Tăng cường quảng bá quốc tế

Theo báo cáo này, du lịch tỉnh Hà Giang đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, tạo việc làm; đón tiếp ngày càng nhiều du khách quốc tế và nội địa, thể hiện vai trò của một trong những ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Cơ sở hạ tầng của tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng và hoàn thiện. Doanh thu du lịch, dịch vụ du lịch giai đoạn 2015 - 2019 tăng bình quân trên 17,84%;Các sản phẩm du lịch được hình thành và phát triển ngày càng đa dạng, công tác xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch được đẩy mạnh.

Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang được thành lập năm 2015 đến nay đã có 102 hội viên tham gia với các chi hội lữ hành, chi hội nhà hàng - khách sạn đã phát huy được vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp.

Hệ thống Chợ phiên vùng cao đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch tham quan, trải nghiệm.

Nhiều nghề truyền thống trên địa bàn đã được đầu tư khôi phục, cơ bản đã phát huy hiệu quả và tạo ra những sản phẩm, vật phẩm quà tặng lưu niệm hấp dẫn phục vụ cho hoạt động tham quan du lịch và bảo tồn văn hóa làng nghề.

Đến nay, trên địa tỉnh có 37 làng nghề được tỉnh công nhận, trong đó có 4 làng nghề truyền thống; 33 làng nghề. Tổng số hộ tham gia các làng nghề sản xuất là 2.033 hộ với 3.591 lao động.

Toàn tỉnh có 56 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng trong đó 27 di tích xếp hạng quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh. Ngoài việc xếp hạng di tích, ngành còn chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị đối với các di vật, cổ vật, tham mưu cho tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ công nhận 3 bảo vật quốc gia là: Chuông chùa Bình Lâm, Bia đá Chùa Sùng Khánh và Đôi trống đồng Lô lô.

Giai đoạn 2015 - 2019 vốn hỗ trợ mục tiêu cơ sở hạ tầng trên địa bàn toàn tỉnh là 52,986 tỷ đồng. Nguồn ngân sách địa phương đầu tư xây dựng dự án là 93,052 tỷ đồng. Nguồn xã hội hóa của doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào các khu du lịch sinh thái, cơ sở lưu trú, làng văn hóa du lịch cộng đồng ước là 500 tỷ đồng. 

Đến nay một số dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch đã cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động tương đối có hiệu quả đáp ứng được nhu cầu tham quan du lịch: Điểm du lịch Trường Xuân (thành phố Hà Giang); Khu danh thắng Cột cờ Lũng Cú, Khu di tích kiến trúc nhà Vương, Phố cổ (Đồng Văn), Khu du lịch sinh lịch Phia Piu (Bắc Mê), cầu tình yêu khu mê cung đá, đường đi bộ vách đá trắng...

Thực hiện Tuyên bố Panhou năm 2012, các địa phương đã xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới với 10 tiêu chí nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ môi trường, thu hút khách… phát triển du lịch bền vững. Đến nay đã có 12 làng được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn. Một số làng chưa được công nhận đạt chuẩn nhưng thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan. Năm 2019 thực hiện tuyên bố Phìn Hồ tiếp tục triển khai xây dựng 11 làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với dược liệu tại các huyện, thành phố.

Tiếp tục khai thác các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch. Lũy kế đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 39 làng nghề, trong đó có 4 làng nghề truyền thống, 35 làng nghề; có 2.138 hộ và 3.776 lao động tham gia.

Bên cạnh việc hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh và khu vực đã được tăng cường kết nối với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh... Hà Giang đã mở rộng quan hệ hợp tác với Đại sứ quán (ĐSQ) các nước, tranh thủ sự ủng hộ của ĐSQ trong việc quảng bá thông tin, hình ảnh của địa phương tới các nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài, vận động, thu hút các nguồn lực đầu tư, viện trợ, hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ĐSQ các nước: Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Philippines, Aizerbaijan, Ấn Độ, Mỹ...

Trở thành trung tâm du lịch quốc gia

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Hà Giang trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng miền núi phía Bắc. Đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành trung tâm du lịch quốc gia. Để làm được điều đó, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã xác định 7 giải pháp tập trung để phát triển du lịch.

Một là, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch. Các sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức quán triệt sâu, rộng Chương trình của Tỉnh ủy và Kế hoạch thực hiện Chương trình của Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm thống nhất nhận thức, xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung nguồn lực để thực hiện với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao từ tỉnh đến cơ sở. Đổi mới tư duy về du lịch - coi đây là một ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển theo quy luật kinh tế thị trường và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng;

Hai là, cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện quy hoạch, phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Ba là, xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển dịch vụ hỗ trợ đầu tư, tạo môi trường thông thoáng về thủ tục đầu tư để mời gọi vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào các dự án du lịch và phát triển hạ tầng, dịch vụ vui chơi giải trí,...

Bốn là, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù.  Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Hà Giang, đa dạng hoá, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ. Khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tộc người.

Năm là, tăng cường liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch. Tổ chức hợp tác, liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trọng điểm trong cả nước mở rộng thị phần khách nội địa.

Sáu là, đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hà Giang đến 2025. Đồng thời điều tra khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, để có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo theo mục tiêu đề ra.

Bảy là, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hoá các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt ở những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa...

Bên cạnh đó là tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch.

Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2020: Thu hút 1.600.000 lượt khách, trong đó, khách du lịch quốc tế là 600.000 lượt; doanh thu từ khách du lịch đạt 2.280 tỷ đồng.Cơ sở lưu trú đạt 7.000 buồng, trong đó tỷ lệ buồng đạt chất lượng 3 sao trở lên chiếm 11% (715 buồng). Tổng số lao động trong ngành du lịch trong tỉnh có 6.360 người, trong đó, lao động có trình độ đại học chiếm 25%; lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp là 35%; lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghề chiếm 30%.

Đến năm 2025: Thu hút 2,5 triệu lượt khách; Cơ sở lưu trú đạt 7.300 buồng, trong đó tỷ lệ buồng đạt chất lượng 3 sao trở lên chiếm 13% (949 buồng); Tổng số lao động trong ngành du lịch có 12.855 người, trong đó trình độ đại học chiếm 25%, trình độ cao đẳng, trung cấp là 35%; lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghề chiếm 30%.

Thân Giang