Mặc dù đây là những kết quả khả quan nhưng để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng khách quốc tế đạt ít nhất 30% mà Chính phủ đã giao thì ngành Du lịch còn rất nhiều việc phải làm.

Theo Tổng Cục du lịch Việt Nam, trước hết, tạo điều kiện thuận lợi an toàn để  tăng trưởng lượng khách quốc tế trong những tháng cuối năm. Tiếp đến, phải có những giải pháp, sáng kiến cho công tác xúc tiến du lịch trong năm 2018. Và, triển khai phối hợp công tư trong công tác xúc tiến thế nào cho hiệu quả.

Các chuyên gia cho biết, Chính phủ sớm giải ngân quỹ 200 tỷ đồng cho các hoạt động xúc tiến 2017, sớm thành lập Hội đồng Quảng bá xúc tiến du lịch Quốc gia để quản lý vận hành quỹ, đồng thời tập trung xúc tiến vào 7 thị trường trọng điểm có mức chi trả cao, lưu trú lâu dài và ổn định. Với các địa phương, cần tăng cường công tác quản lý điểm đến, chấn chỉnh hoạt động lưu trú, vận chuyển và hướng dẫn du lịch.

Hà Nội - TP vì hòa bình luôn là điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Lê Đinh

 

Chính phủ xem xét mở rộng hơn chính sách miễn thị thực cho một số quốc gia có lượng khách lớn. Công tác quảng bá, xúc tiến cần chuyên nghiệp hơn và nên có sự hợp tác với cơ quan xúc tiến của các nước, các hãng hàng không để vừa tiết kiệm chi phí, vừa mang lại hiệu quả. Đặc biệt, nhiều ý kiến đề xuất đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư, xã hội hóa trong công tác này.

Hội đồng tư vấn du lịch Quốc gia đã thành lập một câu lạc bộ gồm nhiều doanh nghiệp lớn về du lịch với mục đích hỗ trợ cho ngành Du lịch trong khâu marketing. Câu lạc bộ này cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ đóng góp khoảng 70 tỷ đồng cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến, nâng cao hình ảnh  du lịch Việt Nam.

Lê Tình