Những “lần đầu” đầy dũng cảm

Đã qua rồi, thời hoàng kim của hài nhảm, của những đề tài “hot” như đồng tính - xã hội đen - ma quỷ… Đã qua rồi, những tác phẩm được nêm nếm thừa thãi gia vị bạo lực - tình dục, với sự góp mặt của cả một dàn “sao” như một con dấu bảo chứng cho doanh thu phòng vé. Đã qua rồi, những bộ phim chiều chuộng thị hiếu dễ dãi của một bộ phận công chúng bằng mọi giá để rồi bị gắn mác “thảm hoạ”. Cha cõng con, Đảo của dân ngụ cư, Lô tô, Dạ cổ hoài lang và mới đây nhất, Khi con là nhà đã nhen lên một đốm lửa hy vọng đầy tích cực, trong suốt 365 nhịp mặt trời Đinh Dậu. Sự thay đổi tích cực này là một tín hiệu rất vui, với khán giả yêu nghệ thuật thứ bảy nước nhà. Dù với các nhà sản xuất cùng ê kíp làm phim, sự thay đổi này - tuy thể hiện một thái độ làm nghề dũng cảm nhưng cũng phải chấp nhận đánh đổi rất nhiều, mà đáng sợ nhất là những rủi ro tài chính tiềm ẩn.

Những tác phẩm điện ảnh kể trên, không hẹn mà nên, đều gặp nhau ở một số điểm chung. Dễ nhận thấy nhất là điểm giống nhau đầu tiên, các đạo diễn - hoặc lần đầu làm phim, hoặc lần đầu chọn ngã rẽ nhân văn, trên hành trình làm nghệ thuật của bản thân.

Cha cõng con, Đảo của dân ngụ cư, Lô tô… đều là những bộ phim truyện điện ảnh đầu tay, của những đạo diễn tạm gọi là “trẻ” như Lương Đình Dũng, Hồng Ánh hay Huỳnh Tuấn Anh… Họ “trẻ” nên dám chọn đối mặt thử thách là điều dễ hiểu. Nhưng đáng mừng hơn là sự trở lại của hai tên tuổi Nguyễn Quang Dũng và Vũ Ngọc Đãng - vốn là hai đạo diễn có thâm niên làm phim ăn khách và từng rất thành công với những đề tài rất hút thị trường như chân dài - người đẹp - đồng tính… Dạ cổ hoài lang của Dũng “khùng” là tác phẩm đầu tiên đi vào khai thác phận người tha hương trên đất Mỹ, đắng đót và luôn đau đáu nỗi nhớ quê nhà. Còn Khi con là nhà cũng đánh dấu mốc lần đầu, khi Vũ Ngọc Đãng chọn tái hiện một câu chuyện dung dị đầy xúc động về tình phụ tử, với thông điệp hết sức nhân văn: “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc".

Cảnh trong phim Khi con là nhà

 

Những dự án dồn nhiều trí lực 

Điểm trùng hợp thứ hai, những dự án này đều được ấp ủ trong nhiều năm, đều có quãng thời gian tiền kỳ - hậu kỳ kéo dài kỷ lục, đều thể hiện nỗ lực rất lớn, của các đơn vị sản xuất tư nhân, khi quyết tâm bỏ tiền túi đầu tư vào những dự án cực kỳ “khó nhằn”. Với mong muốn dành tặng công chúng những bộ phim tử tế, hướng tới định vị một nền điện ảnh đương đại tử tế.

Câu chuyện dung dị nhưng cảm động về tình cha con đã lấy đi của đạo diễn Lương Đình Dũng 10 năm trời chuẩn bị. Thêm 80 ngày tiền kỳ và tròn một năm hậu kỳ, kinh phí sản xuất đã đội lên mức 18 tỷ đồng. Đau đáu với kịch bản Đảo của dân ngụ cư đúng một thập kỷ, diễn viên - đạo diễn Hồng Ánh mới tái hiện được bối cảnh một nhà hàng với những con người đa quốc tịch, như một “hòn đảo” của những mảnh linh hồn phiêu dạt không nơi an trú. Huỳnh Tuấn Anh thực hiện Lô tô, lấy cảm hứng từ bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng. Chọn sẻ chia tiếng khóc uất nghẹn về những phận người chuyển giới, mà trên hết là những kiếp sống “trôi sông, lạc chợ” đặc trưng nơi tỉnh lẻ miền Tây Nam Bộ, là một quyết định làm nghề dũng cảm của đạo diễn, khi cái bóng khá lớn của tác phẩm gốc vẫn hiện diện. 

Hiểu được áp lực rất lớn đè nặng lên tác phẩm điện ảnh - khi vở kịch Dạ cổ hoài lang đã tồn tại 23 năm, với hàng nghìn suất diễn được nhiều thế hệ diễn viên sân khấu nối tiếp nhau thể hiện, Nguyễn Quang Dũng đã giành tới ba năm tiền kỳ, chỉ để tái hiện sinh động cuộc sống nơi đất khách quê người của hai người đàn ông ở tuổi xế bóng. Câu chuyện về cha và con mà Vũ Ngọc Đãng kể lại giản dị hơn. Về một người cha rất yêu thương con nhưng lại có một tật xấu là ham mê cá độ, cờ bạc. Một biến cố xảy ra khiến hai cha con phải trốn chạy lên thành phố và lạc mất nhau. Đối mặt với bao khó khăn, giữa đô thị lạ lẫm chưa một lần đặt chân, cả hai phải nhờ vào lòng tốt của bạn bè và cả những người xa lạ để tìm thấy nhau. Bởi theo anh, "Tôi quyết định làm một phim về gia đình, đặc biệt là tình phụ tử vì nhận thấy đây là đề tài không bao giờ cũ, lại có nhiều khía cạnh khai thác và dễ chạm đến cảm xúc của người xem”.

Cha cõng con đã đạt khá nhiều giải thưởng quốc tế, ở những hạng mục quan trọng khi chu du qua vài chục Liên hoan phim quốc tế (LHPQT) suốt cả năm vừa rồi. Đảo của dân ngụ cư lập cú hat-trick, khi giành tới ba giải thưởng quan trọng: Phim hay nhất - Nam diễn viên chính xuất sắc nhất - Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất tại LHPQT Asean (AIFFA 2017). “Thừa thắng xông lên”, phim trở thành tâm điểm của chương trình Đêm Việt Nam tại LHPQT Cannes (Pháp) lần thứ 70.

Cảnh trong phim Lô tô

 

Ở trong nước, Lô tô, Dạ cổ hoài lang và mới đây nhất, Khi con là nhà đã tìm được con đường ngắn nhất đến với trái tim người xem và lấy đi của họ khá nhiều nước mắt yêu thương, đồng cảm. Và tuy mới dừng lại ở việc chinh phục thị trường trong nước, nhưng sự đón nhận tích cực dành cho ba tác phẩm Lô tô, Dạ cổ hoài langKhi con là nhà cho thấy khán giả không hề quay lưng mà luôn ủng hộ hết lòng với những bộ phim tử tế, những tác phẩm điện ảnh giàu chất nhân văn gói trọn tâm huyết, tài lực của cả ê kíp thực hiện.

Thành công bước đầu của những sản phẩm lấy giá trị nhân bản làm trung tâm này chắc chắn sẽ giúp các nhà làm phim tự tin hơn, trong những quyết định lựa chọn dự án đầu tư kế tiếp. Nó cũng sẽ giúp xây dựng và định vị lại thương hiệu của điện ảnh Việt, trên lộ trình chinh phục thị trường trong nước và từ đó bay cao, vươn xa ra ngoài biên giới.

Một năm mới Mậu Tuất đang về. Mong là thế. Và cũng hy vọng thế! 

Huyền Nga