Những địa danh trên đã tô thắm trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Du khách đã đặt chân lên đất Điện Biên thì không thể không đến Đồi A1 - quả đồi chiến công. Đây là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Đồi A1, địa danh tỏ rõ khí phách đấu tranh ngoan cường, anh dũng của quân đội nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

Dừng chân trước sân hành lễ, ngắm nhìn bức phù điêu đại sảnh lớn nhất Đông Nam Á với chiều cao trung bình 7,5m, chiều ngang 58m được ghép từ 217 tấm đá xanh Thanh Hóa. Từ đây, ngước nhìn lên Tượng đài Chiến thắng, sừng sững, uy nghi vươn cao trên đỉnh đồi D1. Tượng đài Chiến thắng là công trình văn hóa, nghệ thuật mang đậm giá trị lịch sử, tính nhân văn và tâm linh sâu sắc.

Du khách đến Điện Biên không thể không đến Đồi A1. Ảnh: HB

Ngoài các điểm du lịch di tích lịch sử, Điện Biên còn là vùng đất có nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc, cái nôi của 21 dân tộc anh em cùng chung sống. Ở đây mang đậm nét văn hóa của dân tộc Thái với đặc sản văn hóa nhà sàn, múa xòe, múa sạp, ném còn, cơm lam, cá suối, măng đắng...

Lên thượng nguồn Sông Mã, qua Mường Lay, thăm Khu phế tích dinh thự Vua Thái Đèo Văn Long, xem hội đua thuyền đuôi én. Về Tuần Giáo xem lễ hội Lồng Tồng của người Mông, để đánh cù, bắn nỏ, đẩy gậy, ném pao...

Tiềm năng du lịch Điện Biên rất lớn. Tuy nhiên, trong những năm qua, Điện Biên chưa khai thác xứng tầm, hiệu quả tiềm năng và lợi thế của mình. Lượng du khách đến Điện Biên tham quan, du lịch chưa nhiều, thời gian lưu trú không lâu. Năm 2013, Điện Biên đón 370.000 lượt khách, trong dó khách quốc tế là 65.000 người, tổng doanh thu từ du lịch đạt 433,7 tỷ đồng. Năm 2014, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm và dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đón trên 315.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 315,5 tỷ đồng. Trong năm 2015, tỉnh Điện Biên đón 420.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 600 tỷ đồng. So với năm 2014, lượng khách đến Điện Biên giảm.

Điện Biên nơi lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử. Ảnh: HB

Theo nhận xét của cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên, hoạt động du lịch của tỉnh còn nhiều bất cập. Đó là, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch phát triển chưa đồng bộ, các dịch vụ phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế, chưa thật hấp dẫn du khách. Chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu tính chuyên nghiệp và kỹ năng nghề. Đặc biệt là sản phẩm, chất lượng dịch vụ, chỉ tiêu của khách và công suất sử dụng buồng còn thấp.

Lễ hội Thành Bả Phủ. Ảnh: HB

Một trong những mặt yếu của du lịch Điện Biên cần khắc phục sớm, đó là: Sản phẩm du lịch kèm theo cho du khách vui chơi, giải trí và mua sắm còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách. Công tác tuyên truyền quảng bá du lịch còn chưa sâu rộng, nhất là các sự kiện văn hóa lớn như: Lễ hội Hoa Ban, lễ hội Phật giáo mùa Hoa Ban, lễ hội Thành Bản Phủ và các lễ hội truyền thống của các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, Si La, Dao... làm tốt công tác quảng bá sẽ thu hút được du khách, mang lại lợi nhuận lớn cho kinh tế du lịch, để ngành "công nghiệp không khói đẻ trứng vàng" trên đất Điện Biên.

Hồng Bài