giọng đồng hương của chúng tôi nở nụ cười phấn khích. Thật đúng như kiểu tâm trạng: “Thiên lý tha hương ngộ cố tri”. (Đi xa ngàn dặm gặp lại được bạn cũ).

5. Quay lại các viện dưỡng lão. Các cụ trong viện có nhiều hoàn cảnh khác nhau để vào đây nhưng không phải như ta nghĩ nước ngoài cứ già là vào bởi chi phí không hề rẻ, thậm chí có khu cao cấp rất đắt.

Một khu cao cấp của Tập đoàn Aoyama có 102 cụ ở, không phải ai muốn vào cũng vào được. Theo lãnh đạo viện dưỡng lão này, khi vào đây, mỗi cụ phải mua lại một phòng để ở cho tới chết, giá mỗi phòng dao động quy ra tiền Việt từ 6 tỷ cho tới 17 tỷ đồng. Kèm theo đó mỗi tháng các cụ phải trả thêm chi phí khoảng trên 30 triệu để được hưởng các dịch vụ. Thế nên số các cụ vào đây đều có con là thương gia hoặc chính trị gia chứ dân thường thì cũng khá khó để vào. 


Các cụ có cả phòng tập”Gym” có thẻ cắm vào để biết từng ngày sẽ tập gì, có phòng chăm sóc sắc đẹp, có phòng cắt tóc mỗi tháng một lần viện dưỡng lão mời thợ về cắt cho các cụ…

Xu hướng các viện dưỡng lão sẽ phát triển nhanh ở Việt Nam trong vào năm tới theo nhu cầu xã hội và vì càng ngày mọi người càng bận rộn mà ít có thời gian dành cho ông bà, bố mẹ. Nhìn cảnh các cụ trong các viện dưỡng lão ở Osaka chúng tôi thấy buồn buồn vì bên cạnh những cụ khỏe còn vận động, tham gia các hoạt động vui vẻ thì nhiều cụ già yếu ngồi ăn rồi gục đầu trên bàn ăn, trên ghế ngồi trong một phòng tập thể đều như vậy. Nhìn các cụ thấy thật cô đơn giữa dòng đời đang hối hả của Osaka.

Osaka, tháng 10/2018

TS Nguyễn Xuân Sang